Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 37, sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Áp dụng thuế suất ưu đãi 15-17% cho doanh nghiệp quy mô nhỏ
Trình bày tờ trình tóm tắt dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết dự thảo Luật đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Quốc hội đồng ý bao gồm: hoàn thiện quy định liên quan đến người nộp thuế và thu nhập chịu thuế; các khoản thu nhập được miễn thuế; xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp và phương pháp tính thuế; các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; điều chỉnh thuế suất đối với một số nhóm đối tượng.
Về thu nhập chịu thuế, dự thảo bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam và của doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là thu nhập có nguồn gốc từ Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh và chi tiết cụ thể các nguồn thu nhập của nhóm đối tượng này để đảm bảo tính minh bạch, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.
Về kỳ tính thuế, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho hay dự thảo Luật bổ sung quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh thì kỳ tính thuế thực hiện theo pháp luật về quản lý thuế.
Cùng với đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về mức thuế suất đối với doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và tiêu chí áp dụng để thúc đẩy sự phát triển các loại hình doanh nghiệp này. Cụ thể, dự thảo quy định mức thuế suất là 20%, riêng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng thì được áp dụng mức thuế suất 15%; doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng thì được áp dụng mức thuế suất 17%.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết dự thảo Luật quy định quyền thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thông qua việc quy định “không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh” để mở rộng phạm vi thu thuế.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tuy nhiên, quy định này chưa giải quyết được vấn đề thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài qua nền tảng thương mại điện tử, vì trên thực tế các nhà cung cấp nước ngoài chủ yếu là đối tượng cư trú tại các nước đã ký với Việt Nam Hiệp định tránh thuế 2 lần. Việt Nam chỉ được quyền đánh thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài trong trường hợp các doanh nghiệp này có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Vì vậy, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ về tính hiệu quả của các quy định này và nghiên cứu thêm các giải pháp chính sách khác để đảm bảo việc thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua nền tảng thương mại điện tử.
Về phương pháp tính thuế, Khoản 2 Điều 11 quy định phương pháp tính thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam theo tỷ lệ % trên doanh thu phát sinh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động chuyển nhượng chứng khoán (0,1%), chuyển nhượng vốn (2%).
Đề xuất giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết hiện các cơ quan báo in đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, còn cơ quan báo điện tử thì không được ưu đãi nên rất khó khăn.
Theo ông Vinh, các cơ quan báo chí dù là báo in, báo điện tử hay truyền hình, phát thanh đều là báo chí cách mạng, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan nhà nước. Hiện tại, thu nhập của các cơ quan báo chí chủ yếu phụ thuộc vào quảng cáo; tuy nhiên, miếng bánh quảng cáo cũng đang bị thu hẹp, khiến cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn.
"Chúng tôi đề nghị một mức ưu đãi thuế thu nhập chung cho báo in, báo điện tử và các loại hình báo chí khác như đang áp dụng cho báo in hiện nay," Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh kiến nghị.
Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật Báo chí, được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10%. Còn các cơ quan báo chí thuộc các loại hình khác như báo điện tử, truyền hình, phát thanh chưa có quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Ủy ban Tài chính-Ngân sách cần tiếp tục nghiên cứu cách tiếp cận mới trong việc xây dựng luật về thuế để đảm bảo tính ổn định, vì không chỉ có Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mà sắp tới còn rất nhiều các luật liên quan đến thuế cần phải sửa đổi.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết theo thông lệ quốc tế, chúng ta thường đánh thuế trực thu hơn là gián thu. Tuy nhiên, thời gian tới, Luật cần đảm bảo tính công bằng cho các đối tượng nộp thuế. Nội dung sửa đổi có nhiều nội dung luật hóa từ văn bản mới dưới luật bao gồm các nghị định, thông tư, nên cần xem xét, nghiên cứu cụ thể, chi tiết hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cần tiếp cận tổng thể các tiêu chí liên quan đến thuế, đánh giá kỹ về các sắc thuế, từ đó có nghiên cứu một cách tổng thể để làm rõ những mục tiêu lớn một cách toàn diện hơn khi xây dựng dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Tán thành với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm khắc phục bất cập hiện hành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng đây là Luật rất quan trọng, liên quan đến các khoản chi phí được trừ và không được trừ. Ban soạn thảo đã làm việc rất công phu, tâm huyết nhưng phải làm sao khi xây dựng dự thảo Luật phải có tính chất toàn diện hơn, lý giải kỹ vì sao phải sửa và sửa như nào, với mục tiêu vướng chỗ nào sửa ngay chỗ đó.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đây là luật liên quan đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nên việc sửa Luật phải vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu thuế, nhưng phải công bằng, phù hợp với xu thế, và thông lệ quốc tế…/.
Gửi phản hồi
In bài viết