Đề xuất kéo dài thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh thêm 1 năm

Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đến hết ngày 31/12/2023, đồng thời đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Sáng 21/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội nghe Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Quyết sách kịp thời thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho TP Hồ Chí Minh

Báo cáo nêu rõ, để xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Ngày 24/11/2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố, bao gồm 4 nhóm chính sách cụ thể về: quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính-ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Đây có thể coi là quyết sách quốc gia kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho TP Hồ Chí Minh, cơ bản nhận được sự quan tâm và đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thành phố.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015.

Quang cảnh phiên họp sáng 21/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Sau khi kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng quý I đạt 1,87%, quý II đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%.

Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015). Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Theo đánh giá của Thành phố, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép Thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.

Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của Thành phố.

Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023, đồng thời đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Góp phần quan trọng để TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ, Ủy ban cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết số 54.

Qua đối chiếu với kết quả thực hiện 4 nhóm chính sách được thí điểm tại Nghị quyết số 54, cho thấy, việc triển khai đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần để TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Theo đó, chính sách đặc thù về quản lý đất đai đã góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố. Trong 5 năm, Hội đồng nhân dân Thành phố đã quyết định thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843,79ha.

Các quy định về quản lý đầu tư; về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước đã góp phần tạo cơ chế chủ động, linh hoạt, bổ sung thêm nguồn lực trong thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy còn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 54; đặc biệt là một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện.

Về việc thực hiện thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ cho rằng việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Thành phố đang tiếp tục thực hiện các bước để đánh giá tác động của việc tăng mức thuế này đến hoạt động của doanh nghiệp và kinh tế Thành phố.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế tiêu dùng những mặt hàng không khuyến khích như rượu, bia, thuốc lá... Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mặt hàng này không chỉ góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Thành phố mà còn góp phần định hướng tiêu dùng, giảm bớt gánh nặng xã hội về y tế, tệ nạn xã hội. Vì vậy, vẫn có thể nghiên cứu, áp dụng chính sách này trong thời gian tới.

Nghị quyết 54 cho phép ngân sách Thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý và số thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do Ủy ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu.

Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, thời gian vừa qua, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều vướng mắc, chủ yếu do việc định giá tài sản, nhất là định giá đất, quyết tâm chưa cao. Thành phố cần chủ động, tích cực triển khai chính sách này hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết 31/12/2023; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết toàn diện, đầy đủ kết quả thí điểm và việc “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội” theo đúng quy định tại Nghị quyết 54; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục