Bộ Nội vụ cho biết, ngày 07 tháng 4 năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 01/7/2004 và đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005, 2013. Sau 17 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi để hoàn thiện hơn các quy định của Luật cho phù hợp với thực tiễn.
Thứ nhất, về công tác thi đua: Việc tổ chức triển khai một số phong trào thi đua còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; hiệu quả, tác dụng còn chưa cao, một số nơi phong trào thi đua chưa gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị; việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chưa kịp thời; nội dung, tiêu chí xét tặng danh hiệu thi đua chưa cụ thể, rõ ràng, việc công nhận danh hiệu thi đua chưa thống nhất. Thực tiễn một số danh hiệu thi đua chưa được quy định trong Luật nhưng đã đi vào cuộc sống và có tác dụng động viên kịp thời, cần được bổ sung vào Luật để tạo cơ sở pháp lý khi triển khai thực hiện.
Thứ hai, về công tác khen thưởng: Luật có đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến cả hệ thống chính trị nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng chưa bao quát hết các đối tượng và người trực tiếp lao động, sản xuất. Năm 2013 khi sửa đổi, bổ sung Luật đã có quy định điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện còn có khó khăn, vướng mắc... Một số quy định về tiêu chuẩn chưa rõ ràng, cụ thể, phải điều chỉnh bằng nghị định, thông tư…
Bên cạnh đó, Luật hiện hành quy định các hình thức khen thưởng cấp nhà nước và các hình thức khác thuộc thẩm quyền của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, trên thực tế việc phân cấp trong khen thưởng chưa quy định rõ, tỷ lệ khen thưởng cấp nhà nước chưa cân đối trong từng lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào khen niên hạn, khen công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Một số quy định về khen thưởng của Đảng chưa được thể chế hoá.
Thứ ba, về thủ tục, hồ sơ khen thưởng: Một số quy định về thủ tục, hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, thành phần số lượng hồ sơ còn nhiều; quy định thủ tục một số loại hình khen thưởng chưa hợp lý. Luật chưa quy định cụ thể về quy trình thủ tục, hồ sơ khen thưởng đối với tập thể, cá nhân khi cấp trên phát hiện có thành tích đột xuất. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa được quy định cụ thể.
Do vậy, việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng là cần thiết để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Bộ Chính trị được nêu tại Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện của Luật Thi đua, khen thưởng; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây
Gửi phản hồi
In bài viết