“Dĩ công vi thượng” là phẩm cách cao quý của người đảng viên cộng sản chân chính, không chỉ thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, sự “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và Nhân dân”, mà còn giúp mỗi người khẳng định bản lĩnh chính trị, trí lực, thể lực và tâm lực trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn. “Dĩ công vi thượng” chính là sự mẫu mực nêu gương trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm của người cán bộ, đảng viên, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó không chỉ là đặt việc công lên trên hết, trước hết; không chỉ là ứng xử với quyết định của tổ chức, với công việc của cơ quan và với mọi người trong tổ chức một cách “chí công vô tư”, mà còn phải là “làm gương cả về ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa”. Mà muốn làm được, thì “phải: quyết tâm, tín tâm, đồng tâm” và nhất định phải “thực hành làm gương nêu ba chữ ấy”.
Sức mạnh của tinh thần “dĩ công vi thượng” không chỉ dừng lại ở việc khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, cổ vũ và phát huy sự sáng tạo của quần chúng nhân dân nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, mà còn giúp người cán bộ, đảng viên nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong thực tiễn. Để phòng, chống và đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, trừ bỏ kẻ địch luôn ẩn nấp trong mỗi người thì bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự rèn luyện, tự bồi dưỡng sức đề kháng, sự miễn dịch cho chính mình.
Thực tế cho thấy, trong những năm nếm mật, nằm gai cùng quần chúng nhân dân đấu tranh để giành chính quyền (1930-1945); trong những cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp (1945-1954) và chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) và trong hơn 35 năm đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng đều thấm nhuần sâu sắc những điều răn về đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong tác phẩm Đường Cách mệnh (1927), Sao cho được lòng dân (1945), Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (1945), Sửa đổi lối làm việc (1947), Đạo đức cách mạng (1958), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969)...; đều tận tâm, tận lực phấn đấu, phụng sự sự nghiệp cách mạng với tinh thần “dĩ công vi thượng”.
Tinh thần “dĩ công vi thượng” đó không chỉ được đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đề cao trong những năm chiến tranh, mà còn luôn được quán triệt, triển khai trong thời bình: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dù khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân, phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”, để nhân nguồn sức mạnh đại đoàn kết của quần chúng, nhằm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, làm cho dân giàu, nước mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
Gửi phản hồi
In bài viết