Cuối năm 1949, Ban Tuyên huấn Trung ương chuyển đến xóm Thia, xã Tân Trào. Tại đây, tháng 5-1950, Ban Bí thư đã triệu tập Hội nghị Tuyên huấn toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với Hội nghị.
Để phục vụ công tác tuyên truyền, Ban đã tổ chức xuất bản tờ báo Thông tin nội bộ. Thời kỳ này, đồng chí Trần Quang Huy, Chánh Văn phòng Tổng Bí thư phụ trách công tác tuyên truyền và Báo Sự thật. Đến năm 1951, Ban do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách, đồng chí Tố Hữu giữ chức Phó Trưởng ban. Trong Ban có Tiểu ban Văn hóa Trung ương.
Bia di tích của Ban Tuyên huấn Trung ương tại thôn Thia, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Năm 1950, một bộ phận Ban Tuyên huấn Trung ương di chuyển đến làm việc tại xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Lúc này đồng chí Tố Hữu là Trưởng ban, đồng chí Trần Văn Giàu là Phó trưởng ban.
Sau Đại hội II của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp là Trưởng ban Tuyên huấn, đồng chí Tố Hữu là Phó trưởng ban. Ban Tuyên huấn thời kỳ này bao gồm các tiểu ban: Huấn học, Biên tập, Văn nghệ, Giáo dục, Tuyên huấn ở vùng địch hậu, tuyên huấn tiền phương, tuyên huấn dân tộc.
Đầu năm 1952, tiểu ban Văn nghệ tổ chức triển lãm hội hoạ toàn quốc tại trụ sở của Ban Tuyên huấn Trung ương. Nhân dịp này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư thăm hỏi anh chị em văn nghệ sĩ, trong thư Người viết: “Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy...”.
Cuối năm 1953, Ban chuyển lên Kim Quan cùng nơi của Văn phòng Trung ương Đảng và đặt trụ sở tại đây cho đến khi chuyển về Thủ đô Hà Nội.
Gửi phản hồi
In bài viết