Địa điểm khu di tích Bộ Canh nông tại thôn Hoắc, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Bộ Canh nông có Văn phòng Bộ và các đơn vị trực thuộc:
- Nha Nông chính: Năm 1949, Nha đóng tại xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương. Ông Hoàng Văn Đức làm Tổng Giám đốc. Tại đây, năm 1950, Nha Nông chính tổ chức hội nghị toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên: “Cán bộ nông chính phải biết cái khó, cái cần, cái hay của nông dân để hướng dẫn nông dân cày cấy, trồng trọt”. Năm 1951, Nha Nông chính chuyển đến làng Chanh, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn và đóng ở đây cho đến năm 1954.
Tháng 2-1952, Nha Nông chính đổi tên thành Viện Trồng trọt Trung ương, kỹ sư Bùi Huy Đáp là Viện trưởng. Viện có các phòng: Sinh học, Bảo vệ thực vật. Viện thành lập và chỉ đạo 5 trại thực nghiệm ở Tuyên Quang, Phú Thọ với chủ trương vừa xây dựng, vừa hướng dẫn nông dân cải tiến kỹ thuật; xác định phương pháp nghiên cứu khoa học gồm ba khâu: Phòng nghiên cứu - Trại thí nghiệm - Xã thực nghiệm; kết hợp chặt chẽ cả ba khâu.
- Nha Thú y - Mục súc- Ngư nghiệp (sau đổi thành Viện Chăn nuôi): Tháng 3-1949, Nha Thú y - Mục súc - Ngư nghiệp do ông Phạm Văn Huyến làm Giám đốc chuyển đến xã An Tường, huyện Yên Sơn (nay thuộc thành phố Tuyên Quang). Năm 1951, Nha chuyển đến xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên. Giám đốc Nha là ông Trịnh Văn Thịnh. Tháng 2-1952, cơ quan được đổi tên thành Viện Chăn nuôi. Cuối năm 1952, Viện chăn nuôi chuyển đến thôn Hoắc, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn.
Nha (sau là Viện) làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở vùng tự do và cả vùng tạm chiếm; nghiên cứu, bào chế thuốc, huyết thanh phòng chống dịch bệnh. Ông Hoàng Hanh, cán bộ của Viện có công trình nghiên cứu về phòng trừ bệnh toi gà đã được đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất. Tại đại hội, ông là một trong bảy người được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
- Nha Lâm chính: Ông Đồng Sĩ Hiền làm Tổng Giám đốc. Nhiệm vụ của Nha là xây dựng chính sách về lâm nghiệp, trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, ngăn ngừa sự tàn phá rừng, đào tạo cán bộ lâm nghiệp. Năm 1949, Nha Lâm chính đóng tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tháng 5-1950, đổi tên thành Nha Thủy - Lâm, chuyển đến xã Cao Đà, huyện Hàm Yên; năm 1952, chuyển đến thôn Vĩnh Khoái, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa.
Tháng 2-1952, Nha Thủy - Lâm đổi thành vụ Thủy - Lâm, nhiệm vụ làm tham mưu cho Bộ chỉ đạo công tác lâm chính; đồng thời nghiên cứu chính sách sản xuất lâm nghiệp, theo dõi đôn đốc thực hiện quản trị các quốc doanh lâm nghiệp. Cuối năm 1952, Vụ Thủy - Lâm chuyển đến thôn Hoắc, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn.
Nha Lâm chính đã xây dựng và thực hiện các hoạt động lâm nghiệp phục vụ kháng chiến như xây dựng chính sách, thể lệ lâm nghiệp về bảo vệ, khai thác rừng và nhất là vận động nhân dân trồng rừng. Nha cũng chăm lo công tác đào tạo. Năm 1948, Trường Trung cấp Lâm chính được thành lập, sau đó sáp nhập vào Trường trung cấp Canh nông.
- Nha Khẩn hoang di dân: Nha được thành lập ngày 16-2-1947 theo Sắc lệnh số 17/SL của Chủ tịch nước. Từ năm 1949 đến năm 1951, Nha Khẩn hoang di dân chuyển đến thôn Thường Túc, xã An Tường, huyện Yên Sơn (nay là thôn Thăng Long 1, thành phố Tuyên Quang). Nha có khoảng 40 cán bộ, Bộ trưởng Bộ Canh nông, kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm trực tiếp làm Giám đốc.
Tháng 11-1950, Nha Khẩn hoang di dân cải tổ thành Sở Doanh điền. Ông Lê Duy Thước làm Giám đốc sở. Đoàn doanh điền công tác của sở làm nhiệm vụ tổ chức, quản lý, quy hoạch đất đai các trại nhân dân hoặc quốc gia doanh điền. Sở soạn thảo và công bố Quy chế quản lý trại quốc doanh nông nghiệp theo chế độ hạch toán làm cơ sở quản lý nông trường quốc doanh sau này.
- Trường Trung cấp Nông lâm Trung ương: Kỹ sư Vũ Đình Mẫn làm Hiệu trưởng. Trường có ba ban: Trồng trọt, Chăn nuôi, Lâm nghiệp. Khóa đầu tiên mở tại làng Chanh, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Trong kháng chiến trường đào tạo được 600 cán bộ nông, lâm nghiệp.
Gửi phản hồi
In bài viết