Việc khai quật di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê) thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học.
Di tích Gò Đá được các nhà khảo cổ học lần đầu tiên phát hiện năm 2014 khi triển khai đề tài “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến nay” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai chủ trì.
Từ phát hiện ban đầu này, tháng 6/2014, Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã triển khai đề tài nghiên cứu và phát hiện 5 di tích thời đại Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
Cuối năm 2014, các di tích được thẩm định và đưa vào Chương trình hợp tác quốc tế Nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Khảo cổ học-Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) giai đoạn 2015-2019.
Tháng 11/ 2015, di tích Gò Đá được các nhà khảo cổ học Việt-Nga khai quật lần đầu tiên.
Song song với quá trình khai quật Gò Đá, các nhà khảo cổ học tiến hành điều tra, đào thám sát di tích Rộc Tưng 1 (xã Xuân An) vào tháng 11/2015, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 12 điểm có dấu tích văn hóa của người nguyên thủy ở Rộc Tưng (xã Xuân An, thị xã An Khê)
Kết quả khai quật các di tích Gò Đá–Rộc Tưng đã thu được hàng trăm mảnh tectit và hàng ngàn di vật đá với các loại hình như: Công cụ mũi nhọn, công cụ ghè hai mặt, công cụ chặt thô, công cụ mũi nhọn tam diện... Đặc biệt là 4 rìu tay thu được trong quá trình điều tra, khảo sát.
Với phát hiện di tích đá cũ An Khê, chúng ta có thêm cơ sở khoa học kéo dài hơn lịch sử Việt Nam về quá khứ. Cụ thể, có 2 mẫu niên đại ở 2 điểm Đá cũ vùng An Khê đã được Phòng thí nghiệm đồng vị hóa và niên đại địa chất Igem Ran (Viện Địa chất trầm tích quặng, thạch học, khoáng vật và địa hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga) phân tích cuối năm 2017.
Theo phân tích bằng phương pháp K/Ar, kết quả cho thấy niên đại ở di tích Gò Đá là khoảng 806.000 năm và Rộc Tưng I là khoảng 782.000 năm trước.
Phát hiện kỹ nghệ Đá cũ An Khê cũng đã làm thay đổi nhận thức về lịch sử vùng đất và đời sống của tổ tiên chúng ta, lâu nay cho rằng, người sơ kỳ Đá cũ chỉ chế tác công cụ đá khi nào cực kỳ cần thiết, và công cụ họ làm ra đều mang tính vạn năng.
Thực tế cho thấy, kỹ nghệ đá ở An Khê có nhiều loại, có sự chọn lựa chất liệu đá và cách tạo dáng phù hợp với chức năng công cụ. Có thể chúng đã được sử dụng chặt tre, gỗ, xẻ thịt thú rừng, nạo da, đào đất tìm con mồi để kiếm sống.
Lâu nay, chúng ta lấy thời điểm xuất hiện người đứng thẳng ở Thẩm Khuyên và Thẩm Hai (Lạng Sơn) cách đây 500 nghìn năm làm mốc mở đầu cho lịch sử Việt Nam.
Với phát hiện di tích Đá cũ An Khê, chúng ta có thêm cơ sở kéo dài hơn lịch sử Việt Nam về phía trước. Và như vậy, vùng thượng lưu sông Ba (Gia Lai) được ghi dấu vào bản đồ thế giới, là một trong những nơi lưu giữ dấu tích văn hóa của tổ tiên loài người - Người đứng thẳng (Homo erectus).
Tháng 11/ 2016, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất về kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê được tổ chức tại thành phố Pleiku thu hút hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế đến tham dự.
Tại hội thảo, các nhà khoa học khẳng định việc phát hiện các di tích khảo cổ học thuộc giai đoạn sơ kỳ Đá cũ ở An Khê có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu giai đoạn bình minh lịch sử của nhân loại.
Giá trị của di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá ở chỗ, những bí ẩn sâu thẳm trong lòng đất cuối cùng dần lộ diện qua những cuộc khai quật, hé mở một cách chân thực, sinh động về cuộc sống của tổ tiên chúng ta.
Theo Tiến sĩ sử học Nguyễn Thị Kim Vân, cái quý giá của di tích là tất cả di vật đều được tìm thấy trong địa tầng văn hóa gần như nguyên vẹn, chứ không chỉ là di vật đơn lẻ tìm thấy trên mặt đất.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Trưởng phòng Nghiên cứu thời đại đồ đá (Viện Khảo cổ học Việt Nam) đánh giá, quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá không chỉ khẳng định giá trị quốc gia về lịch sử văn hóa của các di tích khảo cổ sơ kỳ Đá cũ An Khê, mà còn nêu rõ trách nhiệm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc của địa phương theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa.
Gia Lai nói chung, thị xã An Khê nói riêng là địa phương có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng, với 13 di tích cấp tỉnh và 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Riêng thị xã An Khê, ngoài giá trị lịch sử của vùng đất Tây Sơn thượng đạo, chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử có giá trị, giờ đây An Khê sẽ được biết đến nhiều hơn bởi quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt Rộc Tưng-Gò Đá.
Gửi phản hồi
In bài viết