Theo đó, cơ quan Tổng bộ Việt Minh đã chuyển đến làm việc tại thôn Nà Bó, xã Kiên Đài. Trong thời gian làm việc ở đây, cơ quan Tổng bộ Việt Minh có khoảng 20 cán bộ, đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Bí thư Tổng bộ Việt Minh; đồng chí Xuân Thuỷ làm Trưởng ban Tuyên truyền, Uỷ viên Thường vụ Tổng bộ Việt Minh. Đồng chí Hoàng Quốc Việt vừa phụ trách Tổng bộ Việt Minh, đồng thời phải đảm trách nhiều công việc khác như Bí thư Đảng đoàn của Mặt trận Liên Việt kiêm phụ trách Ban Dân vận Trung ương. Đồng chí Xuân Thuỷ được giao làm Chủ nhiệm toà soạn Báo Cứu Quốc.
Bia di tích Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tại thôn Nà Bó, xã Kiên Đài (Chiêm Hoá).
Trong thời gian ở Kiên Đài, Tổng bộ Việt Minh đã chỉ đạo tiến hành các công việc nhằm thực hiện nhiệm vụ tập hợp ngày càng đông đảo hơn nữa các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, kêu gọi toàn dân ủng hộ kháng chiến, phát động các phong trào phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp, hưởng ứng tích cực phong trào thi đua ái quốc, đỡ đầu bộ đội, đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận, bãi công, bãi thị ở vùng tạm chiếm, động viên các phong trào đấu tranh trong lòng địch, phong trào giết giặc lập công, tăng gia sản xuất, xây dựng đời sống mới.
Đặc biệt, tại đây, Tổng bộ Việt Minh đã hoàn thiện báo cáo “Củng cố khối đoàn kết để chiến thắng” trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Báo cáo có nêu rõ: trong điều kiện chính quyền còn non trẻ, chính sách tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân của Đảng đã mở rộng và được sự lãnh đạo của giai cấp công nhân trong khắp các tầng lớp nhân dân, củng cố chính quyền, phát triển lực lượng bộ đội và góp phần đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngay sau Đại hội II của Đảng tổ chức tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hoá, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh – Hội Liên Việt được tổ chức từ ngày 3 đến 7/3/1951. Đại hội đã hoàn thành, thống nhất hai tổ chức Mặt trận Việt Minh – Hội Liên Việt thành một Mặt trận Dân tộc thống nhất, lấy tên là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt. Đại hội đã suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận Liên Việt, cử đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.
Toàn cảnh bia di tích và khuôn viên Di tích lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tại thôn Nà Bó, xã Kiên Đài (Chiêm Hoá).
Mặt trận đã thực hiện đường lối của Đảng, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc với phương châm vận động, xây dựng và củng cố tổ chức trong công nhân, nông dân, trí thức, dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngoại kiều; tập hợp, vận động các liên minh, các đảng phái, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết đứng lên tham gia kháng chiến. Cuối năm 1952, cơ quan Mặt trận Liên Việt chuyển đến ở và làm việc tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên (Sơn Dương).
Di tích Mặt trận Liên Việt tại thôn Nà Bó, xã Kiên Đài là nơi ghi dấu những hoạt động của cán bộ, nhân viên của Mặt trận Liên Việt trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1950-1952. Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” để cán bộ Mặt trận các cấp và nhân dân trong cả nước đến tham quan, tìm hiểu. Từ đó, cùng phát huy hơn nữa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết