Di tích cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam tại xã Tân Trào

- Ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội LHPN Việt Nam được thành lập. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cơ quan Hội và nhiều bộ, ban, ngành Trung ương đã ở và làm việc tại xã Tân Trào và các xã ATK, triển khai các phong trào, hoạt động thiết thực đóng góp vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Di tích cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam tại thôn Lũng Búng, xã Tân Trào (Sơn Dương).

Trải qua thời gian và từng thời kỳ lịch sử, Hội đã có nhiều tên gọi khác nhau như: Hội Phụ nữ giải phóng, Hội Phụ nữ phản đế… Đến tháng 4 năm 1950, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ Nhất được tổ chức tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Dự Đại hội có 168 đại biểu chính thức, đại diện cho 5 triệu hội viên và 10 triệu phụ nữ Việt Nam (có Việt kiều ở Pháp, Thái Lan tham dự).

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội do đồng chí Lê Thị Xuyến làm Chủ tịch. Đến tháng 7-1951, để phục vụ nhiệm vụ cách mạng, cơ quan Hội LHPN Việt Nam chuyển đến ở, làm việc tại thôn Lũng Búng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.

Bia di tích cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam tại thôn Lũng Búng, xã Tân Trào (Sơn Dương).

Thời gian ở Tân Trào, cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam có bí danh là cơ quan 52, đồng chí Lê Thị Xuyến làm Chủ tịch, đồng chí Hoàng Thị Ái làm Phó Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng Đoàn; bà Nguyễn Thị Thục Viên và Lê Thu Trà làm Phó Chủ tịch. Cơ quan Trung ương Hội có khoảng 60 người, được chia thành 6 ban: Ban liên lạc quốc tế, Ban báo chí, Ban xã hội, Ban Tuyên huấn, Ban phụ vận, Ban sản xuất.

Trong thời gian này, Hội đã chú trọng đẩy mạnh công tác củng cố, phát triển tổ chức Hội ở cơ sở; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và kế hoạch của Nhà nước… Nhờ đó, phụ nữ nông thôn từng bước được nhận thức, hăng hái thi đua lao động, học tập, góp công góp sức xây dựng hậu phương và cùng các đoàn thể tham gia phục vụ kháng chiến, kiến quốc.

 Biểu tượng của Hội LHPN Việt Nam.

Đặc biệt, cuối năm 1952, Hội vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên cơ quan Hội. Bác đã động viên toàn thể chị em trong cơ quan hãy cố gắng trong công tác chuyên môn và căn dặn: Phải chú ý đến sức khỏe, cần cố gắng trồng nhiều rau xanh, nuôi gà đẻ để lấy trứng… Ghi nhớ lời dặn của Bác, chị em trong cơ quan Hội đã tích cực tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi gà, vừa phục vụ nhu cầu đời sống, vừa phục vụ công cuộc kháng chiến lâu dài.

Cuối tháng 7-1954, Hội LHPN Việt Nam rời Tân Trào sang Đại Từ, Thái Nguyên. Cuối tháng 10-1954 Hội chuyển về Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” để tổ chức Hội các địa phương trong cả nước về nguồn, ôn lại truyền thống và thêm tự hào về quá trình hình thành, phát triển của tổ chức Hội.                                                                               

    Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục