Di tích Bộ Quốc gia Giáo dục ở xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa)

- Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Bộ Quốc gia Giáo dục cùng các cơ quan Chính phủ di chuyển lên Việt Bắc. Cuối năm 1951, Bộ đã chuyển đến thôn Khuôn Trú, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) để ở và làm việc.

Bia Di tích Bộ Quốc gia Giáo dục, thôn Khuôn Trú, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa).

Thời kỳ này, Nhà giáo Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục. Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn làm Thứ trưởng. Chỉ một thời gian ngắn, cùng với sự giúp đỡ của nhân dân địa phương và sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên, nhà ở và làm việc của Bộ đã được xây dựng xong. Di tích Bộ Quốc gia Giáo dục ở giữa thôn Khuôn Trú có 10 ngôi nhà, gồm nhà Bộ trưởng, Thứ trưởng, hội trường, hai dãy nhà ở của cán bộ nhân viên và nhà ăn. Các ngôi nhà được dựng dưới tán cổ thụ, đều làm bằng gỗ, tre, nứa, lá. Xung quanh khu nhà có hệ thống giao thông hào.

Tổ chức của Bộ Quốc gia Giáo dục lúc đó gồm: Nha Giáo dục phổ thông (từ Nha Tiểu học vụ, Nha Trung học vụ hợp thành), Nha Bình dân học vụ, Vụ Trung học chuyên nghiệp, một số phòng trực thuộc và Ban Biên tập Tạp chí Giáo dục san. Tổng số khoảng 100 người.

Tại đây, giữa năm 1951, Bộ đã tổ chức Đại hội Giáo dục toàn quốc, thảo luận thông qua đề án cải cách giáo dục. Theo đó, phương châm giáo dục là phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân. Quy định bậc học phổ thông 9 năm, có bậc dự bị đại học. Đồng thời hệ thống giáo dục bình dân học vụ - bổ túc văn hoá và hệ thống giáo dục chuyên nghiệp cũng được quy định rõ các cấp học, thời gian học tương đương.

Di tích có khuôn viên rộng, sạch đẹp, là nơi sinh hoạt văn hoá, thể thao của người dân trong thôn.

Trong thời gian này, với phương châm “cần gì học nấy”, các trường bổ túc văn hoá kháng chiến góp phần quan trọng truyền đạt kiến thức cho người lao động. Bình dân học vụ chuyển sang thời kỳ mới, thực hiện song song hai nhiệm vụ: vừa tiếp tục xoá nạn mù chữ vừa bổ túc văn hoá cho cán bộ và nhân dân lao động.

Thời gian này, Bộ đã có những chỉ thị, nghị quyết quan trọng về phát triển giáo dục toàn quốc, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục lâu dài.

Năm 2006, Di tích Bộ Quốc gia Giáo dục được Bộ trưởng Bộ văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích Quốc gia, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang nói riêng và toàn quốc nói chung.                            

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục