Vun góp những giấc mơ
Sinh năm 1988, Hoàng Văn Thính, thôn Mỹ Lộc từng có thời điểm chạy đủ thứ nghề: lái xe tải chở hàng, rồi quay qua nghề buôn nông sản… Thính nhớ lại, những ngày đi buôn măng, Thính không hình dung nổi có ngày mình lãi đến hai ba chục triệu đồng – một con số khổng lồ với những người nông dân chân lấm tay bùn và với những thanh niên vừa bước chân vào đời như anh.
Nhưng tuổi trẻ, kiếm được tiền dễ thì tiêu tiền cũng dễ, bao nhiêu năm buôn bán, số tiền Thính dành dụm lại làm vốn không được bao nhiêu. Vừa rồi, anh quyết định bỏ nghề buôn, quay lại với nghề nông. Thính đến Đoàn xã, hỏi Bí thư Trần Thị Huệ cách vay vốn, cách làm ăn và quan trọng nhất là cách quản trị đồng tiền.
Bí thư Đoàn xã Trần Thị Huệ kiểm tra mô hình nuôi dê sinh sản của đoàn viên
Hoàng Văn Thính, thôn Mỹ Lộc.
Huệ trực tiếp liên hệ với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Sơn để dành phần vốn vay 50 triệu đồng cho Thính. Mong muốn của Thính là phát triển nghề chăn nuôi, Huệ lại trực tiếp liên hệ với Hội Nông dân huyện, đưa Thính và nhiều thanh niên cùng chí hướng thăm các mô hình chăn nuôi kết hợp của các hộ đã thành công trong và ngoài huyện, để anh trực tiếp học hỏi cách thức làm chuồng trại, chăm sóc… Cuối năm 2020, Hoàng Văn Thính xây dựng 2 hệ thống chuồng trại, một để tập trung chăn nuôi dê sinh sản và một để đầu tư chăn nuôi trâu bò sinh sản. Qua học hỏi và nắm bắt thị trường thì nhu cầu chăn nuôi của người dân đang có dư địa rất lớn, trong khi nguồn con giống thì chưa được nhiều hộ đầu tư. Thính bảo, nếu thành công, thì công lớn thuộc về Bí thư Đoàn xã Trần Thị Huệ.
Hoàng Văn Thính chỉ là một trong số ít thanh niên quyết định bám đất quê mà loay hoay với câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì, vốn từ đâu… Huệ bảo, tổng đoàn viên, thanh niên của xã Phú Thịnh là 109 người, nhưng thực tế ở lại địa phương chỉ còn khoảng 67 – 68 người, còn lại đều lựa chọn rời lũy tre làng, “nhập khẩu” tại các nhà máy, doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đoàn viên, thanh niên chủ yếu là ở khối trường học và cơ quan Nhà nước, số ít thanh niên ở lại địa phương, Huệ muốn họ có một điểm tựa vững chắc, để quê hương thực sự là chùm khế ngọt, không phải là bến tạm để nếu thất bại lại quyết định ra đi nữa. Cứ nghe xã có chương trình, dự án gì hay, mới, Huệ nghĩ ngay đến đoàn viên của mình.
Mới đây, khi Đảng ủy xã xây dựng Nghị quyết về trồng cây vụ đông và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, Bí thư Đoàn xã Trần Thị Huệ đến từng hộ đoàn viên để tìm hiểu và vận động, khuyến khích đoàn viên đưa cây trồng mới vào để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Anh Trần Tuyền, đoàn viên Chi đoàn thôn Húc sau khi trực tiếp được đi tham quan mô hình trồng dưa chuột theo chuỗi liên kết ở Tú Thịnh, Tân Trào (Sơn Dương), nhận thấy cơ hội để nâng cao thu nhập rất lớn. Thế nhưng, do gia đình không có đủ diện tích để thực hiện, lại thiếu vốn, Tuyền đem băn khoăn của mình bày tỏ với chị Huệ. Bí thư Đoàn xã Trần Thị Huệ kết nối, giúp Tuyền được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Có vốn, Tuyền thuê đất ruộng, bắt tay vào thực hiện mô hình ngay vụ xuân này. Ở Phú Thịnh vụ nà, đã có khoảng 1 ha dưa chuột được trồng, liên kết với Hợp tác xã sản xuất giống gia cầm Minh Tâm bao tiêu, trong đó chiếm 1/3 là diện tích của các đoàn viên, thanh niên trong xã.
Bí thư Đoàn xã Trần Thị Huệ bảo, đoàn viên mình vốn đã thiếu định hướng làm kinh tế, lại chưa mạnh dạn, lo rủi ro, thiếu vốn… nên việc gì mình định hướng để anh chị em làm, mình đều muốn phải thật chắc chắn.
Hoàng Văn Quyết, đoàn viên Chi đoàn thôn Đát Trà vốn là hộ nghèo. Năm 2013, được Đoàn xã tín chấp cho vay 50 triệu đồng để trồng cam. Quyết lên Hàm Yên học cách trồng cam của những hộ tỷ phú, rồi lên mạng mày mò tìm kiếm thêm thông tin, tài liệu để chăm sóc 1 ha cam của gia đình đạt chất lượng tốt nhất. Giờ thì gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, con số 50 triệu đồng với nhiều người chỉ là con số nhỏ, thì với gia đình anh, là chiếc cần câu hiệu quả nhất.
Để đoàn viên có đủ kiến thức, Đoàn xã Phú Thịnh phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn kiến thức về chuyển giao khoa học kỹ thuật, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng nấm và quản trị kinh doanh, để đồng tiền làm ra được sử dụng, đầu tư đúng mục đích.
Hết lòng vì việc chung
Trần Thị Huệ được kết nạp Đảng từ những ngày còn là sinh viên đại học. Rời ghế nhà trường, về xã làm việc, sức trẻ, cộng với niềm tự hào của một đảng viên trẻ, Huệ bảo, những việc chung Đoàn xã đều muốn nhận, để hỗ trợ xã, hỗ trợ bà con phần nào hay phần đó.
Đoàn viên xã Phú Thịnh (Yên Sơn) vệ sinh đường làng ngõ xóm.
Năm 2021, Phú Thịnh đăng ký về đích nông thôn mới. Từ cuối năm 2020, Đoàn xã đã nhận và hoàn thành nhiều phần việc. Như tham gia trồng 1.200 mét đường hoa và hàng rào cây xanh tại các thôn; phối hợp với các thôn Trung Thành, thôn Nghẹt… xây dựng hơn 3.100 mét thắp sáng đường quê, trong đó công trình thắp sáng đường quê thôn Trung Thành được công nhận là công trình thanh niên tiêu biểu cấp cơ sở.
Câu chuyện vệ sinh môi trường, xây dựng 3 công trình vệ sinh là câu chuyện khó trong xây dựng nông thôn mới với nhiều xã, nhưng ở Phú Thịnh, tiêu chí này đã cơ bản hoàn thành. Bí thư Đoàn xã Trần Thị Huệ bảo, Đoàn xã đảm nhiệm 6 đoạn đường tự quản gắn với hoạt động vệ sinh môi trường. Mỗi tháng, đoàn viên thanh niên ra quân quét dọn, vệ sinh đường làng ngõ xóm 2 lần. Tiêu chí vệ sinh môi trường ở Phú Thịnh hết năm 2020 đã cơ bản đạt chuẩn.
Huệ cũng kêu gọi, vận động các đoàn viên, thanh niên ở xã góp công, góp của giúp đỡ hộ bà Nguyễn Thị Nhậm, thôn Trung Thành xây dựng nhà ở đạt chuẩn.
“Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Bóng áo xanh của Bí thư Đoàn xã Trần Thị Huệ được ví như điểm tựa của những thanh niên nghèo Phú Thịnh, để họ tự tin cống hiến, thử sức và làm giàu!
Gửi phản hồi
In bài viết