Thất bại không nản
Sinh năm 1974, nhưng sự vất vả không làm anh già hơn so với tuổi. Mà ngược lại, khi nói về rừng, quá trình trồng và chăm sóc, gắn bó với rừng khiến anh luôn vui vẻ, với nụ cười tươi trẻ trên môi, kể cả khi nói về những thất bại. Năm 1993, biết bố nhận trồng 11ha rừng theo Dự án 327, anh đã tích cực tham gia ngay và là lao động chính. Ngày ấy, việc trồng rừng gần như là “không tưởng” đối với bà con trong thôn, trong xã. Đất đồi chủ yếu bị bỏ hoang, để người dân tận dụng thả rông trâu, bò, hay làm nương. Vì vậy, khi anh và gia đình trồng rừng, bà con đã nghĩ bị mất đất chăn thả đại gia súc. Cây trồng lên rồi, gần như bị trâu, bò phá hết. Mỗi lần như vậy, anh vừa tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, vừa tiếp tục trồng lại, rồi xin phép bố mẹ làm lán để ở cho tiện việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Nhờ vậy, diện tích rừng trồng ngày càng phát triển. Cùng với đó, anh đã hỏi mua lại những diện tích đất trống, đồi núi trọc của nhiều hộ dân xung quanh để mở rộng diện tích rừng trồng của gia đình. Dần dần, một quả đồi, rồi sang hai, ba quả đồi đều được anh phủ lên bằng màu xanh của cây keo, bạch đàn.
Anh Thanh (bên phải) kiểm tra giống cây keo hạt ngoại.
Việc trồng cây gây rừng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Anh Thanh kể lại, có những diện tích cây keo, bạch đàn anh trồng 2 năm, thân cây đã bằng cổ tay, nhưng cứ lụi dần, không phát triển được do giống cây bị thoái hóa. Số tiền bỏ ra mua giống, công chăm sóc trong 2 năm lên đến cả trăm triệu đồng, nhưng anh vẫn quyết định bỏ toàn bộ đi để trồng lại. Một lần khác, hơn 10 ha rừng anh trồng giống cây bạch đàn ta cũng phải phá bỏ, tổng thiệt hại lên đến hơn 600 triệu đồng. Khi ấy, ai cũng cười và cho rằng anh rảnh sao không kiếm việc khác để làm, cứ mãi trồng rừng như vậy đến bao giờ mới được khai thác.
Nhưng đất không phụ công người, đến năm 2013, Nhà nước mở cửa rừng, cho phép người dân khai thác. Khi ấy, anh đã là ông chủ của 30 ha rừng. Năm 2015 - 2016, từ khai thác rừng, anh đã thu được hơn 1 tỷ đồng. Ngoài diện tích rừng trồng, anh còn nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ 9,7 ha rừng phòng hộ trên địa bàn xã. Đồng thời, nhận chuyển nhượng 5ha rừng gỗ lớn, thuộc rừng phòng hộ từ năm 2002. Nhìn theo hướng tay anh chỉ về phía dãy núi Lịch, giáp thôn Cây Gạo, xã Đồng Quý, với màu xanh trải dài của cây, tôi hiểu, đó chính là thành quả của người luôn coi rừng là một phần của cơ thể mình.
Anh Thanh chăm sóc rừng.
Người mở đường
Không chỉ là một trong những người đầu tiên trồng rừng của xã, anh Thanh còn là người mở đường với đúng nghĩa. Trước đây, anh làm nghề lái máy xúc, thường tham gia làm cầu, đường. Cũng chính từ nghề này, anh có dịp đi các tỉnh như: Lào Cai, Yên Bái... được tìm hiểu về việc trồng rừng và tình yêu với rừng cứ thấm vào anh từ lúc nào không biết. Vượt lên những thất bại, để trồng rừng hiệu quả, anh đã tự mình về tận Viện Cây lâm nghiệp của Phù Ninh, Phú Thọ tìm hiểu những giống cây mới, như cây bạch đàn mô U6, CT3 đem về trồng.
Bên cạnh đó, anh còn mua lại những diện tích rừng chuẩn bị được khai thác của người dân trong và ngoài xã để bán lại cho các xưởng chế biến gỗ tận Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Hầu hết những diện tích rừng anh mua lại đều ở trên núi cao, đường giao thông đi lại khó khăn. Vì vậy, anh phải đầu tư vốn mở đường cho việc khai thác được thuận lợi. Tính đến nay, những con đường cheo leo lên dốc cao, có khi gần như thẳng đứng đã được anh đầu tư làm có khi lên tới vài chục cây số. Có những con đường mới làm, nhưng mưa lũ gây xói lở, sau đó phải đầu tư làm lại, anh vẫn kiên trì...
Đặc biệt, đầu năm nay, khi nắm được thông tin về Chương trình trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động, anh là người đầu tiên ở xã chủ động đăng ký với Trạm Kiểm lâm Đông Thọ nhận cây giống về trồng. Kết quả, anh đã được nhận giống keo hạt ngoại theo Chương trình để trồng trên 11 ha đất rừng của gia đình. Anh phấn khởi khoe: “Số cây giống này mình sẽ trồng và đầu tư chăm sóc để phát triển diện tích rừng gỗ lớn”. Qua đó, góp phần hưởng ứng Chương trình “Vì một Việt Nam xanh”. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, để đem lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.
Ngôi nhà khang trang của gia đình anh Thanh.
Năm 1994, anh lập gia đình. Năm 2016, anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang. Đặc biệt, gia đình anh còn tạo việc làm theo thời vụ cho từ 10-15 lao động địa phương, với thu nhập từ 160-180 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, anh còn mua sắm các máy móc cần thiết cho quá trình chăm sóc rừng được thuận lợi.
Nhận xét về anh, đồng chí Lê Văn Lộc, Bí thư, Trưởng thôn Đồng Mụng nói, thôn có 163 hộ, trong đó có khoảng 50% số hộ trồng rừng. Nhưng hiện nay gia đình anh Thanh là hộ có diện tích rừng lớn nhất xã. Ai cũng cảm phục sự tâm huyết và tình yêu của anh đối với rừng. Chỉ có những người thực sự yêu rừng mới không ngại khó khăn, thất bại để sống và gắn bó với nó. Bên cạnh đó, anh Thanh còn là người hiền lành, dễ gần, sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong thôn, xã, gương mẫu trong thực hiện các phong trào ở địa phương.
Trồng, chăm sóc, khai thác và tiêu thụ sản phẩm từ rừng, anh càng hiểu hơn quá trình “khắc nghiệt” để có được không gian xanh, môi trường xanh. Bởi thế, rừng là tài sản vô giá và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống không của riêng ai.
Gửi phản hồi
In bài viết