Những người giữ nghề rèn ở Phan Lương

- Phan Lương, cái tên thôn mềm như một bài thơ ở Trường Sinh (Sơn Dương), nhưng lại giữ trong lòng nó thứ nghề được mệnh danh là tốn sức nhất trong các nghề truyền thống: Nghề rèn! Và độc đáo hơn, nghề rèn ở Phan Lương chỉ lưu truyền cho những người con trai trong dòng họ Trần. Họ vẫn miệt mài giữ lửa lò, cần mẫn tạo ra những dao, cuốc, liềm... phục vụ sản xuất hàng ngày.

Giữ nghề

Không còn nói được, cũng không còn nghe được tốt nữa, nhưng ngày ngày, cụ ông Trần Văn Châu cũng lần ra cạnh bếp lò, lặng nhìn cậu con trai Trần Văn Tới tay quai tay búa.

Anh Tới không để ý khách đến vẫn cặm cụi những công đoạn để hoàn chỉnh con dao khách đã đặt trước. Đầu tiên là cắt phôi, sau đó cho vào lò nung. Tiếp đó, đến công đoạn gọt bỏ những phần sắt thừa để tạo thành hình dáng hoàn chỉnh của sản phẩm, rồi cho vào lò nung lại và tôi qua nước muối hoặc dầu hỏa để lấy màu. Cầu kỳ nhất là gọt cánh, người thợ phải gọt khéo, đều tay xuôi theo chiều lưỡi dao nghiêng 45 độ để lưỡi dao hay lưỡi kéo có độ mỏng đều nhau, tạo được độ sắc. Cuối cùng là các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, như mài nước, gạt màu, đánh phớt bóng, tra cán...

Anh Tới bảo, nghề rèn được cụ Trần Văn Minh, hay còn gọi là Phó Minh - ông nội anh - đưa về Phan Lương từ những năm 40 của thế kỷ 20. Đến đời anh đã là đời thứ 3 theo nghề. Anh Tới và các anh em Trần Văn Tân, Trần Văn Tiến, Trần Văn Tuyên lớn lên trong tiếng quai tiếng búa, bằng ánh lửa lúc nào cũng rực đỏ từ bếp lò của cha. Lên 9, lên 10, sau mỗi giờ tan học, các anh lại ngay ngắn ngồi quanh cha, vừa khâu chuôi cho dao cho dựa, vừa nghe cha hướng dẫn những kỹ thuật khó hơn của nghề. Nghề rèn bén vào những người đàn ông trong gia đình anh giản dị như cơm ăn nước uống như thế.


Anh Trần Văn Tới với sản phẩm dao đang thành hình.

Thế nhưng với anh Tới và 4 anh em trong gia đình, chuyện giữ được nghề, theo được nghề không phải là câu chuyện trải thảm đỏ. Ngày vừa học xong cấp III, anh Tới muốn thử sức mình. Anh lên thành phố học nghề sửa chữa điện tử điện lạnh rồi về đồng hành với cha mình. Cha làm rèn. Con sửa điện. Nhưng trong lúc anh bập bõm vừa làm vừa chơi, thì cha anh làm không hết việc. Thương cha tất bật, anh Tới dẹp cửa hàng sửa chữa điện, quay trở lại tiếp quản xưởng rèn của gia đình.

Dẫu có lúc hụt hơi khi phải cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, nhưng lửa lò ở Phan Lương chưa khi nào tắt. Và câu chuyện của những người như anh Trần Văn Tới không phải là hiếm.

Chàng trai Trần Văn Việt cũng từng theo đủ thứ nghề. Anh bảo, suốt thời thơ ấu ám ảnh với tiếng đe tiếng búa của cha anh, ông Trần Văn Nhì, nên ước muốn lớn nhất thời trẻ của anh chỉ là rời được lũy tre làng, thoát ly tiếng ồn ào của cái nghề đã nuôi anh khôn lớn. Thế nhưng, sau vài năm theo nghề kế toán, cái âm thanh ồn ào anh ám ảnh ngày nào lại trở thành nỗi nhớ da diết, thúc giục anh về bám lại nghề cha ông. Việt bảo, hóa ra, với những người đàn ông họ Trần ở Phan Lương - những người được nuôi lớn bằng những âm thanh chát chúa - sự êm ái không dành cho họ. Dẫu có xa quê bao lâu, theo đuổi công việc gì, thì cuối cùng họ vẫn quay trở về, giữ lấy nghề tiên tổ.

Để nghề vươn xa

Giờ ở Phan Lương còn hơn chục hộ trong dòng họ Trần giữ nghề rèn. Là xưởng của các ông Trần Văn Nghị, Trần Ngọc Bính, Trần Văn Nhì, Trần Văn Trọng, Trần Văn An, Trần Văn Nam và 4 anh em nhà anh Tới. Tiếng lành đồn xa, những sản phẩm của các xưởng rèn có mặt ở hầu khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh. Khách đặt hàng buôn, khách đặt lẻ, người sửa chữa, người làm mới… Nhưng không vì thế mà những người thợ rèn ở Phan Lương chủ quan, tự tin với nghề của mình.

Một người thợ giỏi nghề phải làm ra được tất cả các loại sản phẩm từ nhỏ nhất như dao tỉa rau củ, kéo cắt chỉ, nạo mướp… cho đến dao chặt, dao phay, dao quắm, kéo cắt cây chè... Người có sức thì quai búa, người có kỹ thuật thì vào phôi, lấy màu, phụ nữ, trẻ em thì tra cán. Những xưởng rèn của họ Trần ở Phan Lương gần như không bao giờ tắt lửa. Anh Tới bảo, có lẽ vì vậy mà người dân Phan Lương gắn bó với nghề rèn ngay từ khi còn nhỏ đến tận lúc không còn đủ sức làm việc. Giờ 2 cậu con trai của anh Tới cũng bắt đầu lui cui quanh xưởng rèn của cha mỗi khi hết giờ học và góp sức mình vào công đoạn mà trước đây, chính anh đã từng rất thạo việc.

Trước Tết Tân Sửu 2021, các chủ xưởng rèn ở Phan Lương đã dành hơn nửa tháng đến các làng nghề rèn lâu đời ở Lý Nhân (Vĩnh Phúc), Đa Sỹ (Hà Nội) để học hỏi thêm các kỹ thuật mới, đặc biệt là việc đưa các loại máy móc để giảm bớt sức lao động. Anh Tới chia sẻ, đến thế hệ anh, các loại máy móc đã được ứng dụng rất nhiều để giảm bớt sức người làm. Nếu trước đây người thợ phải mất rất nhiều công sức, thời gian để làm ra được một sản phẩm thì từ khi các thiết bị máy móc thay cho bàn tay con người, số lượng và chất lượng sản phẩm đã được nâng lên nhiều lần. Búa máy, mô-tơ, máy sạt lưỡi, máy đánh trà... đã góp phần làm giảm sức người ở nhiều công đoạn, giúp cho nhiều gia đình ở Phan Lương mở rộng quy mô sản xuất. Với những người thợ như anh Tới, anh Việt, như ông Nhì, ông Nghị... mong muốn lớn nhất bây giờ của họ là làm sao ứng dụng được nhiều máy móc nhất vào sản xuất để giảm bớt sức người, nhất là trong bối cảnh lao động trẻ ở Phan Lương đã gần như ly nông như hiện nay.

Trưởng thôn Phan Lương Nguyễn Ngọc Giang bảo, mặc dù chỉ là nghề truyền nối trong dòng họ, nhưng những thợ rèn trong dòng họ Trần đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng ở Phan Lương. Dẫu qua thăng trầm thời gian, dẫu phải cạnh tranh với những sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm từ xưởng rèn Phan Lương vẫn tự tin, đủ sức cạnh tranh và sống mãi với thời gian.

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục