“Việc khó tìm người uy tín”
Ở thôn Làng Chùa, xã Lăng Can cứ hễ gặp việc khó, nhân dân chưa đồng thuận, Bí thư Chi bộ Nguyễn Thanh Giang lại tìm đến đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, người có uy tín trong thôn. Vừa là người có uy tín vừa là đảng viên, nên việc gì của thôn, đồng chí Hùng cũng được bàn bạc, tham gia ý kiến và cùng chi bộ, trưởng các tổ chức đoàn thể của thôn đứng ra tổ chức thực hiện. Việc khó mà thôn hay nhờ đến đồng chí Hùng đứng ra giải quyết đó là công tác hòa giải. Nhờ dân vận khéo, “có lý có tình”, đồng chí Hùng đã hòa giải thành công nhiều vụ việc xích mích, tranh chấp, mâu thuẫn ngay tại thôn. Nhờ thế mà thôn không có đơn thư kiến nghị lên cấp trên nhiều năm qua.
Đồng chí Lò Xuân Thắng (người mặc áo đen), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, người có uy tín ở Lũng Giềng, xã Xuân Lập nắm bắt đời sống của nhân dân trong thôn.
Có nhiều vụ việc xích mích về đất đai, tài sản, hoa màu trên đất, cán bộ thôn nhiều lần không hòa giải được nhưng nhờ có tiếng nói, sự vận động của đồng chí Hùng mà bà con đã “xuôi” và nghe theo. Điển hình như vụ việc của gia đình ông Q và ông S nhiều lần xích mích vì nước trong ao nhà ông Q xây thấp nên nước chảy xuống nhà ông S. Ông S nhiều lần kiến nghị để thôn đứng ra vận động nhà ông Q xây, kè bờ ao cao hơn nhưng không thành. Từng là cán bộ xã về nghỉ hưu, nắm được quy định của pháp luật, đồng chí Hùng đến nhà ông Q phân tích, giải thích. Dần dần ông Q nhận ra và quyết định xây, kè bờ ao cao hơn để nước không chảy xuống nhà ông S. Đồng chí Hùng cho rằng, muốn nói để cho nhân dân nghe theo thì phải gương mẫu từ trong gia đình, gương mẫu trong các mối quan hệ với hàng xóm láng giềng, gương mẫu trong thực hiện hương ước của thôn. Bởi vậy, khi thôn vận động nhân dân hiến đất làm đường bê tông nội đồng, đồng chí Hùng đã tự nguyện và tiên phong hiến trên 100m2 đất ở cho thôn.
Đồng chí Mụ Văn Bạn là đảng viên và được nhân dân tín nhiệm bầu làm người uy tín từ nhiều năm qua ở Bản Thàng, xã Phúc Yên. Những việc khó khi thôn, xã triển khai như: vận động nhân dân làm 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn, chỉnh trang nhà cửa và hiến đất làm đường giao thông, đồng chí Bạn đã gương mẫu làm trước, ông tự nguyện hiến đất ruộng để thôn làm đường. Ông cũng tiên phong xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, chỉnh trang nhà cửa. Khi xã phải vận động các hộ dân hiến đất để làm tuyến đường ĐT185 gặp nhiều vướng mắc vì số hộ dân phải hiến đất rất lớn, ông Bạn đã tích cực tham gia cùng những người có uy tín khác vận động nhân dân hiến đất. Đồng chí Nguyễn Văn Tôn, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Yên cho biết, nếu như không có sự tham gia của những người có uy tín trên địa bàn xã trong công tác giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường ĐT185 thì sẽ rất khó để vận động nhân dân đồng thuận. Khi triển khai những công việc liên quan đến lợi ích thiết thực của nhân dân, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã đều chú trọng vai trò và tiếng nói của người có uy tín.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng (bên phải ảnh), người có uy tín trong thôn Làng Chùa, xã Lăng Can vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Đầu năm 2021, trên địa bàn xã Khuôn Hà xảy ra vụ tranh chấp trâu, bên thua kiện nhất định không chịu trả trâu cho bên thắng kiện. Cán bộ xã và một số cơ quan chức năng của huyện đến vận động nhiều lần nhưng đều không thành công. Sau một tháng ròng, ông Hoàng Xuân Yên, người uy tín của thôn Nà Thom đến vận động, bên thua kiện mới trao trả trâu cho bên thắng kiện. Ông Yên cho biết: “Người thua kiện không biết chữ nên mình phải tìm cách nói thật dễ hiểu. Nếu cứ đem luật ra để vận động có khi không được việc. Khi dân vận phải tùy từng đối tượng, có khi phải thật mềm mỏng khi lại phải kiên quyết”. Đồng chí Chẩu Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà cho rằng, nhiều việc khó nhờ có sự vào cuộc của người có uy tín mà xã đã giải quyết dứt điểm, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn xã.
Vì ấm no của nhân dân
Không chỉ tích cực tham gia vào giải quyết việc khó ngay từ thôn, xã, người có uy tín trên địa bàn huyện Lâm Bình còn đi đầu trong công tác vận động, giúp đỡ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Trước đây, ở thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập vẫn còn xảy ra một số vụ việc đốt rừng làm nương rẫy. Nhưng nhờ công tác dân vận của đồng chí Lò Xuân Thắng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, người có uy tín trong thôn, người Mông ở Lũng Giềng đã nhận thức được ý nghĩa của công tác bảo vệ rừng. Từ đó không chỉ ra sức bảo vệ rừng phòng hộ mà còn tích cực trồng rừng, ông Thắng cũng vận động nhân dân chỗ nào có nguồn nước thì tận dụng để trồng lúa, tuyệt đối không vì thiếu đất sản xuất mà đốt rừng làm nương rẫy. Hiện nay, toàn thôn có trên 40 ha diện tích trồng lúa nước, gần 300 ha rừng trồng sản xuất. Mấy năm trở lại đây, thôn không xảy ra các vụ vi phạm lâm luật. Bên cạnh đó, ông Thắng còn đứng ra kêu gọi các tổ chức hỗ trợ 2 hộ người Mông trong thôn kinh phí làm nhà ở mới. Ông vận động bà con trong thôn hỗ trợ 80 ngày công lao động để giúp hai hộ này làm nền nhà, dựng nhà. Anh Lò A Gấu, hộ nghèo vừa được nhân dân trong thôn hỗ trợ làm nhà ở mới cho biết: “Ở thôn này, nhà ai khó khăn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thắng đều nắm rõ lắm. Nhà mình xây dựng mới được là nhờ Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thắng kêu gọi hỗ trợ 30 triệu đồng và được nhân dân trong thôn hỗ trợ ngày công đấy!”.
Đồng chí Mụ Văn Bạn (người đứng giữa), người có uy tín thôn Bản Thàng, xã Phúc Yên vận động nhân dân tích cực phát triển chăn nuôi gia súc, tăng thu nhập cho gia đình.
Từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần một nửa, đến nay thôn Bản Phú, xã Thổ Bình chỉ còn 21 hộ nghèo, chiếm 14%. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của ông Ma Văn Chu, Trưởng Ban công tác Mặt trận, người có uy tín của thôn. Ông Chu năm nay 63 tuổi nhưng bất kể chỗ nào cần, ông cũng có mặt kịp thời. Ông là người đi đầu vận động nhân dân ở Bản Phú đưa các giống lúa lai cho năng suất cao, đưa lạc, đậu tương, rau màu vào trồng. Đến Bản Phú hôm nay đều thấy rõ sự trù phú của nơi đây. Thời vụ được khép kín, đất đai được tận dụng tối đa. Tại các kỳ sinh hoạt chi bộ, ông Chu đều tham mưu với chi bộ các giải pháp lãnh đạo nhân dân làm vụ 3, phát triển nuôi trâu vỗ béo và vận động nhân dân thực hiện. Hiện nay, toàn thôn có 3 ha đất nông nghiệp làm rau màu, 12 hộ dân nuôi trâu vỗ béo.
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lâm Bình, toàn huyện hiện có 70 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn, người uy tín là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận, đảng viên. Với tinh thần gương mẫu của đảng viên, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đang làm tốt vai trò là “điểm tựa” trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở.
Gửi phản hồi
In bài viết