Điểm tựa vững chắc cho sự phát triển văn hóa, văn nghệ Việt Nam

- 80 năm qua, từ điểm tựa vững chắc của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943, nền văn hóa, văn nghệ nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở rộng giao lưu, hợp tác nhiều mặt với nhiều nước.

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương - Ảnh: VGP/Kiều Liên

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã có những trao đổi, chia sẻ rất tâm huyết với Báo Điện tử Chính phủ về những giá trị trường tồn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 (Đề cương), cũng như sự kế thừa, phát triển của văn hóa, văn nghệ nước ta trong 80 năm qua. 

Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Đề cương được các nhà chính trị, giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử lúc đó và sau này ví như là tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và cách mạng, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho cách mạng Việt Nam, nhất là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa theo chủ nghĩa Marx; định hình những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc cơ bản cho thời kỳ đó và được bổ sung, phát triển trong nhiều năm tiếp theo.

Tư tưởng của Đề cương Văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị

Những tư tưởng của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Nhìn vào bối cảnh trong nước, thế giới thời điểm trước khi ra đời của Đề cương cho thấy, lúc bấy giờ, ngày 1/9/1939, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ với việc phát xít Đức tấn công Ba Lan và lan rộng ra nhiều nước. 

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Giữa tháng 5/1941, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 tại Pác Bó (Cao Bằng). Hội nghị khẳng định chủ trương đúng đắn của Hội nghị Trung ương 6, Hội nghị Trung ương 7 và nhận định: Mâu thuẫn đòi hỏi phải giải quyết cấp bách lúc này là mâu thuẫn giữa dân tộc ta với bọn đế quốc và phát xít Nhật, Pháp; xác định "Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc".  

Để thực hiện âm mưu thống trị Đông Dương lâu dài, phát xít Nhật đã tìm cách xây dựng lực lượng của mình để đi đến thành lập chính quyền tay sai thay thế và loại bỏ bộ máy của thực dân Pháp. Phát xít Nhật ra sức tuyên truyền tư tưởng Đại Đông Á, thuyết "Đồng văn đồng chủng", đề cao văn hoá và sức mạnh vô địch của Nhật, đưa thanh niên con quan lại và nhà giàu du học ở Nhật, hứa hẹn trao trả độc lập cho Việt Nam. 

Về phía Pháp, thực dân Pháp cũng toan tính những thủ đoạn riêng, cả với Nhật, cả với chính phủ bù nhìn Nam Triều và nhân dân Việt Nam. Chúng cho một số người Việt thuộc giới thượng lưu nắm giữ một số chức vụ quan trọng để ràng buộc họ với mẫu quốc. Mở thêm một số ít trường cao đẳng (khoa học, kiến trúc, nông lâm…); lập Đông Dương học xá; lôi kéo, ru ngủ thanh niên xa rời những vấn đề cấp thiết của đất nước; rêu rao cái gọi là "Pháp-Việt phục hưng";  mua chuộc, đánh lạc hướng giới trí thức, văn nghệ sĩ.

Bước sang năm 1943, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi. Trước tình hình biến chuyển nhanh chóng, trong điều kiện không thể triệu tập được Hội nghị toàn thể Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp từ ngày 25 đến 28/2/1943 bàn về việc mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị chủ trương mở rộng hơn nữa Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật-Pháp (Mặt trận Việt Minh); chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái và các nhóm yêu nước trong và ngoài nước chưa gia nhập Việt Minh; quyết định lập Hội Văn hóa cứu quốc[1].

Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh nhận rõ vai trò, đóng góp to lớn và quan trọng của văn hóa. Vì cách mạng là văn hóa, văn hóa là cách mạng, là đổi mới tận gốc rễ chế độ thực dân-phong kiến sang chế độ dân chủ, cộng hòa, loại bỏ chính sách ngu dân và nô dịch của bè lũ phát xít, thực dân, những khuynh hướng tư tưởng, văn hóa sai lầm, xây dựng một nền văn hóa mới, lớp người mới của chế độ mới. 

Trong bối cảnh và những vấn đề nóng bỏng của đất nước, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã bắt tay khởi thảo Đề cương về Văn hóa Việt Nam[2]. Đề cương văn hóa, dù chỉ mới ở tầm mức "đề cương" đã chỉ rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam dưới ách đô hộ của phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hoá. Đề cương văn hoá đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít và bè lũ tay sai, xây dựng đường lối văn hoá mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hoá, trí thức, văn nghệ sỹ để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Lần đầu tiên Đảng Cộng sản Đông Dương nêu một văn kiện có tính chất như một cương lĩnh văn hóa; xác định nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công. 

Đề cương có 5 vấn đề chính: Cách đặt vấn đề; Lịch sử và tính chất nền văn hóa Việt Nam;  Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; Vấn đề cách mạng và văn hóa Việt Nam; Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác-xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa Mác-xít Việt Nam. 

Ở phần "Cách đặt vấn đề" đã nêu: "a. Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động. b. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa.  c. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả". Đề cương văn hóa xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật)"… sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới"[3].

Sự nghiệp văn hoá là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; tính chất nền văn hoá mới Việt Nam là dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung. Xác định ba nguyên tắc: Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa". Khẳng định việc kế thừa, xây dựng và phát triển nền văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, tự tôn văn hóa dân tộc, khắc phục tư tưởng tự ti, tự phụ; nâng cao lòng yêu nước, chí khí anh hùng, độc lập, tự do. Đó là những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam: Yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Nền văn hóa dân tộc do lớp lớp thế hệ người Việt Nam sáng tạo, xây đắp, bảo vệ, phát huy; nhận rõ và chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa xa rời hay gây hại đối với đông đảo quần chúng. Văn hóa mới, văn hóa cách mạng phải hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Bảo đảm và nâng cao tính khoa học trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam, làm cho văn hóa không ngừng được khoa học hóa, tiên tiến hóa, chống lại những gì làm cho văn hóa, đúng hơn là sản phẩm văn hóa, phản khoa học, phản tiến bộ. Là việc kế thừa, phát huy tinh hoa văn hóa nhân loại, từ đông, tây, kim, cổ.

Đề cương ngay từ khi ra đời đã khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta về cách mạng và văn hóa; như ngọn đèn pha soi rọi cho những người cộng sản và toàn dân nhìn thấy con đường mình đang đi và sẽ đi tới; động viên, thức tỉnh, dẫn đường giới trí thức, văn nghệ sĩ, những người nặng lòng với đất nước  dấn thân cùng Đảng Cộng sản Đông Dương để cứu nước, cứu dân, hăng hái tham gia mặt văn hóa, tư tưởng; không bi quan, dao động, không bị ru ngủ bởi luận điệu và luận thuyết  sai trái, lừa gạt của chế độ phát xít - thực dân - phong kiến, của Trotsky. 

Về "Thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với vấn đề văn hóa", Đề cương khẳng định: "Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới"[4].

Trong dịp kỷ niệm 40 năm Đề cương ra đời (1943-1983), đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh cho rằng: "Vì trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam… Nhưng Đề cương văn hóa đã thu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong điều kiện lúc đó của Việt Nam"[5]. 

Vận dụng và bổ sung, phát triển những tư tưởng, quan điểm, nội dung của Đề cương cần phải dựa trên quan điểm Mác-xít, lịch sử cụ thể, biện chứng  để thấy những mặt mạnh, những đóng góp quan trọng cần tiếp tục phát huy và cả những hạn chế, bất cập để điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, một số nội dung đánh giá về "lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam", hoặc "tranh đấu bảo vệ học thuyết, tư tưởng", "tranh đấu về tông phái văn nghệ" và một số nội dung khác. Đương nhiên, đó là những bất cập và hạn chế khó tránh khỏi.

Những đổi thay to lớn, mang tính bước ngoặt của nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam

Từ Đề cương, nền văn hóa, văn nghệ nước ta 80 năm qua đã phát triển như thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hoá: "Một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt. Hai là, phải giáo dục tinh thần cho nhân dân"[6] . 

Đầu năm 1946, Ban Trung ương vận động đời sống mới được thành lập với sự tham gia của nhiều nhân vật có uy tín trong giới trí thức, văn nghệ sĩ như Trần Huy Liệu, Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Huy Tưởng. Đường lối văn hoá kháng chiến dần hình thành trong Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" ra ngày 25/11/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng; thể hiện rõ trong bức thư về "Nhiệm vụ văn hoá Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước hiện nay" của đồng chí Trường Chinh gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 16/11/1946.

Trong thế nước ngàn cân treo sợi tóc, cả dân tộc phải dồn sức chống lại giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn TP. Hà Nội với hơn 200 đại biểu trong cả nước tham dự. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một chân lý: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ"[7]..

Tháng 3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tài liệu "Đời sống mới" giải thích rất dễ hiểu những vấn đề thiết thực trong đường lối, chủ trương về văn hoá của Đảng và Nhà nước ta. Từ ngày 16 đến ngày 20/7/1948, tại Việt Bắc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai.

Ngày 18/7/1948, thay mặt Đảng ta, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày báo cáo quan trọng tại hội nghị với tên gọi "Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam". Báo cáo hệ thống hóa, cụ thể hoá và phát triển các quan điểm, nguyên tắc, phương châm của Đề cương Văn hoá 1943 của Đảng, có giá trị như là cương lĩnh văn hoá của Đảng thời kỳ kháng chiến, kiến quốc.

Ba ngày sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai là Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được tổ chức từ ngày 23 đến 25/7/1948 với sự tham dự của hơn 80 văn nghệ sĩ từ các nẻo đường kháng chiến trong cả nước. 

Tại sự kiện quan trọng này, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập, là sự tiếp nối tốt đẹp Hội Văn hoá cứu quốc được thành lập năm 1943. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ: "Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ" (ngày 25/5/1947), "Thư gửi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (đã nêu). Trong "Thư gửi các họa sĩ" nhân dịp triển lãm hội họa kháng chiến (ngày 10/12/1951), Hồ Chí Minh khẳng định: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy"[8]. Người nhấn mạnh: "Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị"; "chính trị, kinh tế, văn hóa đều "phải coi là quan trọng ngang nhau"[9].

Nhìn lại những năm tháng anh dũng, náo nức đi vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp thời đó, thẩy nổi rõ những đổi thay to lớn, mang tính bước ngoặt của nền văn hóa, văn nghệ cách mạng với hai nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc và những định hướng cơ bản của Đề cương . Một yêu cầu lớn được đặt ra, các văn nghệ sĩ viết, sáng tác cho ai, về điều gì, sáng tác, biểu đạt như thế nào? Đây là vấn đề lớn và rất quan trọng của nhận thức, tư duy, tài năng, bút pháp, trách nhiệm của người nghệ sĩ trước hiện thực đất nước.

Trong văn xuôi lúc đó, đề tài nổi bật là cuộc sống, rèn luyện, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của vệ quốc quân, nông dân, công nhân và các tầng lớp khác trong xã hội; là tình yêu đất nước, quê hương qua mỗi ngôi làng, ngọn núi, dòng sông; là những trận thắng trên mọi nẻo đường chiến dịch; là tình yêu đôi lứa "anh yêu em như yêu đất nước"... 

Nổi lên, lan tỏa đằm thắm, chân chất như truyện và ký "Trận phố Ràng", "Một lần tới Thủ đô" của Trần Đăng; "Ký sự Cao Lạng" của Nguyễn Huy Tưởng; "Xung kích" của Nguyễn Đình Thi; "Bên đường 12" của Vũ Tú Nam; "Đường vui", "Tình chiến dịch" của Nguyễn Tuân,... Đặc biệt, truyện ngắn "Đôi mắt" của Nam Cao khắc họa tâm trạng, cách nhìn, cách viết, cách đi vào cuộc kháng chiến của một bộ phận văn nghệ sĩ và cả người dân. Tình người, tình đất qua mỗi miền quê: "Thư nhà" của Hồ Phương; "Mường Giơn", "Cứu đất cứu mường", "Vợ chồng A Phủ' của Tô Hoài; "Làng" của Kim Lân; "Đất nước đứng lên" của Nguyên Ngọc; "Vùng mỏ" của Võ Huy Tâm; "Con trâu" của Nguyễn Văn Bổng…

Về thơ, có thể kể đến các tác phẩm của Tố Hữu với "Việt Bắc", "Sáng tháng Năm", "Bầm ơi"; Xuân Diệu với "Ngọn quốc kỳ", "Hội nghị non sông", "Dưới sao vàng"; Nguyễn Đình Thi với "Đất nước"; Trần Hữu Thung với "Thăm lúa"; Anh Thơ: "Kể chuyện Vũ Lăng"; Tế Hanh: "Người đàn bà Ninh Thuận"; Chế Lan Viên: "Gửi các anh", "Bữa cơm thường trong bản nhỏ"; Quang Dũng: "Đôi mắt người Sơn Tây", "Tây tiến"; Hoàng Trung Thông: "Bao giờ trở lại", "Bài ca vỡ đất"; Nông Quốc Chấn: "Dọn về làng"; Nguyễn Bính với "Ông lão mài gươm", "Đồng Tháp Mười"; Trần Mai Ninh có "Nhớ máu", "Tình sông núi"; Minh Huệ với "Đêm nay Bác không ngủ"; Lưu Trọng Lư với "Ngò cải đơm hoa", "Chiến khu Thừa Thiên"; Hồng Nguyên với "Nhớ"; Vĩnh Mai: "Lên Cấm Sơn"; Chính Hữu: "Đồng chí"; Hoàng Lộc: "Viếng bạn"…

Về âm nhạc, có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu: "Làng tôi", "Ngày mùa", "Sông Lô", "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao; "Diệt phát xít", "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi; "Quê hương anh bộ đội" của Xuân Oanh; "Quê em" của Nguyễn Đức Toàn; "Lên ngàn", "Nhạc rừng", "Lá xanh" của Hoàng Việt; "Sơn nữ ca", "Lời người ra đi" của Trần Hoàn; "Bình Trị Thiên khói lửa" của Nguyễn Văn Thương; "Đường lên Tây Bắc của Văn An; "Du kích sông Thao", "Giải phóng Điện Biên" của Đỗ Nhuận; "Hướng về Hà Nội" của Hoàng Dương; "Đường về Việt Bắc" của Đoàn Chuẩn-Từ Linh; "Mùa đông binh sĩ" của Phan Huỳnh Điểu; "Ngày về" nhạc của Lương Ngọc Trác, thơ Chính Hữu;  "Đợi anh về", nhạc Văn Chung, thơ Xi-mô-nốp do Tố Hữu dịch…và nhiều tác phẩm khác nữa.

Về sân khấu, các tác phẩm gây tiếng vang như "Cụ Đạo sư ông", "Tin chiến thắng Nghĩa Lộ", "Đoàn biệt động", "Đợi chờ" của Thế Lữ; "Trở về" của Đoàn Phú Tứ; "Quán Thăng Long", "Cô Giang", "Hoàng Hoa Thám" của Lưu Quang Thuận...

Về mỹ thuật, lớp các họa sĩ, nhà điêu khắc của "Mỹ thuật Đông Dương" và các họa sĩ xuất hiện trong kháng chiến như "Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ" tranh sơn dầu của Trần Đình Thọ, sơn mài của Nguyễn Đức Nùng; "Phác thảo: Cách mạng tháng Tám" của Huy Toàn; "Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập" của Nguyễn Dương; bức huyết họa "Bác Hồ với ba em bé Bắc Trung Nam" của Diệp Minh Châu; "Nông dân đấu tranh chống thuế", "Dân quân phù lưu" của Nguyễn Tư Nghiêm; "Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ", "Bộ đội hành quân qua đèo Lũng Lô tiến vào chiến dịch Điện Biên Phủ" của Tô Ngọc Vân; "Nhi đồng tháng Tám" của Trần Văn Cẩn; "Trận Tầm Vu" của Nguyễn Hiêm; "Du kích La Hai", "Hà Nội đầu năm 1946" của Nguyễn Đỗ Cung; "Lớp học ban đêm" của Dương Bích Liên; "Giặc đốt làng tôi", "Kết nạp Ðảng ở Ðiện Biên" của Nguyễn Sáng; "Gặt lúa" của Mai Văn Hiến; "Người du kích già" của Phạm Văn Đôn... Nhiều tranh cổ động về các đề tài như "Tuần lễ vàng", "Mùa đông binh sĩ", "Bình dân học vụ", "Hũ gạo nuôi quân"…

Trong điện ảnh, là những bộ phim tài liệu như "Lễ Quốc khánh mồng hai tháng chín", "Trận Mộc Hóa", "Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng", "Chiến thắng Đông Khê", "Chiến thắng Tây Bắc"…

Nhiều giải thưởng, triển lãm, giao lưu văn nghệ được tổ chức: Giải thưởng văn nghệ 1951-1952, Triển lãm hội họa Việt Bắc 1951, Giải thưởng văn nghệ 1954-1955, Giải thưởng văn nghệ Phạm Văn Đồng 1952 (do Liên khu 5 tổ chức); Giải thưởng văn nghệ Cửu Long giang (Nam Bộ 1949-1950), Giải thưởng văn nghệ Cửu Long giang (Nam Bộ 1951-1952)…

Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến với nhiều hy sinh, gian khổ, dân tộc ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Đất nước ta bước vào một giai đoạn cách mạng mới, miền Bắc xây dựng nền móng ban đầu của chủ nghĩa xã hội, cùng miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai, tiến tới thống nhất đất nước. Văn kiện Đại hội III của Đảng (9/1960) xác định đường lối xây dựng nền văn hoá có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc. 

Nền văn học, nghệ thuật của ta có bước phát triển mạnh mẽ về đội ngũ, không gian, cảm hứng, điều kiện sáng tạo, hiện thực đời sống và công chúng của chính nền văn nghệ đó. Về văn học là các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu: Tố Hữu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Nam Hà, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Đoàn Giỏi, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Hữu Mai, Vũ Tú Nam, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Đỗ Chu, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo...; có những người đã anh dũng hy sinh như Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Trọng Định, Chu Cẩm Phong… Một số cây bút yêu nước, phản đối chế độ Mỹ ngụy ở miền Nam trong vùng bị tạm chiếm như Vũ Hạnh, Lý Văn Sâm,  Sơn Nam, Viễn Phương, Lê Vĩnh Hòa, Văn Phụng Mỹ (Trang Thế Hy), Lê Văn (Vĩnh Điền)…,

Về âm nhạc, có thể kể các tác giả hàng đầu, như: Văn Cao, Phạm Tuyên, Trần Kiết Tường, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, Hoàng Vân, Huy Du, Trương Quang Lục, Vũ Thanh, Hoàng Hiệp, Lư Nhất Vũ, Huy Thục, Phan Huỳnh Ðiểu, Nguyễn Văn Tý, Xuân Hồng, Trọng Bằng, Chu Minh, Thuận Yến, Doãn Nho, Cao Việt Bách, Nguyễn Tài Tuệ, Diệp Minh Tuyền, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trịnh Công Sơn, Phó Đức Phương, An Thuyên, Phạm Minh Tuấn, Trần Tiến, Nguyễn Trọng Tạo, Phú Quang…

Về mỹ thuật, là các tác giả tiêu biểu: Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái,  Phan Kế An, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Sáng, Quang Thụ, Giáng Hương, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Lưu Hậu, Xuman, Tạ Quang Bạo...

Về điện ảnh, chúng ta có bộ phim truyện nhựa đầu tiên mang tên "Chung một dòng sông"(1959), phim hoạt hình đầu tiên "Đáng đời thằng Cáo" (1960), tiếp đó là các bộ phim truyện "Con chim vành khuyên", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội", "Chị Tư Hậu", "Lửa trung tuyến", "Nổi gió", "Nguyễn Văn Trỗi", "Rừng O Thắm", "Tiền tuyến gọi", "Chị Nhung", "Đường về quê mẹ", "Bài ca ra trận"…; các phim hoạt hình "Chuyện ông Gióng", "Mèo con", "Sơn Tinh-Thủy Tinh", "Gà trống hoa mơ", "Ếch xanh đi học", "Những chiếc áo ấm", "Rừng hoa"…         

Sau năm 1975, nhiều bộ phim hấp dẫn người xem, như "Ngày lễ thánh", "Sao tháng Tám", "Cánh đồng hoang", "Mối tình đầu", "Mùa gió chướng", "Mẹ vắng nhà", "Tội lỗi cuối cùng", "Chị Dậu", "Tắt đèn", "Làng Vũ Đại ngày ấy", "Thị xã trong tầm tay", "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Cô gái trên sông", "Ván bài lật ngửa", "Biệt động Sài Gòn"…

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, đổi mới văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ của ta trăn trở kiếm tìm cái mới về đề tài, nội dung và bút pháp. Về văn học, các nhà văn, nhà thơ thành danh trong kháng chiến chống Mỹ tiếp tục có những sáng tạo mang tính đột phá cả về nội dung tư tưởng và bút pháp, như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Khoa Điềm, Bảo Ninh, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Duy, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương… Lớp kế tiếp là Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Trọng Tạo, Trương Nam Hương, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Nhật Ánh, Hồ Anh Thái, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy, Y Phương, Lò Ngân Sủn… Các nhà văn cao niên bền bỉ với đề tài lịch sử như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Chu Thiên…Và không thể không nói đến một số cây bút là người gốc Việt ở nước ngoài, như Thuận, Nguyễn Thị Hoàng, Đoàn Minh Phượng, Nguyên Sa, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Thụy Vũ, Nguyễn Bá Chung, Hoàng Khởi Phong, Thu Tứ, Nguyễn Phan Quế Mai, Nguyễn Huy Hoàng, Châu Hồng Thủy, Nguyễn Đình Lâm, Hiệu Constant, Linda Lê...

Kịch đương đại có sự phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn đầu thời kỳ Đổi mới, với Tào Mạt, Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Nguyễn Khắc Phục, Học Phi, Doãn Hoàng Giang, Đào Hồng Cẩm, Xuân Đức, Chu Thơm, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyên Thảo, Nhị Kiều… Tiếp đó và gần đây trong lĩnh vực sân khấu hiện đại và truyền thống có Đoàn Lê, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Hiếu, Hữu Ước, Phạm Văn Quý, Phạm Quang Long, Nguyễn Thế Kỷ, Trần Đình Văn, Nguyễn Thị Minh Ngọc…

Ở lĩnh vực điện ảnh, các đạo diễn Việt kiều về nước làm phim, như Hồ Quang Minh, Trần Anh Hùng, Tony Bùi, Việt Linh, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Đoàn Minh Phượng, Charlie Nguyễn… Một số bộ phim gây sự chú ý của công chúng, như "Hà Nội, mùa Đông năm 1946", "Ngã ba Đồng Lộc", "Đời cát", "Ai xuôi Vạn Lý", "Những người thợ xẻ", "Thung lũng hoang vắng"…

Về lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, tiếp bước thế hệ đi trước, như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Phan Cự Đệ, Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Phong Lê, Mai Quốc Liên, Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Văn Hạnh, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Đức Nam, Đặng Anh Đào, Lại Nguyên Ân… là lớp tiếp theo như Ngô Thảo, Đinh Xuân Dũng, Mã Giang Lân, Phan Trọng Thưởng, Lã Khắc Hòa, Trần Đăng Suyền, Phạm Quang Long, Bùi Việt Thắng, Trương Đăng Dung, Lê Thành Nghị, Lý Hoài Thu, Nguyễn Đăng Điệp, Huỳnh Như Phương, Trịnh Bá Đĩnh, Trần Khánh Thành, Nguyễn Thành, Đoàn Lê Giang, Phạm Xuân Thạch, Đinh Trí Dũng… (văn học); Nguyễn Đình Quang, Tất Thắng... (sân khấu); Nguyễn Quân, Nguyễn Đỗ Bảo, Phan Cẩm Thượng... (mĩ thuật); Ngô Phương Lan, Đoàn Tuấn, Hoàng Tuấn, Ngô Ngọc Ngũ Long, Hoàng Dạ Vũ... (điện ảnh); Tô Ngọc Thanh, Ca Lê Thuần, Trần Thế Bảo, Đào Trọng Minh, Tú Ngọc, Vũ Tự Lân, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Nhật Thăng, Thụy Loan, Tú Hương, Nguyễn Thị Minh Châu, Cù Lệ Duyên, Dương Bích Hà, Văn Thu Bích, Nguyễn Quang Long, Nguyễn Thụy Kha, Đỗ Quang Hạnh, Thanh Thảo, Nguyễn Thị Mỹ Liêm… (âm nhạc). 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội lần thứ VII (6/1991) xác định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là "nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", là một trong 6 đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) lần đầu đưa ra khái niệm: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ra Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Để thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật, Bộ Chính trị (khóa X) ra Nghị quyết số 23 NQ/TW, ngày 16/6/2008 về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới".

Đại hội lần thứ X của Đảng (4-2006) khẳng định: "Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế-xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội". Tinh thần cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X và XI của Đảng, đặc biệt, được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011): "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội".

Xuất phát từ thực tiễn đất nước sau gần 30 năm Đổi mới và phát triển, Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thảo luận và ra Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước".

Tạo bước chuyển mình cho văn hóa, văn nghệ Việt Nam

Trước yêu cầu mới chúng ta cần phải có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện như thế nào để văn hóa, văn nghệ nước ta có những bước chuyển mình và phát triển vững chắc, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 tạo những tiền đề quan trọng cho công cuộc phát triển văn hóa, làm cho văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Quá trình này tạo tiền đề để các ngành văn hóa, văn nghệ phát huy tối đa sức sáng tạo, những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đặt ra cả cơ hội và thách thức trong quá trình lãnh đạo và quản lý văn hóa. 

Sự phát triển của internet, hoạt động của các trang mạng xã hội đã hình thành nên những kênh truyền thông đa diện, đa sắc màu, giúp mọi người bày tỏ các ý kiến, quan điểm sáng tạo, sáng tác khác nhau, góp phần thúc đẩy tự do biểu đạt, đa dạng văn hóa trong xã hội. Các ứng dụng công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, in 3D và nhiều hướng tư duy mới buộc Việt Nam phải thay đổi trong hoạt động quản lý di sản, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu thay đổi của chính văn hóa, nghệ thuật và mong muốn của xã hội. 

Sáng tạo, đổi mới trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của nhiều quốc gia. Xây dựng nền văn hóa số thích ứng với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Khai thác kinh tế sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo để tạo ra kinh tế số, kinh tế xanh đang là xu hướng lớn được các quốc gia sử dụng nhằm gia tăng sức mạnh mềm, từ đó tạo ra các lợi thế về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. 

Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. 

Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, âm nhạc, phát thanh và truyền hình, xuất bản, phần mềm và các trò chơi trực tuyến; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa. 

Xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tham gia và phát triển thị trường quốc tế. 

Những thay đổi này ảnh hưởng rất lớn và mạnh mẽ đối với quá trình sáng tạo, tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa.

Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước. Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: "Tập trung nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và  chuẩn mực của con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớn nhân dân, nhất là thanh niên", "Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa"...

Nhìn lại 93 năm từ khi Đảng ta ra đời (ngày 3/2/1930) và 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943), chúng ta đã đi qua một chặng đường đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi vẻ vang. 

Những quan điểm cơ bản của Đảng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới… đã được bổ sung, phát triển, từng bước hoàn thiện. 

Quan điểm: Sự nghiệp văn hoá là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; tính chất nền văn hoá mới Việt Nam là dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung; 3 nguyên tắc của nền văn hóa mới Việt Nam là "dân tộc hóa", "đại chúng hóa", "khoa học hóa" và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" mãi mãi là quan điểm, là mục tiêu, là phương châm và nguyên tắc để cùng với chính trị và kinh tế, giúp dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.808-810, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.

[2] Theo bản in trong Văn kiện Đảng: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 316-321. Trước năm 1945, Văn kiện này được lưu hành bí một, lần đầu tiên được đăng công khai trên báo Tiền Phong, số 1, ra ngày 10-11-1945.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.7 (1940 - 1945), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 318.

[4] Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, t. 7, tr. 470

[5] Trường Chinh, Tuyển tập, t. 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 559.

[6] Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.CTQG, H.2000 t.8, tr.1-3.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.246, 247/ hoặc Báo Cứu quốc, số 416 ra ngày 25/11/1946.

[8]   Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.246.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.246.

Theo Báo Chính phủ điện tử

Tin cùng chuyên mục