Bảo đảm đầy đủ các điều kiện
Những ngày qua, bà Lê Thị Thân cũng như nhiều hộ kinh doanh ở khu vực cổng chùa Thầy, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) rất vui khi đón nhận thông tin thành phố cho phép các cơ sở tôn giáo, di tích được mở cửa trở lại từ ngày 8-3 nếu thực hiện đầy đủ các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19. “Chúng tôi rất phấn khởi và sẽ luôn nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, giữ giãn cách tối thiểu 1m để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng”, bà Lê Thị Thân nói.
Chủ tịch UBND xã Sài Sơn Đỗ Văn Tâm cho biết, những ngày qua, các lực lượng chức năng của xã đã tăng cường kiểm tra, rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chùa Thầy mở cửa trở lại đón khách tới chiêm bái. “Chúng tôi phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên trong tổ phòng, chống dịch Covid-19 tại 2 cổng vào khu di tích để đo thân nhiệt, xịt nước sát khuẩn và tuyên truyền du khách đeo khẩu trang, khai báo y tế”, ông Đỗ Văn Tâm thông tin.
Tại chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ), trong hai ngày cuối tuần, có một lượng khách đến đây vái vọng và tham quan ngoài cổng do chùa chưa mở cửa trở lại. Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc: “Thời gian qua, nhà chùa luôn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Hiện, nhà chùa đã chuẩn bị đủ các điều kiện phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND thành phố, sẵn sàng mở cửa đón khách khi được cho phép”.
Đại đức Thích Minh Đức, đại diện tổ đình Phúc Khánh (quận Đống Đa) thông tin, tổ đình dán thông báo tại cổng, thông tin trên trang Fanpage (mạng xã hội Facebook) của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 để phật tử, người dân biết và thực hiện khi được phép đón khách trở lại.
Tinh thần tập trung bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch để sẵn sàng mở cửa trở lại cũng được ghi nhận tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn), đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), chùa Hương (huyện Mỹ Đức)…
Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch
Sau một thời gian đóng cửa tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, dự kiến trong những ngày tới lượng người đến lễ sẽ đông khi các đền, chùa, di tích mở cửa trở lại. Là một trong những nơi luôn tập trung nhiều người đến lễ đầu năm, Phó Trưởng ban Quản lý phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ) Nguyễn Văn Thư cho biết: “Ngoài bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 ngay từ cổng ra vào, chúng tôi sẽ huy động các lực lượng nhắc nhở người dân để vừa bảo đảm sự tôn nghiêm, vừa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch ở bên trong khu vực hành lễ. Nếu lượng khách dồn về quá đông trong cùng một thời điểm thì có thể tạm dừng hoạt động”.
Nhấn mạnh đến các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể khi chùa Thầy mở cửa trở lại, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho hay, huyện đã có phương án cụ thể trong trường hợp khách thập phương về lễ Phật đông, như: Phân luồng giao thông từ xa, bố trí khu vực để xe của khách, dự phòng thêm khẩu trang, nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, tăng cường nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.
Còn theo Đại đức Thích Minh Đức, đại diện tổ đình Phúc Khánh, ngay cả khi được phép mở cửa trở lại, tổ đình vẫn khuyến khích phật tử và người dân tham dự các khóa lễ trực tuyến để phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Về vấn đề này, Trưởng ban Tôn giáo (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tiến Dũng thông tin, thời gian tới trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra nhiều hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ trọng đầu năm tập trung đông người. Vì thế, các cơ sở này cần thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19. “Ban Tôn giáo thành phố tiếp tục có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức tôn giáo, người đứng đầu các cơ sở tín ngưỡng, địa điểm sinh hoạt tôn giáo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Khuyến khích tổ chức các nghi lễ trực tuyến, hạn chế tập trung đông người, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, khai báo y tế theo mã QR code... Các nghi lễ tôn giáo, thuyết giảng đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng tổ chức tại cơ sở thì nên giảm quy mô, chia nhỏ thành nhiều buổi và bảo đảm giãn cách 1m giữa người với người”, ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tin tưởng rằng, sau khi mở cửa trở lại, các đơn vị quản lý di tích, cơ sở tôn giáo và mỗi tín đồ, người dân nâng cao ý thức, tự giác chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để vừa thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng, vừa bảo đảm an toàn cho chính mình và cộng đồng, góp phần không để dịch lây lan.
Gửi phản hồi
In bài viết