Đêm nhạc 15/11 tới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội chính là kỳ thứ sáu của chuỗi hòa nhạc Cello Fundamento (CF). Được đặt tên là Oceana (nghĩa là “đại dương”) thể hiện quyết tâm vươn ra biển lớn của Đinh Hoài Xuân. Cô lên kế hoạch đưa các dàn nhạc quốc tế về Việt Nam. Năm nay là Rumani, kế đó là Nhật Bản (dàn nhạc Osaka), Hà Lan, Italia, Mỹ (Chicago)…
Lan tỏa tình yêu cello
Để CF kỳ thứ 5 không bị gián đoạn bởi Covid-19, Xuân biến thành dự án Một triệu bàn tay chạm cello, đưa nhạc cổ điển tới các cấp học từ mẫu giáo tới đại học. Hiện chương trình đã đến với khoảng 10 vạn sinh viên, học sinh ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Huế... và tới đây là TP Hồ Chí Minh, Tuyên Quang…
Tại mỗi trường, Xuân và ban nhạc nói chuyện về âm nhạc, biểu diễn một vài tác phẩm cổ điển và dân ca Việt Nam. Sau đấy là màn giao lưu hỏi đáp có thưởng. Các nghệ sĩ cũng chơi các bản nhạc theo yêu cầu khán giả.
“Đến trường nào, họ cũng thích. Chỉ cần mình có sức mà đi nổi không thôi”, Xuân cho hay.
Xuân vẫn hy vọng dùng âm nhạc tưới tắm tâm hồn người trẻ, những mong… giảm bớt bạo lực học đường. Có lần gặp một vị lãnh đạo cấp cao, cô từng đề xuất dành ra một tiết học mỗi tuần cho học sinh phổ thông chỉ để nghe nhạc. Vị lãnh đạo khen ngợi nhưng lo không có đủ giáo viên...
“Đem đến cho các em một vài khoảnh khắc lắng lòng lại với âm nhạc theo tôi rất ý nghĩa. Nó sẽ trở thành ấn tượng đẹp đi theo các em trên đường đời để sau này có thể mỉm cười mỗi khi nhớ lại”, Xuân nói. Trong những buổi như thế, có học sinh lên hỏi tầm này em mới học nhạc có được không. Xuân trả lời ngay: “Được quá chứ! Chị xưa 18 tuổi mới học mà”. Và như thế biết đâu âm nhạc lại có thể làm thay đổi cuộc đời một cô bé cậu bé nào đó.
Đại sứ âm nhạc Rumani
Thời gian gián đoạn vì Covid-19 vừa qua, Xuân dành để tập luyện Concerto cho Cello của Elgar. Ròng rã 3 năm cho bản nhạc 33 phút. Định dành để trình tấu trong buổi hòa nhạc tới đây, nhưng cuối cùng cô đã quyết định tạm gác lại tiết mục “để đời”, ưu tiên cho những bản nhạc đại chúng để chương trình tiếp cận với đông đảo khán giả hơn.
Một tiết mục nữa mà cô muốn có trong chương trình là Rhapsody của George Enescu (1881-1955) - nhà soạn nhạc Rumani lẫy lừng. Nhưng đơn vị nắm tác quyền của ông đưa ra cái giá tính ra tiền Việt vào khoảng hơn 120 triệu đồng. Bộ Ngoại giao hay Đại sứ quán Rumani tác động đều không ăn thua. Thế mới biết khí nhạc Tây phương rất có giá.
Dù sao, đêm CF6 trở thành sự kiện văn hóa lớn nhất trong lịch sử ngoại giao 72 năm của Việt Nam và Rumani. Đinh Hoài Xuân được Bộ Ngoại giao Rumani phê chuẩn làm Đại sứ Danh dự của âm nhạc Rumani tại Việt Nam. 50 thành viên dàn nhạc cùng 3 solist sẽ bay đến Hà Nội, nhưng Ban Tổ chức phải mua 60 vé, vì nghệ sĩ cello bay đi đâu cũng có đàn ngồi cạnh.
Đêm nhạc tới sẽ vang lên những giai điệu quen thuộc của Bóng ma nhà hát opera, Sóng Danube, các bản nhạc phim Bản danh sách của Schinder, hay Rạp chiếu bóng Paradiso. Khán giả sẽ được nghe các bài dân ca Còn duyên, Bắc Kim Thang hoàn toàn do nghệ sĩ nước ngoài phối khí và trình tấu. Tiết mục kết Đi cấy - Bèo dạt mây trôi có sự tham gia của ca sĩ Tân Nhàn và dàn hợp xướng 40 người.
"Chủ nợ"
Hồi tháng 7, Hoài Xuân tham gia chương trình Shark Tank và suýt được đầu tư 2 tỷ đồng cho CF6. Sau đó nhà đầu tư “bùng kèo”, trở thành nhà tài trợ. Cùng với sự hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân khác, Xuân vẫn có đủ 4 tỷ đồng để tổ chức đêm nhạc. Mỗi suất tài trợ dao động từ 100 triệu đến một tỷ.
Mọi người thêm một lần thán phục tài xin tiền tỷ trong thời gian ngắn của Xuân. Còn cô thì đã có kinh nghiệm giao dịch tiền tỷ nhiều rồi. Xuân từng đi vay người thân và cả ngân hàng để làm phim ca nhạc Hướng về Hà Nội khi trong túi chỉ có mấy triệu. Mấy năm sau đó cô vừa đi du học vừa tranh thủ nghỉ hè về chạy sô để trả dần.
“Đi học về đang còn nợ nần, trong tay có mỗi tấm bằng. Duyên thế nào mà tôi gặp được chồng tôi bây giờ. Biết chí hướng của tôi, anh ấy rất ủng hộ. Còn bảo: "Cái tài của em là chuyển từ rất nhiều chủ nợ về một chủ nợ". Từ khi có chồng, Xuân cũng được san sẻ gánh nặng kiểm kê tài chính và có giải pháp chi tiêu hợp lý nhất để phát huy hết khả năng của Quỹ CF khuyến khích người trẻ theo đuổi nhạc cổ điển.
Xuân tiết lộ một vài thông tin về phu quân: nguyên là dân FPT, từng làm ở kênh truyền hình Discovery, từng sống ở Nhật 12 năm. Xuân kể với tôi: “Khi quen anh ấy, tôi nói em không cần hàng hiệu hay tài sản gì, chỉ cần ngày đủ ăn 2-3 bữa, cho lên núi ở càng tốt để luyện đàn. Miễn có internet... Nhưng anh bổ sung ngay: "Em chưa kể mỗi năm cần vài tỷ làm CF à?!”.
“MC Anh Tuấn là cố vấn nghệ thuật âm nhạc cho CF6. Trước đó, tôi vẫn khăng khăng là chương trình phải có một bản Concerto 4 chương, dài 33 phút, chắc chắn tôi phải diễn tác phẩm này, tác phẩm kia… Nhưng anh Tuấn nói, nếu làm vậy khán giả sẽ không thể nghe hết được. Và trong một tháng rưỡi, anh thuyết phục tôi sắp xếp lại các tác phẩm. Nếu CF6 thành công thì vai trò của anh Tuấn rất lớn”- Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân
Xuân cho hay năm nay cô cũng được dàn nhạc Bucharest và Osaka mời sang diễn, song không đi được vì còn bận con nhỏ, nên mời họ về Việt Nam tiện cả đôi đường. “Nếu tôi sang đó thì cũng chỉ được lên 1-2 bài báo chứ khán giả Việt Nam lại không được thưởng thức. Mà khán giả Việt vốn đã ít có cơ hội thưởng thức các dàn nhạc đẳng cấp thế giới”, Xuân nói.
CF6 phát hành một số vé trị giá tới 10 triệu đồng với mục đích gây quỹ cùng nhiều vé 1 triệu để đa số khán giả có thể đến nghe. Ngoài ra đêm nhạc cũng được truyền trực tiếp qua hai màn hình lớn đặt trước cửa Nhà hát để phục vụ quần chúng. Xuân dự kiến CF7 có thể sẽ diễn ra ngoài trời, miễn phí cho 8-10 nghìn khán giả.
Năm nay, đáng ra Xuân mời NSND Đặng Thái Sơn về cùng diễn, nhưng ông lại bận chấm thi ở Ba Lan. Nhưng năm sau ông sẽ có mặt. Chương trình lần này có sự tham gia của nghệ sĩ clarinet Trần Khánh Quang, tu nghiệp Mỹ về. Nghệ sĩ violon Trịnh Minh Hiền sẽ cùng Đinh Hoài Xuân chơi bản Trở về Su-ri-en-to, đáp ứng yêu cầu của cộng đồng 200 khán giả thân thiết của CF.
“Mình phải giúp nghệ sĩ Việt tỏa sáng”, Xuân nói. “Để thế giới biết Việt Nam có những nghệ sĩ solo rất 'xịn sò'. Có thể chưa đoạt giải thế giới, nhưng tài năng âm nhạc nổi bật”. Cô cũng không ngại tuyên bố dự định đưa Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sang Nhật, Italia hay Hà Lan để trình diễn.
Một trong những lý do khiến các dàn nhạc quốc tế thêm yên tâm về Xuân là thành tích từng đứng vị trí số 7 trong số các tiết mục khí nhạc có nhiều lượt nghe nhất tại Thụy Sĩ tháng 5/2021. Với bản nhạc phim từ phim Danh sách của Schiller.
Hiện Xuân có hơn 50 tác phẩm nhạc số phát hành toàn cầu, trong đó phải kể đến album nhạc S.Bach dành riêng cho cello không nhạc đệm - được ví như “Kinh Thánh” với người chơi cello. Tổng số lượt nghe rơi vào khoảng 1,8 triệu. Riêng bản nhạc lọt top kia đã chiếm gần nửa triệu lượt.
Từ 2017, Xuân phát hành tác phẩm thông qua Believe Music (Pháp). Cô cũng hỗ trợ tầm 20 đồng nghiệp trong lĩnh vực nhạc cổ điển và dân gian phát hành qua kênh này.
Gửi phản hồi
In bài viết