Nhớ những chiếc đèn…
Khác hẳn so với không khí sôi động của những năm trước đây, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà những người giữ nghề làm đèn ông sao “nhàn” hơn.
Gần 50 năm gắn bó với nghề làm đèn ông sao cho dịp Tết Trung thu, chưa khi nào ông Nguyễn Xuân Liễu, tổ 11, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) rảnh rỗi như năm nay. Ông bảo, chưa khi nào tình trạng tiêu thụ mặt hàng chủ lực, được xem là “linh hồn” của Tết Trung thu “ế ẩm” như hiện nay. Những năm trước, từ thời điểm tháng 6 Âm lịch, ông và mọi người trong gia đình làm không hết việc. Những chiếc đèn ông sao của gia đình làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ông xuất bán tại các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và trong tỉnh với số lượng 4.000 - 5.000 nghìn chiếc đèn, giá từ 20 - 100 nghìn đồng/chiếc. Để có đủ hàng cung ứng cho thị trường gia đình đã phải huy động hết con cháu làm ngày, làm đêm.
Trẻ em lựa chọn đồ chơi tại cửa hàng HanMark, tổ 16, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang).
Thế nhưng 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh cũng không tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, nên lượng khách hàng, cũng như các trường học không có nhu cầu đặt đèn nhiều so với các năm trước. Ông chỉ làm từ 350 - 500 chiếc đèn ông sao đủ kích cỡ cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Dù việc tiêu thụ đèn gặp nhiều khó khăn nhưng ông tâm sự: “Tết Trung thu mà vắng đi hình ảnh chiếc đèn ông sao thì không còn là Trung thu nữa! Dù thế nào thì ông cũng sẽ gắn bó với nghề và coi đó như tài sản vô giá của cha ông để lại. Bởi những chiếc đèn vẫn có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với thiếu nhi, chứa đựng “tâm hồn” và bản sắc dân tộc Việt ở trong đó”.
Ông Nguyễn Văn Phúc, tổ 2, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) được bà con tôn là “nghệ nhân” làm mô hình đèn Trung thu, siêu to khổng lồ, ngộ nghĩnh như “Hoa thơm bướm lượn”; “Đường lên tiên cảnh”; “Con ong chăm chỉ”… để tham gia Lễ hội Thành Tuyên nhiều năm. Ông chỉ mong dịch bệnh nhanh hết để mọi người trở lại cuộc sống bình thường và Lễ hội Thành Tuyên lại được tổ chức, để Tuyên Quang được đón du khách đến tham quan cùng trải nghiệm Lễ hội.
Còn với chị Đào Thị Huệ, chủ quán đồ chơi HanMark, tổ 16, phường Phan Thiết khi thấy có khách đến hỏi đèn ông sao mới lấy từ túi ni lông ra đèn vẫn còn nguyên đai, nguyên kiện. Chị Huệ bảo, Tết Trung thu đã cận kề nhưng chưa năm nào thị trường phục vụ Trung thu lại vắng khách như năm nay. Chị Huệ hy vọng, từ ngày 12 Âm lịch đến hôm Rằm, người dân sẽ mua nhiều hơn vì đây được xem là thời gian “vàng” tiêu thụ các sản phẩm phục vụ Trung thu.
Hướng vào đồ chơi truyền thống
Dạo quanh nhiều tuyến đường chính tại khu vực trung tâm các huyện, thành phố Tuyên Quang những ngày này, thị trường đồ chơi trẻ em cũng không mấy nhộn nhịp. Chị Nguyễn Thị Thái, cửa hàng đồ chơi trẻ em Thái Tân tại tổ dân phố Tân Bắc, thị trấn Sơn Dương chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, nên việc nhập hàng từ nước ngoài khó khăn, chính vì vậy mà cửa hàng chị bày bán chủ yếu là đồ chơi trong nước sản xuất. Chị kinh doanh đến 80% sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống như đèn ông sao, đầu lân, mặt nạ, đèn kéo quân... Đây là các sản phẩm được sản xuất tại làng nghề Việt Nam, gắn liền với văn hóa Việt, có nguồn gốc rõ ràng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Trẻ em lựa chọn đồ chơi tại cửa hàng Thái Tân, tổ dân phố Tân Bắc, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương).
Có mặt trên tuyến đường Đại lộ Tân Trào để cùng con gái chọn đồ chơi trung thu, chị Nguyễn Hồng Thắm, tổ 3, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) bày tỏ, Tết Trung thu, chị muốn mua cho con những món đồ chơi truyền thống, dạy con về văn hóa xưa của người Việt Nam. Đó là nét đẹp cần phải gìn giữ. Điều đặc biệt là năm nay dịch bệnh nên các món đồ chơi truyền thống có cả những thông điệp 5K được dán vào các hình ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, cũng rất bắt mắt và ấn tượng cho các con.
Cùng con trai lựa chọn đèn lồng in hình thông điệp 5K do Việt Nam sản xuất, anh Phạm Văn Quang, thôn Kim Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) nói, chỉ nguyên đèn lồng cũng có nhiều loại, kiểu dáng như: siêu nhân, ô tô, người máy, các con vật, nhân vật trong truyện cổ tích… được trang trí sắc màu sặc sỡ và có thể chuyển động khi xách trên tay hay đặt dưới mặt đất. Các mặt hàng này chiếm đa phần là của Trung Quốc sản xuất, nên anh gợi ý con trai mình lựa chọn đồ chơi truyền thống.
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, Tết Trung thu là dịp lượng đồ chơi được tiêu thụ mạnh nhất trong năm. Đây cũng là cơ hội để các đối tượng buôn lậu vận chuyển đồ chơi nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, đồ chơi bạo lực tuồn từ nước ngoài qua biên giới về tiêu thụ trong nước. Trước thực tế đó, cùng với việc kiểm tra thị trường bánh Trung thu và các nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống dịp Tết Trung thu, Chi cục cũng phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em. Trong đó quan tâm kiểm tra các loại giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn, chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong kinh doanh mặt hàng đồ chơi. Kiên quyết xử lý nghiêm các cửa hàng vi phạm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường thì việc thị trường phục vụ Tết Trung thu kém sôi động là điều dễ hiểu. Theo tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, thì việc hạn chế tập trung đông người trong giai đoạn này rất cần thiết. Chính vì thế, mỗi người, mỗi gia đình, đơn vị, địa phương cần cân nhắc việc tổ chức Trung thu cho các cháu sao cho phù hợp. Chỉ cần chúng ta an toàn, khỏe mạnh, được bên cạnh những người thân yêu, cùng cắt miếng bánh trong tối hôm Rằm, nói với nhau những lời yêu thương, cũng đủ để mỗi người, nhất là con trẻ cảm nhận được về một Trung thu ý nghĩa.
Gửi phản hồi
In bài viết