Các đại biểu dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.
Đây là một trong những hoạt động tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 diễn ra tại Phú Thọ từ ngày 2 đến 4/12.
Với tấm lòng thành kính tri ân công đức Tổ tiên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, đoàn đại biểu đại diện cho 7 tỉnh khu vực Tây Bắc đã dâng hương, hoa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; cầu mong Tổ tiên phù hộ cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái, dân an, bách gia trăm họ vạn đại, trường tồn.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc có chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc”, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp các tỉnh vùng Tây Bắc tổ chức. Ngày hội có sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc các tỉnh khu vực Tây Bắc.
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc mang đậm nét văn hóa của mỗi địa phương như: Trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc của các địa phương; Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc” và “Ảnh đẹp du lịch Tây Bắc”; Thi đấu thể thao, liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống…
Hoạt động văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc các dân tộc được tổ chức tại Ngày hội.
Nhân dịp này, một số hoạt động du lịch cũng được tổ chức như trưng bày, giới thiệu ấn phẩm du lịch, chương trình tour tham quan, điểm đến của các địa phương; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, trưng bày sản phẩm OCOP...
Đặc biệt vào 20 giờ tối nay, 2/12, tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì sẽ diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, Ngày hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Đây còn là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Qua đó, tuyên truyền quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh Tây Bắc, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết