Đại biểu Âu Thị Mai tham gia thảo luận.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu Quốc hội đoàn Tuyên Quang tán thành với sự cần thiết ban hành luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đại biểu cho rằng, để Luật Thực hiện dân chủ cơ sở thực sự đi vào đời sống, các cấp chính quyền cơ sở cần tạo mọi điều kiện để người dân có thể phát huy tinh thần dân chủ ở mức cao nhất; cần bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó có cơ chế bảo vệ cũng như hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân phát huy tốt tinh thần dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến hay, mang tính xây dựng cho cơ sở một cách kịp thời.
Đại biểu Lò Thị Việt Hà góp ý vào dự thảo luật.
Đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số nội dung cần công khai, như việc công khai ở công sở, cấp xã; quy định một số hình thức công khai, thời điểm công khai thông tin đặc thù phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Đồng thời, có chế tài xử phạt việc tung tin sai sự thật, giả mạo dân chủ trên các trang mạng xã hội và áp dụng việc trưng cầu ý kiến của nhân dân; đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về hoạt động của tổ tự quản, của thôn, tổ dân phố vào dự thảo luật. Cần quy định cụ thể hơn nữa về quy định dân chủ cơ sở trong loại hình doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật. Các đại biểu cũng đã thảo luận, tập trung cho ý kiến vào nhiều nội dung để hoàn thiện dự thảo Luật như: Đề nghị Luật quy định rõ thêm việc nghiêm cấm đăng tải các các thông tin, hình ảnh bạo lực, kích động bạo lực gia đình, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình tại vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; bổ sung quy định về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Trong dự thảo Luật cần làm rõ mức bồi thường, quy định cụ thể của các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời làm rõ các hành vi liên quan đến bạo lực gia đình.
Gửi phản hồi
In bài viết