Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên thảo luận.
Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với việc sửa đổi luật để phù hợp hơn với yêu cầu thực tế hiện nay. Tham gia ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, việc sửa đổi luật lần này sẽ tạo được hành lang pháp lý hoàn thiện đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động theo môi trường số. Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Ma Thị Thúy nêu: Đối với nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử tại Điều 4 của dự thảo luật đã quy định 5 nguyên tắc. Tuy nhiên, theo đại biểu vẫn cần thiết đề nghị bổ sung thêm một nguyên tắc nữa là bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử.
Tại Điều 8 hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị bổ sung cụm từ tài khoản định danh điện tử vào trước cụm từ chữ ký điện tử, chứng thư điện tử của tổ chức, cá nhân khác. Theo đại biểu Thúy, hiện nay tài khoản kinh doanh điện tử do hệ thống định danh xác thực điện tử của Bộ Công an để thực hiện thủ tục hành chính. Trong tương lai, định danh điện tử có thể vận dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực để thực hiện quá trình chuyển đổi số. Về quy định phải đăng ký chữ ký điện tử dùng riêng với các cơ quan quản lý Nhà nước, đại biểu Thúy cho rằng, quy định này là không phù hợp. Theo đại biểu, hiện nay việc sử dụng chữ ký điện tử trong hoạt động của các tổ chức không chỉ là nhu cầu giữa tổ chức với các đối tác bên ngoài mà trong chính nội bộ của tổ chức đó cũng có nhu cầu sử dụng chữ ký điện tử để xử lý các hoạt động trong tổ chức.
Tham gia vào dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị tại Điều 3 cần bổ sung từ “tổ chức” vào dự thảo luật. Vì người tiêu dùng không chỉ là một cá nhân mà còn là tổ chức. Về quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương tại Điều 7, đại biểu đề nghị bổ sung một đối tượng nữa đó là người thuộc hộ nghèo, người mù chữ vào các đối tượng dễ bị tổn thương. Đồng thời, làm rõ quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng.
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu góp ý vào các dự thảo luật.
Cùng tham gia ý kiến vào Luật Bảo vệ người tiêu dùng, đại biểu Lò Thị Việt Hà bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi các quy định nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 30 của Đảng trong công tác bảo vệ người tiêu dùng. Theo đại biểu, Chỉ thị 30 đã nêu rõ là tạo điều kiện thuận lợi để thực thi hiệu quả các quyền của người tiêu dùng, nhất là đối tượng tiêu dùng yếu thế, trẻ em, học sinh, sinh viên, người già, phụ nữ, công nhân nghèo khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Do đó, bổ sung các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo vào các đối tượng dễ bị tổn thương cũng rất phù hợp. Đại biểu Hà đề nghị là Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách liên quan đến quyền ưu tiên về giá, phí và các ưu đãi khác khi mua bán sản phẩm và cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, có cơ chế chính sách, chống phân biệt đối xử, xúc phạm những người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo trong quá trình thu thập, lưu trữ thông tin cá nhân.
Đại biểu Lò Thị Việt Hà cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm các chính sách liên quan đến bán hàng online vì hiện nay nhiều mặt hàng bán online không đảm bảo chất lượng, không đúng như quảng cáo. Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung các quy định bảo vệ đối với người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính.
Gửi phản hồi
In bài viết