Quang cảnh phiên thảo luận tổ.
Cho ý kiến váo dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các căn cứ pháp lý và thực tiễn đã nêu tại tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh Quốc hội. Tham gia một số nội dung cụ thể, đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy trình đào tạo, huấn luyện diễn tập phòng thủ dân sự tại Điều 16. Theo đại biểu, quy định như trong dự thảo luật sẽ dẫn đến sự chồng chéo giữa các cơ quan trong việc đào tạo, huấn luyện. Vì thế, nên tập trung đầu mối cho hai cơ quan đó là cơ quan công an và quân sự.
Đại biểu Ma Thị Thúy cũng đề nghị quy định cụ thể nội dung, chương trình đào tạo phòng thủ dân sự tại các nhà trường, học viện và các nội dung chương trình huấn luyện phòng thủ dân sự cho các lực lượng chuyên trách kiêm nhiệm để đảm bảo tính thống nhất và dễ áp dụng thực hiện trong thực tiễn. Tại Điều 23 quy định thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện, đại biểu đề nghị nêu rõ trường hợp nào được từ chối, trường hợp nào là bắt buộc khi huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Đồng thời cũng cần bổ sung các cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự theo 4 cấp độ được phân loại trong dự án luật này. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ quy định liên quan đến quỹ phòng thủ dân sự.
Đại biểu Ma Thị Thúy thảo luận tại tổ.
Về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã. Tại Điều 78 quy định góp vốn điều lệ, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét nâng mức trần lên từ 30 đến 40%. Vì thực tế hiện nay các hợp tác xã kiểu mới kết nạp rất là ít thành viên. Nếu quy định quá thấp thì việc huy động vốn, vốn góp rất khó, ảnh hưởng đến hoạt động của hợp tác xã. Tại Điều 79 quy định về thành viên của liên hiệp hợp tác xã, đại biểu cho rằng quy định này chưa nêu rõ có tối thiểu là bao nhiêu hợp tác xã thì thành lập liên hiệp hợp tác xã. Ngoài ra, đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định mở rộng thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hợp tác đối với đối tượng từ 15 tuổi đến 18 tuổi.
Đồng tình với đại biểu Thúy, đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất giữ nguyên tên gọi của luật để phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ hơn về các cơ chế chính sách đặc thù của Nhà nước cho kinh tế tập thể, đồng thời để đảm bảo tính khả thi cần có những quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn đối tượng được Nhà nước hỗ trợ, tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải và thiếu hiệu quả, thậm chí là trong quá trình thực hiện cũng sẽ phát sinh tình trạng lập hợp tác xã mang tính trá hình để trục lợi các chính sách...
Đại biểu Âu Thị Mai cũng đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong tổ chức vào hoạt động của hợp tác xã như tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng các nền tảng số, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao về kỹ năng số cho thành viên, nhất là người lao động trong hợp tác xã, đặc biệt là quảng bá hình ảnh sản phẩm của các hợp tác xã...
Gửi phản hồi
In bài viết