Theo đồng bào dân tộc thiểu số bản địa cắt nghĩa, Đa Nhim là nước mắt. Nước mắt của sơn nữ trong mối tình huyền thoại xứ cao nguyên Lang Biang, được truyền tụng từ bao đời nay quanh bếp lửa của người Chu Ru, Cơ Ho bản địa. Giờ đây, dòng lệ huyền sử ấy vẫn chảy cạn lòng qua hai mùa mưa nắng, phủ tràn đôi bờ bắc, nam huyện nông thôn mới Đơn Dương và Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Đứng trên triền núi cao, quốc lộ 27 uốn lượn, chạy dọc theo dòng Đa Nhim xanh mát. Đi hết cánh đồng dưới chân dãy núi Pơtơu Gớp, huyện Đơn Dương, thoáng nghe điệu ơ đó lẩn trong gió chiều. Lần theo điệu hát, tôi tìm đến nhà già Ya Loan, bên hiên nhà, bà Ma Wy, vợ ông thả hồn trong điệu hát vui. Bà bảo, ơ đó là một trong những điệu hát đặc trưng của người Chu Ru, có tiết tấu nhanh, vui vẻ. Lời ca thiên về tình yêu giữa con người, tình yêu sông suối, núi rừng, cây cối và chim muông... "Người Chu Ru có rất nhiều điệu hát, nào ha ri, ka tha, cho hea... Mỗi điệu được cất lên trong những sự kiện theo quy ước từ ngàn xưa", bà Ma Wy nói.
Có hàng nghìn bài hát do người Chu Ru tự sáng tác lời, với những điệu hát chính như bà Ma Wy kể. Trong đó, ha ri là điệu hát phổ biến. Điệu hát này thường dùng để hát đối, nhưng cũng không ai trách phạt khi ngân nga một mình. Điệu hát này cũng để khuyên bảo nhau trong vài trường hợp, hoặc già làng thường dùng để kể chuyện xưa. Còn ka tha là điệu hát về mùa màng; các già làng thường truyền miệng theo điệu này để cho con cháu dễ ghi nhớ lịch của mùa vụ và điệu hát chia buồn cho hea. Trải qua bao dâu bể của lịch sử tộc người, những điệu hát ấy vẫn còn truyền tụng. Chúng tôi lặng người cảm nhận, những giai điệu thật quen, hồ như có nét tương đồng với dân ca Chăm đã từng nghe. "Trong ngôn ngữ xưa, từ "chu ru" có nghĩa là "xâm đất", "sống xen vào"... Tổ tiên chúng tôi có lẽ là người miền biển!", già Ya Loan thổ lộ.
Đơn Dương hôm nay đã trở thành miền quê trù phú, là huyện nông thôn mới đầu tiên ở Tây Nguyên. Dẫu nhịp sống và tiện nghi hiện đại hiện diện khắp các buôn làng, nhưng sắc màu văn hóa Chu Ru vẫn còn ẩn hiện trong tín ngưỡng đa thần, phong tục, trang phục, dân ca, dân vũ và nghề làm gốm, nhẫn bạc trứ danh một thời.
Những tia nắng cuối ngày dần tắt trên đỉnh Iamơnhi. Đêm hội buôn làng Chu Ru ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương bắt đầu. Âm ba của sár, sơgơr quyện hòa cùng điệu rơkel vang xa lên tận đỉnh núi. "Đối với người Chu Ru, trong các sự kiện có tính cộng đồng, cộng cảm, không thể thiếu các điệu tamya trên hợp âm cồng chiêng (sár, ching), rơkel (kèn bầu) và trống gơnang. Đó là lễ thức quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa cộng đồng người Chu Ru", Nghệ nhân Ưu tú Touneh Ma Bio gợi mở.
Dòng Đa Nhim vẫn tỉ tê, ngưng tấu rơkel, già làng Ya Hin nói: "Ma Bio là người nổi tiếng cộng đồng Chu Ru mình, bởi đã có công "hồi sinh" tamya bị lãng quên trong thời gian dài". Tamya được sinh ra trên chính nền âm nhạc cổ cùng tên với điệu vũ. Bởi vậy, trình diễn "ngôn ngữ hình thể" không thể thiếu nhịp chiêng và ngược lại, điệu chiêng ngân dài mà vắng điệu vũ dân gian cũng sẽ "lạc phách", thiếu sự khơi gợi. "Tamya là múa. Còn Arya, T'rumpô, Păhgơnăng, Damtơra... là các vũ điệu. Đối với người Chu Ru, trong các dịp lễ hội dù lớn hay nhỏ, như lễ Pơthi (bỏ mả), Mơ Nhum (cúng thần Lúa), Bơ Mung (thần Đập nước)... khi âm thanh của chiêng ba, tiếng trống gơnang và rơkel vang lên thì mọi người cùng hòa nhịp tamya. Đó là sự giao hòa âm dương, biểu hiện của sự tương giao bền chặt", nghệ nhân Ma Bio nói.
Cùng với dân ca, dân vũ thì tiếng cồng, tiếng chiêng của tộc người Chu Ru cùng với người Mạ, Cơ Ho phía nam Tây Nguyên đã góp phần làm nên kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Biên chế phổ biến dàn chiêng người Chu Ru là chiêng ba gắn trên khung tre, thứ tự từ phải sang trái, từ to đến nhỏ là ame (mẹ), dra (dì trẻ) và ànạ (con gái). Còn người Mạ, Cơ Ho là dàn chiêng sáu, tên gọi phổ biến theo thứ tự ching me, rơnul, ndơn, ndol, t'rơ, thêt. Biên chế bộ chiêng là thế, song vẫn có những cuộc chơi chiêng cảm hứng. "Mỗi vị trí trong dàn thang âm đều có âm và tiết tấu riêng, nhưng cái chung là ching me (chiêng mẹ), ame giữ nhịp tấu gọi dàn chiêng giao hòa", Nghệ nhân Ưu tú K'Bes, dân tộc Cơ Ho, diễn giải.
Dòng Đa Nhim xuôi dọc địa phận Đơn Dương đã tận hiến cho mảnh đất này những tinh túy, cùng người dân trải cuộc mưu sinh. Con nước huyền thoại ấy đã hòa với đất của núi thiêng T'rôm Ụ để làm nên nghề gốm K'răng Gọ nức tiếng một thời.
Hôm tôi đến, nghệ nhân Ma Bi ở thôn K'răng Gọ, xã Pró, đang chuẩn bị nung gốm, bà bảo: "Ở làng gốm (gọ) này khói lửa nung gốm vẫn còn cháy, ước mơ khôi phục nghề gốm vẫn còn đó". Theo bà Ma Bi, cách làm gốm của người Chu Ru không dùng bàn xoay mà nghệ nhân đi vòng quanh bàn gốm, dùng tay và các công cụ để tạo hình sản phẩm. Chất liệu làm nên gốm K'răng Gọ chỉ là đất ở núi T'rôm Ụ hòa cùng nguồn nước Đa Nhim. Nhiều người cho rằng, khoáng chất trong đất ở vùng núi này đã tạo ra sản phẩm gốm K'răng Gọ thấp thoáng ánh kim, gõ vào phát ra tiếng trong, vang, có độ cứng cao. Gốm K'răng Gọ nổi tiếng một thời ở vùng Tây Nguyên, nhưng giờ chỉ còn vài nghệ nhân, trong đó có hai chị em Ma Bi và Ma Li còn giữ lửa nghề. Mới đây, nghề gốm K'răng Gọ được lồng ghép vào những tiết học lịch sử để học sinh ở Đơn Dương tìm hiểu, trải nghiệm; với niềm tin, mai này những bếp lửa nung gốm lại rực cháy khắp buôn làng.
Bên dòng Đa Nhim, tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, chỉ còn nghệ nhân Ya Tuất níu giữ nghề đúc nhẫn bạc truyền thống của người Chu Ru. Srí (nhẫn), với người Chu Ru không chỉ là của hồi môn, đồ trang sức, đây còn là tín vật không thể thiếu trong hôn ước. Khi trai gái đã trao nhẫn đính ước cho nhau có nghĩa là trao sự kết nối trọn đời. Người Chu Ru quan niệm, Srí cũng có linh hồn, có nhẫn trống (Srí Kăra) và nhẫn mái (Srí Mơtal). Có thể, khi cảm nhận sự phôi pha trong đời sống yêu đương người ta lại nhớ về Srí!
Cách đó không xa là buôn làng của người Cơ Ho. Khác với đồng bào Cơ Ho sống ở miền cao, cuộc sống gắn với rừng, với rẫy, người Cơ Ho ở Đơn Dương sinh sống gần với làng người Chu Ru và tắm chung dòng nước Đa Nhim. Mùa nông nhàn, già Ha Pall dạy nghề đan lát cho lũ trẻ. Ông mở lời: "Đan lát là nghề thủ công truyền thống của người Cơ Ho chỉ dành cho đàn ông. Sau này mới phổ biến, không phân biệt, già trẻ, trai gái, cứ vào mùa nông nhàn là đến mùa đan lát".
Theo già Ha Pall, nguyên liệu chủ yếu là lồ ô, nứa, dây mây, cây cóc rừng, cây pơ rô, vỏ cây pết, lá cây sơ đoă. Sau khi lấy từ rừng, nguyên liệu được chọn lựa, xử lý trước khi bước vào các công đoạn chế tác làm nan, cài nan, tạo hoa văn... Tất cả đều cần đôi tay tài hoa, sự khéo léo và tỉ mẩn. Giống như dệt thổ cẩm, cách tạo hoa văn, phối mầu trong đan lát là sự sáng tạo nghệ thuật. "Từ nhỏ, mình đã được cha trao truyền nghề đan lát. Giờ mình phải truyền dạy cho con cháu, bà con trong buôn làng để giữ nghề", già Ha Pall nói.
Không hình thành những bãi bồi bên triền đê đầy gió như xứ bắc, không có những cù lao xanh như miền nam, dòng Ða Nhim xuôi quanh chân đồi chảy qua hai huyện nông thôn mới Ðơn Dương và Đức Trọng, tạo nên những vùng quê xanh mát và những ngọn thác kỳ vĩ. Trong đó có "nam thiên đệ nhất thác" Pongour ở Đức Trọng, gắn với truyền thuyết nữ tù trưởng Cơ Ho xinh đẹp Kanai, đã được công nhận danh thắng cấp quốc gia năm 2000.
Hằng năm, vào dịp rằm tháng Giêng, du khách khắp nơi đổ về Pongour trảy hội, để được hòa nhịp cồng chiêng của người Cơ Ho, hoan ca trong xòe Thái và chơi các trò chơi dân gian. Bà Đèo Nàng Nay kể, ở vùng đất nam sông Đa Nhim này có thôn Thái, tên gọi một thời của những cánh chim thiên di miền Tây Bắc vào Đức Trọng quần tụ mưu sinh. Mỗi năm, khi đồng lúa sắp cúi đầu, phụ nữ Thái bận trang phục truyền thống múa xòe, nhảy sạp, chơi ném còn trong các lễ hội. "Cùng với xòe Thái, sắc mầu áo chàm, cùng những điệu sli, soong hao... của người Tày, Nùng ở đây đã hòa nhịp với người dân bản địa. Hằng năm, vào dịp lễ hội rằm tháng Giêng ở thác Pongour, sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam đã làm say lòng du khách", bà Đèo Nàng Nay chia sẻ.
Lâm Đồng có 47 dân tộc anh em. Thời gian qua, địa phương triển khai có hiệu quả chương trình hành động quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu, thông qua các đề án sưu tầm, bảo quản, phục dựng các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; điều tra, nghiên cứu bảo tồn một số buôn làng, kiến trúc tiêu biểu và 33 làng nghề truyền thống, cùng âm nhạc, truyện kể dân gian... Tỉnh đã ban hành đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn Lâm Đồng, giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030".
Với tài nguyên nhân văn đó, cần giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống đương đại. Bởi, nếu chỉ bảo tồn mà không khai thác sẽ gây lãng phí, hạn chế phát huy giá trị; nếu chỉ phát huy, khai thác ăn xổi chạy theo thị hiếu thị trường mà không bảo tồn đúng đắn thì không khéo sẽ thành hủy hoại mà ở đây, câu chuyện gắn bảo tồn với phát triển du lịch là một thí dụ về mối quan hệ biện chứng này. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Trần Thanh Hoài: "Phải lấy văn hóa đặc trưng, sự khác biệt để phát huy, trở thành sản phẩm du lịch. Bởi sự hấp dẫn du lịch, suy cho cùng đó là sự hấp dẫn về văn hóa".
Gửi phản hồi
In bài viết