Xã Phú Lương nằm ở phía nam huyện Sơn Dương. Xã có 11 thôn, 1.662 hộ, với 6.970 nhân khẩu, với 6 dân tộc anh em cùng chung sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao 12%, đời sống của bà con Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, bà con ở nơi đây chủ yếu sinh sống bằng buôn bán nhỏ lẻ và sản xuất nông nghiệp.
Bà con DTTS thôn Lãng Nhiêu, xã Phú Lương (Sơn Dương) tự nguyện hiến đất làm đường.
Những năm gần đây, Phú Lương đã và đang có những chuyển biến tích cực. Các Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã mang đến nhiều đổi thay. Chỉ tính trong năm 2024, từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi bà con dân tộc đã được hỗ trợ 10 téc nước; hỗ trợ trên 800 triệu đồng làm 800m đường nội đồng tại thôn Lãng Nhiêu, Lão Nhiêu,...
Tuy nhiên, theo đồng chí Lại Thế Tuyên, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lương chia sẻ, kết quả này sẽ không thành công, nếu như không có sự nỗ lực vươn lên, nhất là việc chung tay của người dân bằng những hành động như hiến đất, góp công... để địa phương đầu tư xây dựng làm được nhiều công trình phúc lợi dân sinh.
Bí thư Đảng ủy xã Lại Thế Tuyên nêu ví dụ, để mở rộng tuyến đường DH-10 từ đường ĐT-186 đi xã Quang Yên của huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) với tổng chiều dài 3,5 km đi qua 2 thôn Gia Cát và Lãng Nhiêu, đã có 128 hộ hiến trên 9.602 m2 đất; phá bỏ 1.875 m2 tường rào, 60 cột cổng, 335 m2 mái lợp và 261 cây cối các loại. Tổng giá trị của đất và tài sản trên đất mà nhân dân hiến để mở rộng tuyến đường DH-10 khoảng 4,5 tỷ đồng. Đáng quý là trong số các hộ này, có trên 80% là đồng bào dân tộc Cao Lan. Đất là tài sản quý giá của mỗi gia đình, đặc biệt là đối với người DTTS, nơi mà đất đai gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, với tấm lòng rộng mở, bà con dân tộc đã vượt qua khó khăn, sẵn sàng chia sẻ để vì lợi ích chung của cộng đồng.
Thôn Lãng Nhiêu có 171 hộ, 756 nhân khẩu, 90% là đồng bào dân tộc Cao Lan. Đồng chí Nịnh Văn Lễ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lãng Nhiêu cho biết, tuyến đường DH-10 đã được bê tông hóa từ năm 2011, đến nay đã bị xuống cấp, mặt đường lại nhỏ nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Đối với các thôn khác, việc hiến đất làm đường gặp rất nhiều khó khăn, phải xuống từng hộ dân để vận động tuyên truyền mới giải tỏa được mặt bằng thì Lãng Nhiêu lại rất dễ dàng. Chỉ thông qua 2 buổi họp thôn, 100% bà con đã tự nguyện hiến đất và đồng tình hưởng ứng. Tổng số diện tích đất người dân hiến là trên 7.600 m2 do 122 hộ dân tự nguyện hiến tặng.
Gia đình chị Hoàng Thị Nghĩa, dân tộc Cao Lan, là một trong số hộ hiến đất nhiều nhất của thôn Lãng Nhiêu. Để có con đường mới, chị chẳng ngại ngần gì khi hiến 350 m2 đất ở, đất sản xuất. Gia đình chị còn phá bỏ hơn 20 m tường rào làm bằng thép, 2 trụ cổng xây kiên cố để giải phóng mặt bằng. Cũng như chị Nghĩa, gia đình ông Hầu Ngọc Khang cũng đã hiến 217 m2 đất vườn, gần 100 m tường rào xây dựng kiên cố và phá bỏ hơn 10 cây gỗ lát trị giá tài sản hiến là hơn 100 triệu đồng. Hay với gia đình chị Hầu Thị Thuận, là một hộ nghèo của thôn Lãng Nhiêu cũng tự nguyện hiến hơn 240 m2 đất để giải phóng mặt bằng.
Phụ nữ Cao Lan xã Phú Lương tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Chị Thuận chia sẻ: Dù gia đình còn nghèo khó lắm nhưng tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm với dân làng mình. Đường làm xong rồi tôi và dân làng đi nên mình hiến đất là đem lại lợi ích cho chính gia đình mình, cho bà con trong làng, trong xã. Vì thế, gia đình đã tự nguyện hiến hơn 240 m2 đất để đường thông làng đẹp.
Bí thư Đảng ủy xã Lại Thế Tuyên vui mừng bảo, đến nay toàn bộ tuyến đường 3,5 km đã được giải tỏa xong. Địa phương đã vận động các nhà hảo tâm, con em các dân tộc trong và ngoài xã ủng hộ kinh phí để thuê máy cuốc đào rãnh, chở đất, san gạt mặt bằng với tổng số tiền là hơn 60 triệu đồng. Ngay sau khi được đầu tư kinh phí xây dựng tuyến đường, xã sẽ tiếp tục huy động Nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công để hoàn thiện tuyến đường. Giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, tạo điều kiện để bà con phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Cùng với những tấm gương điển hình hiến đất làm đường như gia đình chị Nghĩa, chị Thuận, ông Khang... đồng bào DTTS ở xã Phú Lương cũng đi đầu thực hiện nhiều Dự án trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tiêu biểu, trong triển khai Dự án 8 “bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”. Chị em phụ nữ đồng bào DTTS đã đi đầu thành lập các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, liên thế hệ, Sình ca Cao Lan để hướng tới mục tiêu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Nhiều công trình từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang làm cho bộ mặt ở Phú Lương ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, những mô hình sinh kế như hỗ trợ trâu sinh sản cho bà con DTTS thời gian tới sẽ tiếp sức giúp bà con Phú Lương phát triển toàn diện.
Gửi phản hồi
In bài viết