Thôn Phong Vân xưa kia
Từ trung tâm thành phố Tuyên Quang đến di tích Trường Nguyễn Ái Quốc ở thôn Phong Vân xưa, nay đổi tên thành thôn 4, xã Tân Tiến chừng gần 20 km. Anh Hoàng Văn Thái, người địa phương kể, trước kia để tới được xã Tân Tiến chỉ có một con đường độc đạo và phải lội băng qua 6 con suối. Đến Tân Tiến là hết đường, nhìn lên xung quanh chỉ là những dãy núi cao và ở dưới là thung lũng. Do có địa hình khá hiểm trở, một bên tựa lưng vào dãy núi Đỉnh Mười, một bên bao bọc bởi dãy núi Yên Lĩnh trải dài. Từ Tân Tiến theo đường rừng có thể lên Kim Bình, sang Bắc Kạn được hay vượt dãy núi Yên Lĩnh sang xã Phú Thịnh để rồi thông qua xã Kim Quan, về Tân Trào. Với địa hình địa vật an toàn cao, dễ thoát hiểm như vậy, đầu năm 1952, Trung ương đã chọn thôn Phong Vân là nơi hạ trại, xây dựng Trường Nguyễn Ái Quốc bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá. Chỉ sau một thời gian ngắn khu nhà hội trường, nhà hiệu bộ, lớp học, nhà bếp, bệnh xá được mọc lên giữa những rừng cây xanh đại ngàn, tiếng suối róc rách chảy. Ngoài khu vực chính, nhà trường còn có căng tin, xưởng in ấn tài liệu, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm, vườn canh tác rau xanh...
Học sinh trên địa bàn xã Tân Tiến tham quan, tìm hiểu di tích Trường Nguyễn Ái Quốc.
Theo các tài liệu lịch sử, để bổ sung nguồn cán bộ trung cao cấp giàu lý luận, thực tiễn chính trị cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, năm 1949 Trường Nguyễn Ái Quốc nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh được thành lập tại tỉnh Thái Nguyên. Năm 1950 nhà trường chuyển về xã Vinh Quang nay là xã Kim Bình (Chiêm Hóa). Năm 1952 trường tiếp tục chuyển về xã Tân Tiến (Yên Sơn), một bộ phận chuyển về xã Tân Trào (Sơn Dương). Đồng chí Lê Văn Lương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng làm Giám đốc nhà trường từ năm 1952 đến năm 1954.
Ở xã Tân Tiến, nhà trường tiếp tục khai giảng khóa IV, với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng như chủ trương “Trường kỳ kháng chiến tự lực cánh sinh”, đường lối “Cách mạng dân tộc dân chủ”. Giảng viên giảng bài là cán bộ cao cấp của Đảng như các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương. Học viên như các đồng chí: Đàm Quang Trung, Bằng Giang, Đồng Sĩ Nguyên, Hoàng Sâm, Trường Minh, Lê Thùy... Tại đây cán bộ nhân viên và học viên nhà trường rất vinh dự đã có dịp được đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện.
Thời gian ở và hoạt động tại Tuyên Quang trên 4 năm với nhiều địa điểm khác nhau thuộc các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa, Trường Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức nhiều khóa học gồm các lớp học chỉnh huấn, chỉnh Đảng, chỉnh quân của Trung ương Đảng. Từ khi thành lập đến năm 1954, Trường đã đào tạo bồi dưỡng được 5.750 cán bộ. Các học viên được đào tạo tại đây chính là những cán bộ nòng cốt được rèn luyện, trang bị kiến thức lý luận, phục vụ công cuộc kháng chiến của dân tộc và nhu cầu lãnh đạo, quản lý đất nước sau hòa bình lập lại. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, trong không khí hòa bình, cuối năm 1954 Trường Nguyễn Ái Quốc chuyển về Hà Nội.
Xã Nông thôn mới
Tân Tiến vào giai đoạn 1952, nhà cửa của người dân tộc Tày, Dao địa phương khá thưa thớt, chủ yếu là nhà sàn. Những năm đổi mới sau này, đời sống kinh tế của người dân vẫn khó khăn, xã hưởng chương trình 135 của Chính phủ. Ông Phạm Văn Vấn, xã Tân Tiến cho biết, nguyên nhân là do con đường dẫn vào xã bị chia cắt, mùa mưa lũ không đi đâu được. Mọi hàng hóa làm ra đều khó tiêu thụ. Nhận thức được điều đó, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, xã Tân Tiến được tỉnh, huyện ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Đầu tiên là xây dựng các cầu tràn qua suối, hệ thống đường nhựa liên xã, đường bê tông liên thôn. Điện lưới quốc gia, viễn thông, internet được kéo về tới xã. Chương trình xây trường, đường, trạm, nhà văn hóa ở các thôn, xóa nhà tạm, nhà dột nát trong dân được đẩy mạnh, khiến “bộ mặt” nông thôn thay da đổi thịt hàng ngày.
Năm 2001, di tích Trường Nguyễn Ái Quốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia, được phục hồi, tu bổ, trở thành địa chỉ đỏ về nguồn của bao lớp cán bộ của Đảng. Trong đó những chuyến về nguồn của cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hàng năm diễn ra khá đều đặn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Tân Tiến luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Bằng trách nhiệm và uy tín của mình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tích cực giúp đỡ xã Tân Tiến về vật chất, tinh thần để xây dựng nông thôn mới.
Sau hơn 10 năm kiên trì, nỗ lực, quyết liệt triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2021 xã Tân Tiến đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ, chính quyền xã đã huy động lồng ghép nhiều nguồn lực, góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn với tổng kinh phí thực hiện trên 126 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 29 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng, hộ nghèo giảm. Chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Tiến, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước sự đổi thay diện mạo nông thôn của xã. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ sự tri ân đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói chung và xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn nói riêng đã giúp đỡ, che chở, đùm bọc cán bộ, giảng viên Trường Nguyễn Ái Quốc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi địa chỉ giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ giảng viên Học viện Chính trị.
Với tiềm năng, thế mạnh của mình xã đang từng bước khai thác tốt lợi thế đó. Như phát triển kinh tế rừng, chế biến từ gỗ rừng trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật, xây dựng những trang trại, khu vườn kiểu mẫu. Hiện trên địa bàn xã có trên 200 ha rừng phòng hộ và hơn 4.800 ha rừng trồng. Xã Tân Tiến phát triển thêm sản phẩm OCOP “Măng tre khô Tân Tiến”, sản lượng bước đầu vài chục tấn măng tre khô một năm. Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Nông Lâm nghiệp Tân Tiến là đầu mối để liên kết các hộ gia đình sản xuất măng khô. Ngoài ra xã đã thành lập được Chi hội nghề nghiệp “Nuôi ong mật Núi Lĩnh” và đang tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong để nâng cao hơn nữa thu nhập cho nhân dân.
Khó khăn, thách thức phía trước vẫn còn nhiều, nhưng xã Tân Tiến quyết tâm phấn đấu trở thành một địa phương có kinh tế phát triển, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc.
Gửi phản hồi
In bài viết