Khởi nghĩa Thanh La
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Sơn Dương, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, Nhân dân Sơn Dương bị tước đoạt các quyền tự do, dân chủ tối thiểu. Chính sách khai thác bòn rút thuộc địa của đế quốc để lại cho Sơn Dương một cơ sở kinh tế, xã hội vô cùng nghèo nàn và lạc hậu.
Cuối thế kỷ XIX, Nhân dân các xã Hồng Lạc, Văn Phú, Vân Sơn, Đông Lợi, Phú Lương, Tam Đa, Lâm Xuyên đã tự nguyện cầm vũ khí đứng trong hàng ngũ nghĩa quân Lưu Vĩnh Phúc, Hoàng Hoa Thám. Những năm hai mươi của thế kỷ XX, Nhân dân các xã Lâm Xuyên, Hào Phú, Hồng Lạc, Tân Trào liên tục nổi dậy chống lại các hành động lấn chiếm ruộng đất và chế độ bóc lột dã man của thực dân Pháp và tay sai dưới nhiều hình thức.
Ngày 7/11/1936 Nhân dân thôn Khe Thuyền, xã Văn Phú đã tổ chức đấu tranh chống nạn sưu cao, thuế nặng. Sau 10 ngày, cuộc đấu tranh của Nhân dân Khe Thuyền đã giành được thắng lợi. Tiếng trống Khe Thuyền cho thấy mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa Nhân dân các dân tộc với bọn đế quốc và tay sai.
Di tích đình Thanh La.
Thời kỳ đó tổng Thanh La gồm bốn xã: Kim Trận, Thanh La, Hạ Yên, Kháng Lực. Thanh La là một xã lớn của tổng, lại ở gần cơ quan chỉ đạo của Phân khu Nguyễn Huệ. Đồng bào ở đây được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng. Sau cuộc đảo chính của phát-xít Nhật (ngày 9-3-1945), bộ máy tay sai ở Thanh La càng suy yếu, rệu rã. Trước tình hình đó, đồng chí Song Hào và ban lãnh đạo Phân khu Nguyễn Huệ (Lê Hiến Mai, Tạ Xuân Thu, Trần Thế Môn, Trung Đình) chủ trương phát động khởi nghĩa để “bắt mạch” thăm dò phản ứng của địch.
Đêm 10-3-1945, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Tạ Xuân Thu và Ban Chỉ huy Phân khu Nguyễn Huệ, lực lượng vũ trang cách mạng đã nhanh chóng tước vũ khí của lính dõng, bắt bọn tổng lý, hương dõng phải quy phục, giao nộp súng ống, bằng sắc, triện đồng cho ta. Ta giải phóng hoàn toàn xã Thanh La trong đêm 10-3-1945.
Đây là cuộc khởi nghĩa cấp xã giành thắng lợi sớm nhất trong cả nước. Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ quyết định mở rộng hoạt động. Sáng 11-3-1945, sau cuộc mít-tinh tuyên thệ tại sân đình Thanh La, quân khởi nghĩa với nòng cốt là lực lượng Cứu quốc quân 3 và tự vệ địa phương giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ cách mạng tiến về giải phóng Đăng Châu, huyện lỵ Sơn Dương. Sau khi Đăng Châu được giải phóng, ngày 16-3-1945, Phân khu Nguyễn Huệ tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại đình Thanh La, tuyên bố thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu. Đây là chính quyền Nhân dân cấp châu đầu tiên của Tuyên Quang và cũng là chính quyền cách mạng cấp châu đầu tiên trong cả nước.
Khởi nghĩa Thanh La thắng lợi là phát súng đầu tiên trong cao trào tiền khởi nghĩa năm 1945 của tỉnh Tuyên Quang. Chính quyền cách mạng của Nhân dân xã Thanh La là điều kiện tiên quyết để lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định chuyển từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đi đến thắng lợi vĩ đại, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Đó cũng là điều kiện để Tuyên Quang trở thành Thủ đô Khu Giải phóng, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ở, làm việc và lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công.
Đổi thay ở Minh Thanh
Từ trung tâm thành phố đi theo con đường nhựa về chiến khu cách mạng khoảng hơn 45 km là tới trung tâm xã Minh Thanh. Đồng chí Nguyễn Ngọc Chinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Thanh cho biết, xã có 1.491 hộ với 6.267 nhân khẩu, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước kia do là một xã thuần nông, không thuận đường giao thông, xa khu kinh tế trung tâm nên cuộc sống của người dân còn gặp khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm gần 50%.
Đứng trước thực trạng đó, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã có nhiều nghị quyết tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa, di tích lịch sử cách mạng. Là xã ATK, Minh Thanh được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, huyện trong việc thu hút, ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn cán bộ, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhân dân xã Minh Thanh được hưởng những chính sách ưu tiên đặc thù về y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Sau 13 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, hiện xã Minh Thanh đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu cuối năm nay hoàn thành về đích 19/19 tiêu chí. Các công trình hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang như nhà văn hóa trung tâm xã, nhà văn hóa các thôn. Tuyến đường ĐH07, ĐH18 và trục đường xã, đường liên thôn với chiều dài 16 km được đầu tư xây dựng từ năm 2022. Để hoàn thành tuyến đường có gần 400 hộ dân đã tự nguyện chặt bỏ cây cối, phá dỡ tường rào, công trình kiến trúc để hiến đất làm đường. Riêng đối với tuyến đường ĐH07, chỉ thông qua 2 buổi họp thôn, đã có 97/110 hộ dân tự nguyện hiến 4.800 m2 đất để làm đường.
Là một trong những địa phương có hơn 170 ha chè, xã Minh Thanh đã tận dụng tốt ưu thế, tạo động lực phát triển kinh tế. Từ nhiều năm nay, cây chè trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo và làm giàu. Cùng với đó, xã cũng đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, toàn xã có 2.093 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 272 ha, rừng trồng sản xuất là 1.821 ha, với gần 800 ha diện tích gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. Hiện xã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là: chè Thanh Trà, rượu men lá Giang Hằng và Gạo đặc sản La Khai.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 42 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo của xã giảm xuống còn 254 hộ nghèo, chiếm 17,2%. Khó khăn thách thức vẫn ở phía trước, nhưng với hướng đi phát huy tối đa tiềm năng, nội lực của mình, Minh Thanh đang dần hình thành một vùng quê nông nghiệp trù phú, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Gửi phản hồi
In bài viết