Ngày 24/9 tới, tại Yên Bái sẽ diễn ra Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò, Khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2022.
Chương trình do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái chỉ đạo thực hiện; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái tổ chức và Công ty Truyền thông, Tổ chức sự kiện Newday Media thực hiện.
Tổng đạo diễn chương trình là nữ đạo diễn Lê Hải Yến, CEO Newday Media. Ê-kíp thực hiện gồm đạo diễn Lê Hải Yến, các nhạc sĩ Mạnh Tiến, Khánh Băng phụ trách phần âm nhạc, Tổng biên đạo múa là Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hằng, cũng là biên đạo của chương trình “Ký ức Hội An”.
Ít ai biết được, ý tưởng về chương trình lại khởi đầu từ 1 lá thư đầy tâm huyết của 1 thầy giáo người Thái, chia sẻ cảm xúc khi được xem những chương trình nghệ thuật lấy chất liệu vùng cao trước đó.
Anh nói, với các chương trình đã từng làm, xem xong, đồng bào không thấy bóng dáng dân tộc mình, câu chuyện của mình trong đó vì được kể bằng ngôn ngữ của 1 dân tộc khác.
“Điều đó đã khiến ê-kíp làm chương trình suy nghĩ rất nhiều và quyết định làm 1 chương trình nghệ thuật đi đến tận cùng của văn hóa, để cộng đồng dân tộc Thái tự kể câu chuyện của mình”, nhạc sĩ Khánh Băng, phụ trách phần âm nhạc của chương trình kể lại.
Đạo diễn Lê Hải Yến, các nhạc sĩ Khánh Băng, Mạnh Tiến (từ phải qua trái). (Ảnh: Ban tổ chức)
Đạo diễn Lê Hải Yến cho biết, chương trình được hình thành và xây dựng sau 3 tháng ròng rã nghiên cứu, điền dã, tìm hiểu.
Lễ vinh danh mang chủ đề “Xòe Thái - tinh hoa miền di sản”, gồm 3 chương: chương 1 mang tên “Thiên di, dựng bản lập mường” nói về quá trình khởi nguyên của người Thái với dấu vết của Mẹ Âu Cơ đi lập bản.
Chương 2 có tên “Miền di sản” đề cập đến các nét tinh hoa trong di sản của người Thái, trong đó có lễ hội gội đầu độc đáo của các cô gái Thái.
Chương 3 mang tên “Tinh hoa lễ hội Xòe” kết thúc bằng hình ảnh Khau Cút trên mái nhà người Thái và hoa ban nở để nói về sự trở về và những ước vọng hạnh phúc, phồn thịnh của dân tộc.
Chương trình được xây dựng theo kiểu “không dừng”, chương sau tiếp nối vào chương trước, như dòng Nậm Thia cuộn chảy không ngừng tái hiện câu chuyện thiên di của 2 anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần dựa theo cuốn sử thi “Quam tô mương” (Chuyện kể bản mường) về lịch sử hình thành của người Thái ở Tây Bắc.
Các hoạt cảnh sẽ liên tiếp tái hiện những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc nhất của người Thái thông qua hình ảnh người con gái Thái, và từ đó tôn vinh điệu Xòe - di sản văn hóa phi vật thể nhân loại với 900 diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên và nghiệp dư, cùng 2.022 người tham gia màn Đại Xòe. Đây cũng là con số đặc biệt Ban tổ chức muốn nhấn mạnh sự kiện được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể thế giới trong năm 2022.
Chương trình có thời lượng 90 phút, trong đó 30 phút dành cho phần lễ, còn lại cho phần hội, gồm các phần biểu diễn nghệ thuật và màn đại xòe cuối cùng, thu hút toàn bộ khán giả, khách mời trong chương trình.
Chương trình diễn ra tại sân vận động Nghĩa Lộ, với phần sân khấu chính là toàn bộ khán đài B. Khi xong phần lễ, toàn bộ đại biểu, khách mời và khán giả sẽ được di chuyển sang phía khán đài A để toàn bộ mặt sân và khán đài B trở thành 1 sân khấu khổng lồ, nơi đồng bào Thái kể câu chuyện về văn hóa của dân tộc mình thông qua nghệ thuật Xòe.
Sân khấu của lễ vinh danh sẽ trải dài từ khán đài B xuống toàn bộ sân vận động, được liên kết xuyên suốt với hình tượng dòng suối chảy ngang qua sân vận động, như dòng Nậm Thia (ngòi Thia) chảy dài từ trên thượng nguồn những dãy núi bao la xuống tận vùng đồng bằng.
Ê-kíp thực hiện chương trình tiết lộ: “Sân khấu biểu diễn của chương trình gồm 2 phần: sân khấu chính và sân khấu trung tâm dưới sân vận động. Sân khấu chính với 3 cấp biểu diễn, lấy hình tượng chủ đạo là hình ảnh Quả Bầu Mẹ - tượng trưng cho ý nghĩa “Bầu ơi thương lấy bí cùng” để nói về 1 hình tượng đặc trưng của Tây Bắc, cũng là một trong những hình tượng gắn với tích Quả Bầu Tiên và cội nguồn của các dân tộc Việt Nam. Vắt ngang qua quả Bầu Mẹ là hình tượng chiếc khăn Piêu thổ cẩm uốn lượn trên sân khấu, nối xuống dưới sàn và chạy quanh sân vận động, được làm từ hiệu ứng LED matrix để khi là 1 con đường, khi lại trở thành dòng suối”.
Không chỉ vậy, toàn bộ đạo cụ sử dụng trong chương trình như trâu, bò, ngựa, nhiều đạo cụ sân khấu trong các màn tái hiện phong tục văn hoá của người Thái cũng đều được lấy từ các hiện vật trong các gia đình người Thái, nhờ sự nghiên cứu và sưu tầm hết sức công phu, tỉ mỉ về văn hóa Thái của ê-kíp, kể cả bộ trang phục cô dâu chú rể cho màn tái hiện đám cưới người Thái cũng là thật chứ không phải trang phục biểu diễn.
Trong chương trình, các yếu tố công nghệ, kỹ thuật chỉ phụ trợ cho các phần biểu diễn của con người. Đạo diễn Lê Hải Yến cho biết, với quá trình tập luyện nghiêm túc, khán giả sẽ không nhận ra sự khác biệt giữa diễn viên chuyên nghiệp và nghiệp dư. Có người còn làm cả clip ngắn để nói về chương trình lần này, mời cộng đồng người Thái các nước sang tham gia sự kiện.
“Đồng bào cũng rất hào hứng tham gia tập luyện để biểu diễn trong chương trình. Họ tự may quần áo biểu diễn. Các em nhỏ thì đi tập với đôi chân trần làm chúng tôi rất thương và xúc động”, chị chia sẻ.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện 1 vở đại vũ kịch dân gian Tây Bắc, diễn ra trên toàn bộ sân vận động, chứ không gói gọn trên 1 sân khấu nào cả. Bởi chúng tôi nghĩ rằng, 1 sân khấu không thể diễn tả đầy đủ câu chuyện về cả 1 cộng đồng. Chúng tôi dùng phần lớn diễn viên là chính bà con, những nghệ nhân người Thái, người dân Tây Bắc… để kể câu chuyện về cộng đồng của họ, từ cội nguồn, từ thực tế đời sống, tình yêu, để hình thành nên nghệ thuật xòe Thái - một thứ nghệ thuật thăng hoa từ cuộc sống của họ. Đây sẽ là 1 cuộc trình diễn xuyên suốt, không có điểm dừng, để khán giả thực sự bị cuốn theo mạch chuyện ấy”- đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ.
Không chỉ kể câu chuyện văn hóa Tây Bắc qua Xòe Thái, mong muốn của những người làm chương trình là những nội dung của lễ vinh danh sau này có thể được hợp tác để xây dựng thành màn biểu diễn thực cảnh, giống như “Ký ức Hội An” để trở thành một trong những sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của vùng đất Tây Bắc này, và cũng để vừa tôn vinh, vừa nối dài sức sống của điệu Xòe.
Gửi phản hồi
In bài viết