Đón đọc Báo Tuyên Quang cuối tuần chủ đề về Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam

- Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đó là thông điệp Báo Tuyên Quang cuối tuần gửi đến độc giả với chủ đề: Xoa dịu nỗi đau da cam nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10/8.

 

Sẻ chia nỗi đau da cam, nhà báo Thái An bày tỏ: Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng những nạn nhân của chất độc da cam vẫn đang ngày ngày chống chọi với nỗi đau về thể xác và tinh thần. Hằng năm, Nhà nước đã chi tới 17.000 tỷ để trợ cấp cho những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam. Nhiều chính sách được thực hiện để những đối tượng này được hưởng trợ cấp, được hỗ trợ sinh kế, học nghề, được bảo hiểm, được miễn phí về mặt y tế…Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam chưa được thụ hưởng chính sách đãi ngộ. Nguyên nhân do việc kê khai làm thủ tục để hưởng chế độ này còn nhiều khó khăn. Từ đó, tác giả bày tỏ quan điểm: Việc thực hiện chính sách liên quan đến nạn nhân da cam cần có những thay đổi phù hợp hơn để giúp các nạn nhân da cam xoa dịu nỗi đau, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Toàn bộ nội dung này có trong chuyên mục Diễn đàn với tiêu đề Cần phù hợp hơn (trang 3).

Đồng quan điểm với nhà báo Thái An, tác giả Đức Anh chia sẻ: Đã hơn 60 năm kể từ khi thảm họa da cam/dioxin xảy ra ở Việt Nam, song những mất mát, đau thương mà thảm họa này gây ra trên đất nước ta còn vô cùng nghiêm trọng, nghiệt ngã, với hậu quả, di chứng nặng nề. Chương trình nhắn tin "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" đang được các cấp Hội Nạn nhân chất độc dacam/dioxin Việt Nam tổ chức nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong nước, bạn bè quốc tế giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam vươn lên nỗi đau về tinh thần, thể xác, tiếp thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Đây là hoạt động thiết thực, trực tiếp để chia sẻ và động viên các nạn nhân, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, tri ân những người đã đóng góp xương máu cho hòa bình của Tổ quốc. Đón đọc bài viết: Thêm những tấm lòng trong chuyên mục Chuyện cuối tuần của nhà báo Đức Anh, chúng ta sẽ thấy rõ nỗi đau mà nạn nhân da cam đã và đang phải hứng chịu.

Để xoa dịu, sẻ chia đau thương mất mát đó, những năm qua, tỉnh ta có nhiều nỗ lực để giúp các nạn nhân và gia đình của họ vươn lên trong cuộc sống. Nội dung này có trong các tác phẩm:

- Xoa dịu nỗi đau da cam của Hoàng Niềm (trang 2+3).

- Chiến binh phi thường của Thủy Châu (trang 4)

- Dưới bầu trời da cam của Trần Liên (trang 5).

Trang văn học - nghệ thuật số này, chúng ta cùng nghe chia sẻ của chính người trong cuộc - nạn nhân chất độc da cam, nhà thơ Cao Xuân Thái qua phóng sự: Viết trong nỗi đau da cam của Quang Hòa (trang 6).

Chuyên mục Tác giả - Tác phẩm giới thiệu gương mặt nữ nhà văn trẻ Lý A Kiều qua ghi chép: Cảm xúc miền núi của Giang Lam (trang 7).

Thư giãn ngày nghỉ cuối tuần, mời bạn đọc cùng thưởng thức truyện ngắn Lửa của Trần Xuân Thụy (trang 8) cùng các bài thơ (trang 9):

- Mời trà của Dương Văn Thắng

- Mẹ ngồi bấm đốt ngón tay của Nguyễn Anh Đào

- Gửi nón cho mẹ của Lý Văn Song

Chuyên mục Nhịp cầu nhân ái (trang 11) kỳ này là hoàn cảnh đáng thương của chị Bàn Thị Mai, sinh năm 1984, dân tộc Dao, thôn 3, xã Tân Tiến (Yên Sơn), có chồng mắc bệnh ung thư máu vừa qua đời, 2 con còn nhỏ, mẹ chồng ốm nằm liệt 3 năm nay.

Ấn phẩm còn có nhiều nội dung hấp dẫn trong các chuyên mục: Tản văn, Mỗi tuần một cuốn sách, Tin tốt trong tuần, Ẩm thực xứ Tuyên, Thể thao...

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Tin cùng chuyên mục