Truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc là tố quan trọng giúp dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, lập nên những chiến công vang dội, mà chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng cụ thể. Để truyền thống tốt đẹp ấy được nuôi dưỡng, phát triển và trở thành khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ thì việc quan trọng hiện nay chính là nuôi dưỡng lòng yêu nước. Đó là tiêu đề bài báo được Thái An nêu ra trong chuyên mục Diễn đàn (trang 3).
Thái An phân tích, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn coi giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược. Mới đây, đã có một Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030”. Đây là quá trình lâu dài, thường xuyên, cần sự tham gia của toàn xã hội và cần chính những người trẻ ra sức rèn luyện, cống hiến. Có như vậy, những cống hiến, hy sinh của những bậc tiền nhân thực sự được phát huy giá trị, để lớp cha trước lớp con sau tiếp nối giữ gìn cho đất nước hòa bình và phát triển.
Cảm phục, biết ơn vô bờ trước tinh thần chiến đấu, hy sinh của những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, nhà báo Đức Anh có bài viết trong chuyên mục Chuyện cuối tuần với tiêu đề Vòng nguyệt quế vinh quang.
Tác giả phân tích: Làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ là sự hy sinh quên mình của các chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên các chiến hào. Đó là anh Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, là anh Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo, là anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai... Còn cả những tấm gương bộ đội, dân công phục vụ chiến dịch. Đức Anh trải lòng: Một lần được trở về với Điện Biên, mảnh đất năm xưa đã chứng kiến cuộc chiến chúng tôi thực sự không khỏi bồi hồi, xúc động. Ngay dưới chân nơi chúng tôi đứng là máu xương của biết bao chiến sĩ ngã xuống hòa cùng với đất. Không ai bảo ai, tất cả đều bước đi thật khẽ, thật khẽ... Tất cả mãi xứng đáng được vinh danh, được tặng vòng nguyệt quế chiến công. Thế hệ hôm nay và mai sau mãi khắc ghi những cống hiến, hi sinh anh dũng của các chiến sĩ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến chiến thắng”, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã dồn hết sức lực, tình cảm cho mặt trận Điện Biên Phủ. Tính đến cuối năm 1953, tỉnh ta đã huy động được 1.021.738 ngày công phục vụ chiến trường. Vào thời điểm quyết định của chiến dịch Điện Biên Phủ (từ tháng 3 đến tháng 5/1954), tỉnh đã huy động 56.196 người phục vụ 1.854.360 ngày công cho chiến dịch. Số người phục vụ chiến dịch chiếm 43% dân số toàn tỉnh... Đây con số được nhà báo Thủy Châu dẫn chứng trong bài viết: Từ Tân Trào đến Điện Biên (trang 2+3).
Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã trở thành chất liệu, là khơi nguồn cảm hứng để các văn nghệ sĩ nước ta cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc ở mọi thể loại. Nội dung này có trong trang văn học - nghệ thuật với các bài viết: Cảm hứng từ Điện Biên của Mai Ngọc (trang 7), Vang mãi bản hùng ca của Quang Hòa (trang 6); Truyện ngắn Người lính của Bùi Việt Phương (trang 8); Thơ (trang 9): Người giao liên của Hồng Châu, Đêm tháng Năm con nghe thơ Bác của Đào Anh, Nhớ Điện Biên của Phạm Ngọc Khuê, Tiếng chim trên đồi A1 của Trần Văn Lợi.
Các chuyên mục quen thuộc: Tản văn, Mỗi tuần một cuốn sách, Nhịp cầu nhân ái, Tin tốt trong tuần, Ẩm thực xứ Tuyên, Quốc tế... trở lại cùng bạn đọc với nhiều nội dung thời sự, hấp dẫn.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Gửi phản hồi
In bài viết