Trong hàng loạt các câu chuyện giảm nghèo, thì chuyện tự nguyện xin thoát nghèo khiến nhiều người phải suy ngẫm. Nội dung này được chuyển tải trong chuyên mục Diễn đàn của tác giả Thái An với tiêu đề: Thoát nghèo văn minh (trang 3).
Tác giả dẫn chứng: Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh đã có hàng trăm hộ tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đáng nói là số hộ này lại tập trung nhiều ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con đều đã nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng và ý thức được việc không thể nhận thêm sự giúp đỡ ấy, để tự mình nỗ lực vươn lên. Đây là sự thay đổi rất đáng kể về nhận thức. Rằng có thể nghèo về vật chất nhưng ý chí và tinh thần thì không nghèo. Từ đó, tác giả bày tỏ quan điểm: Cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự tự giác, tự trọng của những người thoát nghèo văn minh chính là cú huých để thay đổi nhận thức trong công tác giảm nghèo, để người nghèo vững tâm vươn lên có cuộc sống đủ đầy hơn.
Góp thêm câu chuyện về giảm nghèo, nhà báo Đức Anh có bài viết: Kết nối và chia sẻ trong chuyên mục Chuyện cuối tuần (trang 2).
Theo Đức Anh, để các nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo đến đúng thời điểm, đúng người cần giúp đỡ thì không thể không có vai trò của việc kết nối và lan tỏa thông tin. Vai trò kết nối những hoàn cảnh khó khăn được thực hiện thông qua tất cả các kênh thông tin: Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, nhân đạo, là mạng xã hội facebook, zalo, tiktok... Sức lan tỏa của thông tin đã giúp cho nhiều hộ nghèo được hỗ trợ bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ trẻ em nghèo đi học, khám chữa bệnh... hay hỗ trợ đột xuất cho người nghèo khi đau ốm, thiên tai. Từ đó, tác giả khẳng định: Dù làm bất cứ điều gì thì việc đúng người, đúng thời điểm chính là điều quan trọng nhất, đối với người nghèo thì được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời sẽ giúp họ có động lực quyết tâm vượt qua hoàn cảnh để vươn lên.
Xoay quanh chủ đề vì người nghèo, ấn phẩm có các bài viết đáng chú ý sau:
- Không để ai bị bỏ lại phía sau của Trần Liên (trang 2+3).
- Chung tay xóa nhà dột nát của Trang Tâm (trang 4).
- Những người dũng cảm của Huy Hoàng (trang 5).
Cùng với các nội dung thời sự, ấn phẩm có chuyên trang văn học, nghệ thuật với các bài viết nhẹ nhàng, sâu lắng để bạn đọc có góc thư giãn tinh thần ý nghĩa trong ngày nghỉ cuối tuần:
- Chuyên mục Tác giả - tác phẩm giới thiệu gương mặt nhạc sỹ Đinh Quang Minh qua bài viết Đắm đuối với thành Tuyên của tác giả Giang Lam (trang 7).
- Truyện ngắn: Trăng hạ tuần của Bùi Quang Khánh (trang 8)
- Thơ (trang 9): Mưa Tuyên Quang (Bùi Việt Phương), Chiều Na Hang (Hà Thế Đô), Chiều ngõ vắng (Mộng Tuyền), Giấc mơ trên lưng (Ngô Bá Hòa).
- Chuyên mục Ẩm thực xứ Tuyên (trang 11) giới thiệu món Cá chép ruộng nướng độc đáo của đồng bào vùng cao.
Ấn phẩm tiếp tục duy trì các chuyên mục quen thuộc, gần gũi với độc giả: Tản văn, Mỗi tuần một cuốn sách, Tin tốt trong tuần, Thể thao...
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Gửi phản hồi
In bài viết