Bàn luận về chủ đề này, nhà báo Thái An có bài viết trong chuyên mục Diễn đàn với tiêu đề: Cần biết "ra đề" (trang 3).
Sau khi được người quen ở nước ngoài tạo giúp một tài khoản dùng Chat GPT, tác giả đã có những trải nghiệm thú vị: Tôi nhận thấy khi mình chat (ra đề bài) càng hay, sẽ được câu trả lời càng tốt. Khi tôi ra đề: “Tuyên Quang có những điểm đến nổi tiếng nào?”, câu trả lời nhận được là “Tuyên Quang có rất nhiều điểm đến nổi tiếng cho du khách tham quan, bao gồm Chùa Pháp Vân, Dinh Đại Việt, rừng nguyên sinh Nậm Sỏ…Ngoài ra, Tuyên Quang còn có nhiều điểm đến khác như Hồ Tuyền Lâm, Vịnh Hạ Long, và nhiều địa điểm du lịch tự nhiên và văn hóa độc đáo khác” (!). Dù thấy sai bét, nhưng khi tôi hỏi về các ý tưởng sáng tạo cho cơ quan báo chí, câu trả lời lại khá hoàn hảo. Từ trải nghiệm thực tế, tác giả khẳng định, dù hào hứng với Chat GPT đến mấy, chúng ta cũng nên ứng xử một cách nghiêm túc trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm gì, dùng như thế nào trong công việc hàng ngày.
Đồng quan điểm với nhà báo Thái An, nhà báo Đức Anh có bài viết: ChatGPT và đời sống, việc làm (trang 2). Tác giả cho rằng: ChatGPT chỉ có thể thay thế trí tuệ, không thể thay thế cảm xúc hay đạo đức, ý tưởng, trải nghiệm của con người. Trí tuệ nhân tạo nói chung không tiến bộ hơn con người, bởi đó là sản phẩm do con người tạo ra. Nhìn nhận ảnh hưởng của ChatGPT đối với các ngành nghề hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng: Đây là tiếng chuông cảnh báo cho những người đang cảm thấy an toàn và bằng lòng với công việc hiện tại. ChatGPT là một sản phẩm hữu ích đối với những người biết sử dụng nó phù hợp với mục đích lao động, học tập hay vui chơi, giải trí...Và người dùng cần biết tận dụng ChatGPT để nâng cao hiệu quả công việc của mình.
Sự ra đời của công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên ChatGPT đã khuấy đảo thế giới công nghệ, số người dùng công nghệ này đã cán mốc 100 triệu người, trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Bên cạnh sự thông thái, ChatGPT cũng bộc lộ những nhược điểm, nhiều nhà khoa học và người đang sử dụng cho rằng cần biết ứng dụng hiệu quả và không nên quá lạm dụng ChatGPT. Để làm rõ hơn những vấn đề này, phóng viên Báo Tuyên Quang có bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông với tiêu đề: Ứng xử với ChatGPT (Thủy Châu, trang 2+3).
Xoay quanh chủ đề về ChatGPT, ấn phẩm còn có bài viết: Trải nghiệm ChatGPT (Minh Hoa, trang 4) và ý kiến của đại diện ngành chức năng, trường học, các bậc phụ huynh, học sinh về ChatGPT (trang 5).
Chuyên mục Nhịp cầu nhân ái (trang 11) giới thiệu hoàn cảnh đáng thương của em Quách Đình Tú, xóm Nhà Thờ, xã Chân Sơn (Yên Sơn). Em sinh năm 1998, bị tai nạn nằm một chỗ và đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Gia đình em rất khó khăn, không có tiền thuốc chạy chữa cho em, rất mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.
Đến với phóng sự ảnh Mùa hoa xuân xứ Tuyên của Quốc Việt, các bạn đừng quên xách ba lô để đến với vườn hoa mận ở Nà Héc, xã Yên Lập (Chiêm Hóa), hay vườn hoa lê Hồng Thái (Na Hang), check in bên đường hoa mận, hoa đào ở đèo Khau Lắc (Lâm Bình)... vào ngày cuối tuần nhé.
Bên cạnh nội dung thời sự, ấn phẩm duy trì trang văn học, nghệ thuật có nội dung nhẹ nhàng, sâu lắng dành tặng bạn đọc yêu văn chương:
- Văn học mạng - Tiện ích và bất cập (Trần Liên, trang 6)
- Một lòng một dạ cùng thi ca (Giang Lam, trang 7)
- Truyện ngắn Món quà tình yêu (Y Nguyên, trang 8)
- Thơ (trang 9): Làng quê vào hội (Nguyễn Anh Đào), Đã thấy xuân về (Trần Cự); Chuyện tình bên sông Gâm (Nguyễn Hữu Dực).
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Gửi phản hồi
In bài viết