Đón đọc báo Tuyên Quang cuối tuần phát hành ngày 2-7

- Khoa học và công nghệ được coi là “xương sống”, đang trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp vô cùng quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vậy làm thế nào để các đề tài khoa học được áp dụng vào thực tiễn là vấn đề đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Đó cũng chính là thông điệp báo Tuyên Quang cuối tuần kỳ này gửi đến độc giả với chủ đề: Từ nghiên cứu đến thực tiễn.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, nhà báo Thái An có bài viết trong chuyên mục Diễn đàn với tiêu đề: Thiết thực hơn nữa (trang 3). Theo tác giả, bên cạnh đội ngũ nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, có những nông dân chưa từng học qua lớp đào tạo nào nhưng vẫn có những sáng chế vô cùng hữu ích. Trong khi có những đề tài khoa học được ngân sách Nhà nước tài trợ nghiên cứu nhưng vẫn cất trong ngăn kéo, thì những sáng chế của nông dân chưa từng được đào tạo này đang được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thật đáng trân trọng. Thái An bày tỏ quan điểm: Tuy nhiên, việc trân trọng và khen thưởng những “nhà sáng chế không chuyên” như trên vẫn là chưa đủ. Rất cần quan tâm hơn nữa để họ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, giúp họ sản xuất quy mô công nghiệp và thương mại hóa được sản phẩm ra thị trường.  Và quan trọng, họ cần được hỗ trợ bằng cách ưu đãi vốn vay, thuế, hỗ trợ tiêu thụ, bảo hộ sáng chế…để ngày càng có thêm nhiều người được hưởng lợi từ các sáng chế.

Đồng quan điểm với nhà báo Thái An, nhà báo Phương Đông khẳng định: Để nghiên cứu khoa học tạo thành phong trào và ngày càng có nhiều đề tài khoa học có tầm cỡ, tính ứng dụng cao, bên cạnh các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích cho lĩnh vực này, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cũng cần khuyến khích, tạo môi trường cho cán bộ tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, có kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, để thúc đẩy phong trào. Đồng thời có cơ chế khuyến khích, đãi ngộ xứng đáng để mọi người tham gia tích cực hơn vào công việc cần thiết này. Toàn bộ nội dung này được chuyển tải trong chuyên mục Chuyện cuối tuần với tiêu đề: Cần cơ chế khuyến khích xứng đáng (trang 2).

Ở tỉnh ta, hoạt động nghiên cứu khoa học đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, làm sao để các đề tài khoa học, dự án nghiên cứu ứng dụng có tính khả thi cao và sức sống lâu dài trong đời sống xã hội là bài toán đang đặt ra hiện nay. Các nội dung này được phân tích qua các bài viết:

Từ nghiên cứu đến thực tiễn, tác giả Thủy Châu (trang 2+3).

Doanh nghiệp đổi mới công nghệ: Cần thêm các dự án hỗ trợ, tác giả Trần Liên (trang 4).

 Thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tác giả Vân Anh (trang 5).

 Chuyên mục Tác giả - Tác phẩm kỳ này là gương mặt nghệ sỹ khá quen thuộc trong giới văn nghệ sỹ: Lê Cường và múa dân gian

Truyện ngắn Chiều muộn của Y Nguyên (trang 8).

Trang thơ số này giới thiệu chùm thơ của Nguyễn Đức Hạnh - người con của quê hương Tuyên Quang. Anh tốt nghiệp khoa Ngữ - Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, bảo vệ Tiến sĩ tại Viện Văn học (2003), hiện đang công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 3 bài thơ được đăng rút từ tập Bởi vì mây vẫn trắng của anh, vừa xuất bản năm 2022 .

Đọc Tuyên Quang cuối tuần kỳ này, độc giả còn được sống lại không khí sôi động trong những ngày diễn ra Đại hội thể dục thể thao toàn tỉnh qua phóng sự ảnh: Ấn tượng một kỳ đại hội (trang 12).

Cùng với các vấn đề thời sự, ấn phẩm duy trì các chuyên mục quen thuộc để bạn đọc thư giãn ngày cuối tuần: Mỗi tuần một cuốn sách, Tản văn, Tin tốt trong tuần, Ẩm thực xứ Tuyên, Thể thao…

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục