Năm nay Tuyên Quang xây dựng Lễ hội thành Tuyên quy mô cấp quốc gia. Và không khí lễ hội đã diễn ra trước đó cả tháng. Điều này cũng gây ra một số băn khoăn rằng, con trẻ lấy đâu thời gian để học bài. Phản biện về vấn đề này, nhà báo Thái An có bài viết trong chuyên mục Diễn đàn với tiêu đề: Học từ lễ hội (trang 3). Tác giả phân tích, các mô hình đèn trung thu quá phong phú những tích, trò dân gian lẫn hiện đại – phải bằng mấy những bài học về chuyện ngụ ngôn hay cổ tích trong sách giáo khoa ấy chứ. Đêm đêm, có hàng trăm cảnh sát làm nhiệm vụ, hàng nghìn người lớn điều khiển xe mô hình, cùng nhảy múa…chỉ để cho các xe rước đèn lưu thông trôi chảy và trẻ em được hưởng niềm vui trọn vẹn – phải bằng cả vạn lần hô khẩu hiệu “tất cả vì trẻ em” ấy chứ. Ấy là còn chưa kể, từ cả vài tháng trước đó, các khu dân cư đã tổ chức họp bàn lựa chọn ý tưởng và thi công các mô hình. Chưa kể các gia đình đã góp tiền của, công sức để có được những đèn trung thu khổng lồ, lung linh rực rỡ cho con trẻ. Những lập luận của tác giả giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện, tích cực hơn từ lễ hội nhiều ý nghĩa này, đó chính là để trẻ em được học từ chính lễ hội.
Tết Trung thu, trẻ em xứ Tuyên đã và đang nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng. Điều này được thể hiện qua Lễ hội Thành Tuyên lớn nhất Việt Nam. Cùng với tổ chức các hoạt động tại thành phố Tuyên Quang, các địa phương trong tỉnh cũng đã đồng loạt triển khai các hoạt động vui chơi, tổ chức chương trình vui Tết Trung thu cho trẻ em với nhiều cách làm, hình thức khác nhau. Đặc biệt là các hoạt động chăm lo tổ chức Tết Trung thu cho các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung, đó là tạo ra một bầu không khí Trung thu vui tươi và ý nghĩa cho các em. Đó thực sự là một “Trung thu đáng tự hào” như bài viết của nhà báo Phương Đông (trang 2) đã khẳng định.
Trong “Thơ tặng các cháu nhi đồng” năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn Bác:
Mong các cháu cho ngoan,
Mai sau gìn giữ giang san Lạc-Hồng
Sao cho nổi tiếng Tiên-Rồng
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam
Và mỗi độ Trung thu, từ chính tình yêu thương, đồng hành của cả cộng đồng, thiếu nhi Tuyên Quang, cùng với thiếu nhi cả nước, ngày càng tự tin, vững bước họa nên một tương lai “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”! Tất cả nội dung này có trong các bài viết:
- Trung thu yêu thương (Trần Liên, trang 2+3)
- Những nghệ nhân múa lân – sư – rồng (Huy Hoàng, trang 4)
- Những bài học nhân văn (Thuỷ Châu, trang 5)
Trang Văn học - nghệ thuật giới thiệu bài viết: Khát vọng của quán quân Rap Việt Bùi Xuân Trường (Hoàng Niềm, trang 7). Rapper Double2T Người miền núi chất, Bùi Xuân Trường có buổi biểu diễn tại Chương trình du lịch qua miền di sản Việt Bắc vào tối 22 -9 tại TP Tuyên Quang.
Trung thu trong cảm nhận của các nhà thơ, nhà văn thật nhiều màu sắc, gợi chúng ta biết bao cảm xúc. Đọc truyện ngắn: Trung thu hạnh phúc (Tuyết Luôn Võ, trang 8)) với câu chuyện nhẹ nhàng nhưng rất đời thường đã thực sự chạm tới trái tim của người đọc. Hay các thi phẩm (trang 9): Miền cổ tích (Thanh Hà), Lưng chừng Na Hang (Đinh Xuân Trường), Trung thu đón bạn (Đỗ Thị Thanh Hương), Thành Tuyên vào Thu (Dương Đình Lộc) với những dòng cảm xúc tươi mới về mùa thu ở xứ Tuyên, nhất là dịp trăng rằm tháng Tám.
Đến với Tuyên Quang dịp này, du khách đừng quên đến với chương trình trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt và Lễ hội bia Hà Nội, diễn ra vào ngày 22 - 24-9. Ở đó có hơn 100 món ngon nức tiếng cả nước, trong đó nhiều món OCOP xứ Tuyên. Và chuyên mục Món ngon cuối tuần (trang 12) gợi ý một vài món ăn để du khách cùng bạn bè, người thân thưởng thức trong ngày cuối tuần.
Cùng với nội dung thời sự về mùa Trung thu ở xứ Tuyên, ấn phẩm duy trì chuyên mục quen thuộc, được bạn đọc yêu thích: Trao đổi – Nghiên cứu, Tản văn, Mỗi tuần một cuốn sách, Tin tốt trong tuần…
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Gửi phản hồi
In bài viết