Khẳng định tầm quan trọng của gia đình, nhà báo Đức Anh có bài viết trong chuyện mục Chuyện cuối tuần với tiêu đề: Gần nhau để hiểu nhau hơn (trang 2). Tác giả dẫn chuyện của một cụ bà phàn nàn rằng, bà ở quê ra thành phố chơi với con cháu. Thế như hầu hết bà phải ở một mình. Các con cả ngày đi làm, đi học, đến tối về nhà có ăn với nhau bữa cơm nhưng cũng rất chóng vánh rồi ai có việc của người ấy. Cuối tuần thường gặp gỡ bạn bè, đối tác làm ăn nên có khi đến tối muộn với về. Bà ở nhà cùng các cháu nhưng mỗi cháu đều suốt ngày dán mặt vào máy tính, điện thoại. Từ đó, tác giả đặt câu hỏi: Đã có nhiều tranh cãi về quan niệm con cái có nên cho ngủ riêng từ bé hay không? Có cho con sử dụng điện thoại không? Và những cái đó có phải là nguyên nhân chính dẫn tới xa cách giữa ông bà, cha mẹ và con cái? Cuối cùng, Đức Anh khẳng định: Dù gì thì muốn hiểu nhau cần phải gần nhau nhiều hơn, cha mẹ gần gũi con cái nhiều hơn sẽ thấu hiểu tâm tư tình cảm của con và con cũng được chia sẻ, được quan tâm yêu thương thường xuyên, kịp thời. Từ đó mới tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, cùng xây đắp gia đình bền chặt, hạnh phúc.
Ở một góc nhìn khác, nhà báo Đức Hải nói về nền nếp trong gia đình lớn trong đồng bào dân tộc Tày với những nét văn hóa vô cùng đáng quý. Ở đó, có tôn ti trật tự rõ ràng; lễ, hiếu, nghĩa... được thể hiện trong từng nếp ăn, ý ở cũng như giao tiếp hàng ngày. Tác giả còn phát hiện ra cái hay trong cách giáo dục con cái trong đồng bào Tày là tuyệt nhiên không mắng chửi, không đòn roi... Ở đó, mỗi đứa trẻ lớn lên tự hình thành những thói quen từ ông bà, cha mẹ để lại, rồi trở thành văn hóa gia đình. Đó là nơi để những người con xa quê mong muốn trở về, để tìm cảm giác ấm cúng, bình yên. Toàn bộ nội dung này được chuyển tải qua bài viết: Nơi để trở về (trang 3).
Xoay quanh chủ đề về gia đình, ấn phẩm có các bài viết đáng chú ý sau:
- Văn hóa gia đình (Trần Liên, trang 2+3)
- Dũng cảm lên tiếng khi bị bạo lực gia đình (Huy Hoàng, trang 4).
- Hạnh phúc của người trẻ (Thủy Châu, trang 5)
Trang văn học - nghệ thuật giới thiệu ca sỹ Hương Ly, sinh năm 1995 của Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh qua bài viết Dấu ấn Hương Ly (Quang Hòa, trang 6); Nhà văn Đỗ Bích Thúy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) của Giang Lam (trang 7). Sau hơn 20 năm cầm bút chị đã cho ra đời 23 cuốn sách gồm cả truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn. Đặc biệt có những tiểu thuyết được chuyển thể thành những bộ phim “ăn khách” của điện ảnh Việt như: Chuyện của Pao, Lặng im dưới vực sâu, Chúa đất….
Trang 8 là truyện ngắn: Buổi chiều gặp lại của Lê Na
Trang 9 giới thiệu bài thơ: Về chậu hoa giấy ở hành lang (Thúy Quỳnh), Sắc chàm (Thèn Hương).
Chuyên mục Đến với bài thơ hay kỳ này giới thiệu tác phẩm: Con dao của mẹ của Tống Đại Hồng - bài thơ đoạt giải Nhì cuộc thi thơ Tuyên Quang năm 2021.
Trang 12 giới thiệu cụm ảnh: Thác Nặm Me - tiên cảnh nơi đại ngàn của Hà Ngọc Hà. Thác Nặm Me Tuyên Quang với tổng chiều cao 200 mét chia thành 15 tầng, là một thác nước vô cùng xinh đẹp và hùng tráng trên mảnh đất Lâm Bình, Tuyên Quang. Nếu đi du lịch xứ Tuyên vào mùa hè và đến thăm con thác này, bạn sẽ càng cảm nhận trọn vẹn hơn vẻ đẹp của núi rừng và sự mát dịu mà ngọn thác mang lại.
Cùng với các nội dung thời sự, ấn phẩm có các trang viết nhẹ nhàng qua chuyên mục: Tản văn, Mỗi tuần một cuốn sách, Ẩm thực xứ Tuyên...
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Gửi phản hồi
In bài viết