Đón đọc báo Tuyên Quang cuối tuần phát hành ngày 24-9

- OCOP chính là báu vật của mỗi làng quê, thấm đẫm giá trị văn hóa, bản sắc địa phương. Do đó, mỗi sản phẩm OCOP phải chứa đựng những câu chuyện về mảnh đất và con người nơi đó để chạm đến cảm xúc, trái tim của người mua sắm. Đây chính là yếu tố then chốt để sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thương trường. Đó cũng là thông điệp ấn phẩm cuối tuần kỳ này gửi đến bạn đọc với chủ đề: Tạo giá trị mới cho nông sản.

Làm rõ hơn chủ đề này, nhà báo Thái An có bài viết: Bán những câu chuyện trong chuyên mục Chuyện cuối tuần (trang 2)

Tác giả dẫn chứng: Mới đây, khi trò chuyện với nông dân xã nông thôn mới kiểu mẫu Thái Bình, Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan đã có những gợi ý về việc nâng giá trị cho nông sản. Bộ trưởng cho rằng, mỗi địa phương cần tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, để nông dân không chỉ bán sản phẩm OCOP, mà bán cả một câu chuyện.

Từ câu chuyện của Bộ trưởng, Thái An khẳng định: Mỗi tên đất, tên làng của Tuyên Quang đều mang những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, tạo nên những giá trị riêng. Nếu tích hợp được để thành thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, sẽ tạo đà để kích hoạt những tiềm năng khác như du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Ví như người dùng gạo Bao thai Tân Trào sẽ biết đến A.T.K - Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến; thưởng thức bưởi Soi Hà, Xuân Vân sẽ biết đến trận địa lôi km 7; dùng nhãn Bình Ca, mật ong Thái Bình sẽ nhớ đến Chiến thắng Bình Ca - chiến công đầu tiên mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác của quân và dân ta trên Sông Lô trong kháng chiến chống Pháp… Việc tạo ra sự khác biệt, những câu chuyện của sản phẩm nông nghiệp chính là để tạo ra những chất lượng mới cho sản phẩm, để có giá trị cao hơn, thu nhập cao hơn.

Đồng quan điểm với nhà báo Thái An, theo nhà báo Đức Anh, để tạo giá trị mới cho nông sản, vấn đề đặt ra là: Cần người đồng hành. Nội dung này được chuyển tải trong chuyên mục Diễn đàn (trang 3). Tác giả dẫn chứng câu chuyện về du khách đặt sản phẩm OCOP Tuyên Quang nhưng phải rất lâu sau mới nhận được sản phẩm. Lý do của chủ sản xuất là làm chưa xong, chưa đủ hàng vì thiếu thợ làm việc... Với quãng thời gian chờ đợi như vậy, khi món quà này đến tay khách hàng thì sự háo hức, thích thú đã giảm đi rất nhiều.

Tác giả bày tỏ quan điểm: Để thúc đẩy tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm, khâu quảng bá đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, để tiêu thụ sản phẩm OCOP, cùng với hoạt động xúc tiến thương mại thì cẩn phải có các điểm bán, trưng bày sản phẩm OCOP ở những điểm du lịch, trung tâm thành phố, thị trấn. Người dân làm ra sản phẩm nhưng rất cần người đồng hành trong quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ thì hàng hóa mới đến được với người tiêu dùng.

 Xoay quanh chủ đề về sản phẩm OCOP, ấn phẩm có các bài viết đáng chú ý sau:

- Tạo giá trị mới cho nông sản của Thủy Châu (trang 2+3).

- "Đại gia" làm nông nghiệp của Đoàn Thư (trang 4)

- Khoa học nâng giá trị nông sản của Trần Liên (trang 5)

Trang văn học, nghệ thuật số giới thiệu Cây văn xuôi Quang Khánh (trang 7), lắng nghe chia sẻ của nhà thơ  Inrasara qua bài viết Tìm hướng đi riêng và khác lạ của Giang Lam (trang 6).

Trang thơ là dòng cảm xúc đầy thi vị về mùa thu qua các các tác phẩm: Thu về nhớ đất quê của Bùi Hữu Thêm, Mùa thu Tuyên Quang của Nguyễn Anh Đào, Lau trăng của Nguyễn Văn Song (trang 9)

Truyện ngắn: Tiếng sáo của Trần Huy Vân (trang 8)

Ấn phẩm duy trì các chuyên mục nhẹ nhàng: Tản văn, Mỗi tuần một cuốn sách, Tin tốt trong tuần, Ẩm thực xứ Tuyên...

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục