Bàn luận về chủ đề này nhà báo Thái An có bài viết trong chuyên mục Diễn đàn với tiêu đề: Chính là văn hóa (trang 3)
Tác giả phân tích: Tuyên Quang với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa ẩm thực, tập tính người dân thân thiện cởi mở...đã và đang thu hút du khách với loại hình du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên các điểm homstay cũng đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là các sản phẩm du lịch na ná nhau không có sức hấp dẫn, bản sắc văn hóa của địa phương bị lai tạp, nhiều nét hay, riêng biệt vùng miền có nguy cơ mai một. Cá biệt, vẫn còn hiện tượng chụp giật, ép giá...
Những hạt sạn đó khiến không thu hút được khách du lịch lưu lại lâu và sẽ quay trở lại.
Từ đó, tác giả cho rằng: Cần khắc phục các hạn chế đã nêu trên bằng cách “làm giàu” các tài nguyên DLCĐ như các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, các phong tục tập quán tốt đẹp, bản sắc văn hóa đặc sắc để thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông và khách du lịch.
Chính việc gìn giữ, thực hành và lan tỏa các giá trị văn hóa bản địa là chìa khóa để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, từ đó gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân.
Đồng quan điểm trên, nhà báo Phương Đông khẳng định: du lịch cộng đồng ở Tuyên Quang hiện đang được đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, cần có một chiến lược phát triển dài hạn bài bản, rõ ràng và cụ thể hơn. Trong đó, cần có cơ chế chính sách cụ thể từ phía nhà nước để khơi dậy sức dân làm du lịch cộng đồng. Có cơ chế, chính sách tạo cơ hội để người dân, các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành có thể cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, đầu tư hạ tầng du lịch, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho người dân nhưng phải đảm bảo các yếu tố giữ gìn cảnh quan môi trường, phong tục tập quán, truyền thống văn hoá. Toàn bộ nội dung bài viết được chuyển tải trong chuyên mục Chuyện cuối tuần với tiêu đề: Cũng là sinh kế (trang 2).
Với lợi thế về cảnh quan và văn hoá, Tuyên Quang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch này hiện vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Tất cả sẽ được làm sáng rõ qua bài phỏng vấn ông Phạm Hải Quỳnh –Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) về nguyên nhân và giải pháp cần tập trung triển khai để du lịch cộng đồng của Tuyên Quang bứt phá; ý kiến của lãnh đạo ngành chuyên môn, địa phương và người dân về vấn đề này (trang 4+5); bài phân tích của nhà báo Giang Lam: Tạo giá trị bền vững cho du lịch cộng đồng (trang 2+3).
Cùng với nội dung thời sự, trang Văn học - Nghệ thuật kỳ này có các bài viết:
- Nỗi lo thiếu diễn viên trẻ (Trần Liên, trang 6).
- Nhạc sỹ Minh Dũng với những sáng tác về xứ Tuyên (Quang Hoà, trang 7).
Ấn phẩm dành tặng bạn đọc yêu văn chương các bài viết nhẹ nhàng, sâu lắng qua truyện ngắn: Bản mới (Nông Quang Khiêm, trang 8); thơ (trang 9): Mùa báo hiếu (Nguyễn Trung Du), Nhớ mẹ (Trần Văn Lan), Vu lan nhớ cha (Nguyễn Thủy), Tiết ngâu ( Đinh Xuân Trường).
Ấn phẩm duy trì các chuyên mục quen thuộc, gần gũi để bạn đọc thư giãn ngày cuối tuần: Tản văn, Mỗi tuần một cuốn sách, Đời có người như thế...
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Gửi phản hồi
In bài viết