Đón đọc báo Tuyên Quang cuối tuần phát hành ngày 27-11

- Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 24-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tự hào thay, Tuyên Quang - mảnh đất 22 dân tộc đã và đang thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa. Đó cũng là nội dung chính ấn phẩm Tuyên Quang cuối tuần kỳ này giới thiệu cùng bạn đọc với chủ đề Hồn cốt xứ Tuyên.

Tuyên Quang hiện có 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghi lễ Then và Lễ hội Lồng tông của người Tày; nghi lễ Cấp sắc và hát Páo dung của người Dao; kéo co truyền thống; hát Sình ca của người Cao Lan; hát Soọng cô của người Sán Dìu; lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La của thành phố Tuyên Quang; Lễ hội đình Thọ Vực, huyện Sơn Dương; Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ. Đặc biệt, toàn tỉnh có tổng cộng trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 138 di tích quốc gia, trên 250 di tích cấp tỉnh.

Giữ gìn kho báu đồ sộ của cha ông, tỉnh đã có nhiều giải pháp quan trọng. Nội dung này có trong bài viết Cộng đồng với bảo tồn di sản văn hóa của nhà báo Mai Linh (trang 2).

Bài báo nêu hai phương thức bảo tồn có ý nghĩa khoa học và thực tiễn: một là bảo tồn “tĩnh”, tức là bảo tồn dưới dạng điều tra, sưu tầm, thu thập các dạng thức văn hoá phi vật thể như nó hiện có và lưu giữ trong sách, vở, ghi chép, băng hình, băng tiếng, ảnh…; hai là bảo tồn “động”, nghĩa là bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể đó ngay trong đời sống cộng đồng. Từ đó, Mai Linh nhấn mạnh, việc bảo tồn giá trị văn hoá phi vật thể của các dân tộc thiểu số muốn được thực hiện có hiệu quả thì vai trò của cộng đồng là vô cùng quan trọng. Bởi cộng đồng là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng và cũng là nơi bảo tồn tốt nhất các già trị văn hoá truyền thống.

"Gắn di sản với du lịch", đó là cách bảo tồn hiệu quả, thiết thực được nhà báo Thái An đề cập trong chuyên mục Diễn đàn (trang 3).

Để làm được điều này, tác giả cho rằng, cần quan tâm đến vai trò của chủ nhân di sản - đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, cần phát huy vai trò của các nhà khoa học, nhà tư vấn trong việc bảo tồn và phát huy di sản, vai trò của  nhà nước trong việc quản lý di sản và điều hòa lợi ích giữa các bên; tạo thành sự kết hợp hữu cơ, mật thiết giữa người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước.  Có như vậy, mới thực sự gắn di sản văn hóa với du lịch, vừa nâng cao giá trị di sản, vừa nâng cao thu nhập cho người dân với vai trò là chủ thể của các di sản.

Xoay quanh chủ đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, số báo có các bài viết đáng chú ý sau:

- Hồn cốt xứ Tuyên của tác giả Giang Lam (trang 2+3)

- Nghệ nhân của làng, phóng sự Trần Liên (trang 4).

- Tuổi trẻ với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tác giả Minh Thủy (trang 5).

- Đau đáu với văn hóa xứ Tuyên, tác giả Quang Hòa (trang 6).

- Cụm ảnh: Thực hành tín ngưỡng của Quang Hòa, Hoàng Niềm (trang 12)

Đến hẹn lại lên, trang thơ, truyện ngắn tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc các bài thơ, câu chuyện nhẹ nhàng ấm áp về tình đời, tình người, cảnh đẹp của quê hương:

- Dòng sữa chia đôi, truyện ngắn của Trần Xuân Thụy (trang 8).

- Các bài thơ; Cỏ mật (Đỗ Văn Xuân), Nắng ấm đầu đông (Nguyễn Thị Kim Thu), Vụ đông (Nguyễn Anh Đào), Uống thơm (Đức Sơn) - trang 9.

Ấn phẩm duy trì các chuyên mục: Tác giả - Tác phẩm, Tản văn, Mỗi tuần một cuốn sách, Tin tốt trong tuần, Quốc tế... với nhiều nội dung thời sự, hấp dẫn.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Tin cùng chuyên mục