Trang 2+3 gồm 3 bài viết tập trung làm rõ thực trạng về bạo lực học đường, nguyên nhân và một số giải pháp khắc phục tình trạng này. Trong đó, nhà báo Thái An dẫn chứng: Theo một số liệu của Bộ Giáo dục và đào tạo, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công an mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Dư luận đang cho rằng, bạo lực học đường đang nặng hậu quả mà nhẹ giải pháp. Từ đó, tác giả đề xuất, khắc phục tình trạng này, cần trách nhiệm chung của cả gia đình, nhà trường và xã hội – ba yếu tố quan trọng đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục. Bạn đọc có thể theo dõi toàn bộ nội dung bài viết trong chuyên mục Diễn đàn với tiêu đề: Để đến trường vui (trang 3).
Ở góc nhìn của nhà báo Đức Anh, thì bạo lực học đường thể hiện ở nhiều hình thức và có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến việc kiểm soát hành vi, kiểm soát cảm xúc. Kiểm soát cảm xúc cũng là tiêu đề của bài báo được chuyển tải qua chuyên mục Chuyện cuối tuần (trang 2). Tác giả kể câu chuyện cụ thể về một nam sinh từ thời phổ thông, người học giỏi, thông minh, có chỉ số IQ cao nhưng chỉ số cảm xúc EQ thì ngược lại mà nguyên nhân phần nào do hoàn cảnh gia đình: Bố bỏ đi, mẹ bạn ấy đi làm xa nên bạn ở cùng ông bà ngoại. Và tác giả bày tỏ quan điểm: Để học sinh kiểm soát được hành vi, cảm xúc, góp phần hạn chế bạo lực học đường thì học sinh cần được giáo dục, định hướng, xử lý trong từng tình huống cụ thể. Các con cần được lắng nghe và chia sẻ, được sống trong môi trường lành mạnh, nhân ái để trở thành một con người toàn diện sau này.
Nhà báo Huy Hoàng khẳng định: Trường học là môi trường đông người, mỗi học sinh một tính cách khác nhau do đó không tránh khỏi những va chạm hoặc những xích mích. Việc sớm hóa giải những mâu thuẫn nhỏ sẽ giúp ngăn chặn bạo lực học đường hiệu quả. Bên cạnh đó là việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cũng chính là giải pháp hữu hiệu giúp loại bỏ bạo lực học đường từ trong trứng nước. Đây là thông điệp được đưa ra trong bài viết Ngăn chặn bạo lực học đường (trang 2+3).
Xung quanh chủ đề thời sự này, Tuyên Quang cuối tuần còn nhận được ý kiến của đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn, trường học, phụ huynh và học sinh về một số giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường (trang 4); phóng sự “Kiến trúc sư” của những ngôi trường hạnh phúc (Lê Thùy, trang 4) cũng góp thêm giải pháp hiệu quả giảm thiệu thực trạng trên.
Chuyên mục Tác giả - Tác phầm (trang 7) kỳ này giới thiệu gương mặt Nghệ sỹ Ưu tú Hoàng Lâm Tùng, sinh năm 1974, quê Tuyên Quang. Hiện anh đang công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam. Anh là gương mặt quen thuộc với nhiều khán giả trong hàng chục năm qua. Không chỉ thành công trên sân khấu kịch, người con xứ Tuyên còn tham gia nhiều phim truyền hình dài tập. Trong đó, phải kể đến vai diễn lớn như vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bộ phim Sống cùng lịch sử.
Trang 8 là truyện ngắn: Người mắc lỗi của Nông Quang Khiêm
- Trang 9 giới thiệu Nét bút tri ân và bài thơ Trăng ơi... từ đâu đến của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa.
- Chuyên mục Nhịp cầu nhân ái (trang 11) giới thiệu hoàn cảnh đáng thương của cậu học trò bị mắc bệnh viêm não cần sự giúp đỡ: Chuẩn bị bước vào thi học kỳ II - năm học 2022-2023, em Đặng Tuấn Văn, sinh năm 2006, dân tộc Dao, thôn Văn Nham, xã Hùng Đức (Hàm Yên), không may bị mắc bệnh viêm não, đang được điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Em là học sinh lớp 11B4, trường THPT Thái Hòa.
Ấn phẩm duy trì các chuyên mục quen thuộc với độc giả yêu Tuyên Quang cuối tuần: Tản văn, Mỗi tuần một cuốn sách, Ẩm thực xứ Tuyên...
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Gửi phản hồi
In bài viết