Đôn đốc, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm trong việc giải ngân vốn đầu tư công

Sáng 26/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng tham dự hội nghị.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Lê Văn Thành đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru) rất mạnh dự kiến sắp đổ bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo nóng về phòng, chống lụt bão, theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, nhất là các tỉnh miền trung tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác này.

Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Thủ tướng cho biết vừa gọi điện cho lãnh đạo một số tỉnh, thành phố khu vực ở miền trung để nắm tình hình và chỉ đạo phòng, chống bão; lưu ý tâm lý người dân vẫn chủ quan trước khi bão đổ bộ mà “trời quang, mây tạnh”; nêu rõ một số bài học kinh nghiệm trước đây khi bão lớn đổ bộ vào.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; theo dõi sát diễn biến của bão số 4, triển khai nghiêm các công điện, chỉ đạo phòng, chống bão của Trung ương; phải rà soát kỹ nhiều công việc, đó là phải kêu gọi ngư dân đánh cá về bờ tránh bão, không cho tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản; kiểm tra kỹ, bảo đảm an toàn các hồ, đập thủy lợi, thủy điện, lồng bè thủy hải sản, có phương án bảo vệ, gia cố, khắc phục, tránh mọi sự cố đáng tiếc; Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải chú ý đề phòng sạt lở đất thường xảy ra bất ngờ khi mưa lớn. Theo Thủ tướng, người dân vẫn có tâm lý chủ quan, lúc bão to, mưa lớn mới sơ tán thì khó ứng cứu.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan phải tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bão, di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm; có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Thủ tướng khẳng định, biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, do đó, các cấp, các ngành, các địa phương phải có trách nhiệm tích cực phòng, chống thiên tai, lụt bão, góp phần chung tay bảo vệ Trái đất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị.

Về việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ, đây là công việc hết sức quan trọng nhưng cũng là điểm yếu của chúng ta ngay từ đầu năm. 9 tháng qua, tình hình giải ngân vẫn chưa được cải thiện nhiều. Theo Thủ tướng, giải ngân tốt sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong thời điểm khó khăn này.

Thủ tướng nêu rõ, trong chính sách tài khóa và trong phương châm “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không” của Chính phủ cũng đều nêu rõ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm đã xảy ra nhiều năm nay. Sau đại dịch Covid-19, chúng ta phải thúc đẩy tăng trưởng, tạo sinh kế cho người dân bằng nhiều giải pháp, trong đó có thúc đẩy đầu tư công bởi việc này sẽ tạo không gian phát triển mới, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề cần phải “mổ xẻ” hết sức nghiêm túc tại hội nghị này. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng liên tục có các Nghị quyết, Chỉ thị về vấn đề này; phân công rõ trách nhiệm trong đôn đốc, kiểm tra. Vậy tại sao tình hình vẫn không chuyển biến ? Thủ tướng đề nghị làm rõ vấn đề yếu ở khâu nào? Khâu chuẩn bị đầu tư hay các văn bản pháp luật có vướng mắc không, vướng ở đâu, Nghị định nào, Thông tư nào, cơ chế, chính sách nào? Có phải khi có dự án được phê duyệt mới lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng không? Chỗ này khắc phục thế nào?

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Về chuẩn bị đầu tư, Thủ tướng đặt vấn đề có nên lấy vốn thường xuyên ra làm không hay sử dụng vốn đầu tư phát triển theo quy trình rườm rà? Xử lý như thế nào? Khâu tổ chức thực hiện ở cấp dưới như thế nào? Trong cùng điều kiện hoàn cảnh, có địa phương làm nhanh, có nơi triển khai “ì ạch”? Có phải thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc giải ngân hay không?

Theo Thủ tướng, phải kiểm tra, đôn đốc hàng tuần; phải giao ban thường xuyên giữa các đơn vị. Vấn đề liên quan kiểm tra, đôn đốc, phân công nhiệm vụ đã được hay chưa? Việc chậm trễ dứt khoát phải có lý do; phải chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai. Từ trước đến nay, Chính phủ thống nhất trách nhiệm thuộc về người đứng đầu. Nếu kéo dài tình trạng này thì dân mòn mỏi mong chờ. Cơ chế, chính sách nào để giải quyết rốt ráo tình trạng này để việc giải ngân đi vào nền nếp? Chính phủ đã quyết liệt, thành lập các Tổ công tác, nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến nhiều. Không lẽ chúng ta bất lực? Trong khi đó, luật pháp, chính sách, chủ trương đều do chúng ta cả.

Thủ tướng mong các đại biểu hiến kế giải pháp để đẩy nhanh việc giải ngân. Chính phủ không thể làm thay hết mọi việc bên dưới. Chính phủ đang vướng gì, các bộ, ngành, địa phương đang vướng gì thì hội nghị này cũng phải nêu lên. Theo Thủ tướng, liệu có phải do dàn trải, manh mún, đấu thầu đấu giá mà dẫn đến giải ngân chậm hay không? Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đóng góp ý kiến trung thực, khách quan, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề, nêu rõ những gì làm được, chưa làm được để tìm ra giải pháp; không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được” bởi điều đó là có lỗi với nhân dân.

Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo.

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022: tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết nghị tại các Nghị quyết của Quốc hội là 526.105,895 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương (NSTƯ) là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 304.105,895 tỷ đồng. Nếu tính cả 16.000 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là 542.105,895 tỷ đồng.

Đến ngày 23/9/2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 508.362,783 tỷ đồng, đạt 93,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó vốn trong nước đạt 93,4% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 98,7% kế hoạch. Số vốn ngân sách nhà nước còn lại chưa phân bổ là 33.051,093 tỷ đồng (bằng 6,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương với 8/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch).

Trên cơ sở Nghị quyết số 584/NQ-UBTVQHI5 ngày 31/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 6205/TTr-BKHĐT ngày 4/09/2022 và văn bản số 621/BKHĐT-TH ngày 16/9/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2022: theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 là 253.148,12 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2021, trong đó:

Vốn trong nước là 246.525,55 tỷ đồng, đạt 48,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 51,74%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.514,5 tỷ đồng. Vốn nước ngoài là 6.622,57 tỷ đồng, đạt 19,03% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 12,69%).

Có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình.

Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.

Quang cảnh hội nghị.

Minh chứng rõ ràng là kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng bước sang tháng 9, chỉ trong vòng 1 tháng, tiến độ giải ngân đã có sự thay đổi tích cực khi đạt tỷ lệ 46,7%. Đồng thời lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 cao hơn khoảng 80 nghìn tỷ đồng so năm 2021 (chưa tính số vốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 khoảng 38 nghìn tỷ đồng từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội) cùng với khó khăn đặc thù do năm 2022 là năm thứ hai của Kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch (do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021), triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiến độ giải ngân đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, số tuyệt đối giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021. Riêng vốn ngân sách Trung ương giải ngân 89,911 tỷ đồng, đạt 37,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2021 cả về số tuyệt đối 13,664 tỷ đồng và về tỷ lệ giải ngân (cùng kỳ năm 2021 đạt 37,01%).

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Cần Thơ, Quảng Ngãi… đã đóng góp ý kiến, nêu rõ thực trạng, những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là liên quan công tác giải phóng mặt bằng; khó thẩm định giá (nhất là giá đất) khiến các khâu sau như thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng bị chậm; thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt các dự án chậm; khó khăn về thanh quyết toán; giá các loại nguyên vật liệu từ đầu năm đến nay leo thang, trong khi việc này chậm được điều chỉnh sát thực tế, do đó các nhà thầu thi công cầm chừng, thậm chí tạm ngừng thi công, chờ điều chỉnh đơn giá; khó khăn về nguồn cung các loại nguyên liệu đất, đá, cát, sỏi…

Đại diện các bộ, ngành cũng đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân của việc chậm giải ngân, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công.

Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính nêu rõ nguyên nhân giải ngân chậm có nhiều, trong đó có về cơ chế, chính sách, nhóm nguyên nhân về tổ chức thực hiện là chủ yếu. Đầu tiên là công tác lập kế hoạch chưa sát, không phân bổ được vốn giao, dẫn đến vốn chờ dự án, thủ tục; việc công bố chỉ số giá xây dựng nhiều nơi chưa sát thị trường, bị động; chất lượng chuẩn bị dự án thấp, khảo sát dự án chưa tốt, nhất là các dự án ODA, do đó tỷ lệ giải ngân thấp hơn so tỷ lệ chung (46,7%). Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm công tác này, một số ban quản lý chưa đủ năng lực; một số hợp đồng chủ đầu tư và nhà thầu chưa rõ ràng, việc thanh toán còn chậm trễ…

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công chậm thời gian qua do nhiều nguyên nhân, chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan.

Thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát và lãi suất tăng cao ở các quốc gia, dự báo tăng trưởng thấp và thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng của nhiều quốc gia sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta bởi quy mô nền kinh tế lớn, độ mở nền kinh tế cao; sức chống chịu với những tác động bên ngoài còn hạn chế.

Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phối hợp nhịp nhàng của Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ; sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã đạt nhiều kết quả phát triển kinh tế-xã hội tích cực, đó là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng cũng lưu ý hiện nay, các cấp, các ngành cần chú ý những bức xúc trong dư luận như bảo đảm thuốc chữa bệnh, các công trình hạ tầng y tế, do đó Bộ Y tế cần rà soát, tiếp tục phân cấp, phân quyền, bảo đảm chủ động cung ứng thuốc cho khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân, không để thiếu thuốc vì những khó khăn trong việc đấu thầu, đấu giá, giảm tối đa mua thuốc tập trung.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cũng phải tích cực chỉ đạo việc này. Thủ tướng cũng nhấn mạnh thêm, công tác quy hoạch cũng phải chỉ đạo, điều hành; phải làm tốt công tác kiểm soát dịch Covid-19, thúc đẩy vaccine, nhất là tiêm chủng cho trẻ em. Xử lý nhanh nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất, phương pháp làm việc khoa học, nỗ lực lớn nhất, bài bản nhất với tinh thần tất cả vì đất nước, vì nhân dân. Thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều, nên các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực hết mình để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Các cấp lãnh đạo phải nêu gương, tất cả vì nhân dân phục vụ.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho biết, Hội nghị này là cuộc họp thứ 3 của Chính phủ về vấn đề này. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 Nghị quyết (trong đó có 2 Nghị quyết chuyên đề), 4 công điện, 7 văn bản chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức 2 Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Văn phòng Chính phủ chủ động tham mưu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng cho biết, ước giải ngân đến cuối tháng 9/2022 đạt hơn 253 nghìn tỷ đồng đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều dự án quan trọng quốc gia đang được triển khai đúng tiến độ, tỷ lệ giải ngân tốt (có 4 dự án thành phần Dự án cao tốc bắc-nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đạt kế hoạch đề ra).

Về triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành 118 văn bản ở cấp Trung ương (2 Nghị định của Chính phủ; 23 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 41 thông tư, quyết định, văn bản, kế hoạch cấp bộ quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện; 52 văn bản điều hành, hướng dẫn, giải đáp tổ chức thực hiện).

Về điểm này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cắt giảm ngay các thủ tục; các bộ, ngành, địa phương cũng phải hạn chế việc dàn trải, manh mún; làm việc nào dứt việc đó. Các cơ quan, đơn vị bên dưới trong quá trình triển khai nếu thấy vướng ở điểm nào, chỗ nào phải kịp thời báo cáo, kiến nghị cấp trên, hạn chế “văn bản vòng vo”.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt công tác này, nỗ lực đạt được, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Về những tồn tại, trong phiên họp Chính phủ tháng 7 và 8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xác định 25 loại tồn tại, khó khăn, vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, phân thành 3 nhóm chính:

Nhóm thứ nhất đó là thể chế, chính sách: về điểm này, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp, báo cáo Chính phủ trước ngày 20/10/2022, vướng ở cấp nào, cấp đó giải quyết; việc chuẩn bị lập kế hoạch, giao kế hoạch cũng là vấn đề; việc công bố chỉ số giá chưa sát tình hình, gây tâm lý không tốt, gây ách tắc triển khai; về điểm này, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm giải quyết. Các bộ, ngành, địa phương cũng chuẩn bị chưa tốt; lúc có vốn rồi lại “loay hoay” chưa có dự án.

Nhóm thứ hai liên quan tổ chức triển khai: công tác lập kế hoạch đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước chưa sát khả năng thực hiện; còn tình trạng vốn chờ dự án, đủ thủ tục, đến lúc có thủ tục mới triển khai; công tác khảo sát thiết kế chưa tốt, dẫn đến nhiều dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nhưng chưa đủ thủ tục. Công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét, còn bất cập về công tác tuyên truyền, giải phóng mặt bằng, thủ tục thanh toán, quyết toán, năng lực của các nhà đầu tư, nhà thầu, nhà quản lý, tư vấn giám sát, công tác kiểm tra, giám sát.

Nhóm thứ ba: đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhưng thực chất là năm đầu triển khai do Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua tháng 7/2021, trong khi giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao; khan hiếm nguồn cung về cát, đất san lấp mặt bằng… Thủ tướng đề nghị cần động viên các nhà thầu chia sẻ khó khăn theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Trong các nhóm nguyên nhân trên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kế hoạch là công tác tổ chức thực hiện, trong đó có việc phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan thể chế, cơ chế, chính sách, liên quan các vấn đề phát sinh khi làm dự án chưa dự báo hết được. Do vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải chung tay, chung sức đồng lòng thực hiện. Thủ tướng cũng phê bình các bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt việc giải ngân, cần kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm.

Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương phải cố gắng hơn nữa, UBND các địa phương phải đề xuất với Hội đồng nhân dân tổ chức họp đột xuất để giải quyết; các bộ, ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc cần đôn đốc, kiểm tra; yêu cầu các cơ quan, địa phương nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2022.

Liên quan thể chế, cơ chế, chính sách, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp. Về vấn đề giá nguyên vật liệu thay đổi trong khi triển khai dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng cần bám sát vấn đề để giải quyết kịp thời.

Về công tác xây dựng kế hoạch, còn những vướng mắc, chưa dự báo hết, cần điều chỉnh gì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp để điều chỉnh. Nếu thiếu quyết tâm, sâu sát, nỗ lực thì phải rút kinh nghiệm, cấp ủy các cấp phát huy đúng vai trò lãnh đạo chung, chính quyền phải cụ thể hóa để tổ chức thực hiện; bám sát 5 phương thức lãnh đạo của Đảng.

Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương các cơ quan truyền thống đã bám sát đường lối của Đảng trong công tác tuyên truyền thời gian qua và đề nghị các cơ quan này thời gian tới cần làm tốt hơn nữa, nêu bật nguyên nhân, tồn tại, gợi ý các giải pháp để các bộ, ngành, địa phương nhận thức rõ, có hướng giải quyết.

Đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng cho biết, mới có 38/63 địa phương đã cân đối, bố trí trên 13,4 nghìn tỷ đồng từ vốn từ ngân sách địa phương; đến cuối tháng 9/2022, giải ngân từ ngân sách trung ương ước đạt gần 927 tỷ đồng, bằng 2,86% kế hoạch); công tác phối hợp giữa các bộ, ngành còn hạn chế, nhất là trong công tác phối hợp xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, biện pháp, hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do đó, cấp ủy phải lãnh đạo, chính quyền phải tổ chức thực hiện, huy động người dân vào cuộc, nâng cao kỷ luật, kỷ cương; nâng cao năng lực chuẩn bị các dự án; đầu tư của các địa phương, đơn vị còn dàn trải thì phải rà soát lại, cắt giảm, ưu tiên những gì cần làm trước.

Về dự án giải phóng mặt bằng và tái định cư còn nhiều bất cập, do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập hợp lại những khó khăn, vướng mắc, những gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ làm ngay, cái gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội.

Thủ tướng chỉ đạo, những tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần coi công tác này là công việc ưu tiên, dành thời gian lãnh đạo, tổ chức thực hiện.

Cấp ủy, chính quyền các cấp phải tích cực chỉ đạo, vào cuộc; tiếp tục rà soát lại, làm việc nào dứt điểm việc đó. Các tổ công tác phải tích cực đi kiểm tra, đôn đốc; UBND các địa phương phải tham mưu các cơ quan, Đoàn Đại biểu Quốc hội địa phương tăng cường đi giám sát; các bộ ngành phải cắt giảm tối đa thủ tục không cần thiết.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục