Thiệt hại trên 15,8 tỷ đồng
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đợt mưa trên địa bàn tỉnh có 2 người chết do sạt lở đất là L.V.H. trú tại thôn Tháng 10, xã Yên Lâm (Hàm Yên) và M.T.M. tại thôn Bản Khản, xã Bình Phú (Chiêm Hóa). 4 người bị thương là chị L.T.H. và con gái Đ.T.N.T. trú tại thôn An Lạc, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) bị đất sạt lở vào nhà trong lúc đang ngủ, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang; chị N.T.N. và con T.H.H. tại thôn Tháng 10, xã Yên Lâm (Hàm Yên) do mưa lớn gây đổ nhà.
Khắc phục sạt lở tại Quốc lộ 37.
Mưa lớn làm 101 nhà ở, công trình của người dân bị ảnh hưởng do sạt lở taluy; 1.163,9 ha lúa, 2431,6 ha hoa màu bị ngập nước; 23 con gia súc, 560 gia cầm bị chết; 48 ha ao tràn bờ; tuyến quốc lộ 2 đoạn qua xã Trung Môn (Yên Sơn) sạt lở 30m kè taluy; 6 tuyến đường tỉnh, đường huyện bị ngập lụt cục bộ; 664,5m3 đường giao thông bị sạt lở; 3 trường học bị ngập hỏng thiết bị dạy học, đổ tường rào. Hồ Đồng Trại, thôn Phú Nhiêu, xã Phú Lương (Sơn Dương) đang thi công bị xói lở đất đắp mái hạ lưu đập; đất đắp mang bể tiêu năng tràn xả lũ, đường quản lý vận hành bị xói lở. Ước tổng thiệt hại trên 15,8 tỷ đồng.
Khắc phục sạt lở trên Quốc lộ 2.
Tại huyện Na Hang mưa lũ cũng đã làm hư hại và sạt lở một số tuyến đường tại các xã như tuyến đường từ trung tâm xã Khâu Tinh đi thôn Tát Kẻ; tuyến đường từ xã Thanh Tương đi thôn Bản Bung và một số điểm sạt lở rải rác tại xã Yên Hoa. Trên địa bàn huyện mưa lớn vẫn đang tiếp diễn và nguy cơ sạt lở vẫn đang ở mức cao gây khó khăn cho công tác khắc phục, thu dọn đất đá sạt lở. Hiện nay, phương án của huyện là khắc phục tạm thời những tuyến đường bị sạt lở để người dân đi lại an toàn.
Trên địa bàn huyện Lâm Bình đã có 4 nhà dân bị đất đá sạt lở tràn vào nhà tại xã Thượng Lâm; sạt lở ta luy dương tuyến đường Thượng Lâm - Bến Thủy với khối lượng đất đá khoảng trên 10.000m3. Tại thị trấn Lăng Can xảy ra sạt lở ta luy dương tại đèo Khau Lắc và đèo Kéo Quân, khối lượng đất đá khoảng trên 5.000 m3. Tại xã Xuân Lập xảy ra sạt lở ta luy dương tuyến đường Lăng Can - Xuân Lập, khối lượng đất đá khoảng 1.000 m3. Hiện nay, huyện Lâm Bình đã huy động lực lượng tại chỗ, chỉ đạo hạt giao thông huyện khẩn trương khắc phục sạt lở đảm bảo ổn định đời sống người dân và giao thông thông suốt.
Cán bộ xã Tân Tiến và người dân thôn 2 giúp gia đình ông Nguyễn Văn Luyện khắc phục sạt lở đất.
Tại các địa phương trong tỉnh, mưa lớn làm ngập úng lúa, hoa màu, sạt lở đường, kè suối, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Tại huyện Yên Sơn có 2 người bị thương do sạt lở đất vào nhà; 56 hộ sạt lở đất taluy dương, ngập úng ảnh hưởng vào nhà và các công trình phụ; 224 ha lúa, 46,6 ha cây trồng hàng năm bị ngập, vùi lấp; 65 m mương bị vùi lấp; 2 cột điện hư hỏng và nhiều thiệt hại khác.
Dồn sức khắc phục
Mưa lũ lớn đã gậy thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân. Chia sẻ với những mất mát đó, lãnh đạo tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị mất người thân tại huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa. UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Công nhân đơn vị quản lý đường bộ xử lý giao thông trên tuyến Quốc lộ 2C tại địa phận xã Trung Trực (Yên Sơn).
Ngay sau khi xảy ra điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, Sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo đơn vị quản lý các tuyến đường huy động lực lượng tại chỗ, tổ chức xử lý đất ta luy dương, đất bùn chảy tràn mặt đường để đảm bảo giao thông thông suốt; tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, khu vực nguy hiểm khi có tình huống thời tiết xấu xảy ra. Đồng chí Lưu Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết, Ban Giám đốc Sở đã chỉ đạo huy động 100% quân số các phòng, đơn vị quản lý đường để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo giao thông và an toàn cho người, phương tiện trên các tuyến. Lãnh đạo Sở trực tiếp đi các tuyến, đồng thời phối hợp với Cục Quản lý đường bộ 1, các huyện, thành phố xử lý trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, huyện trọng điểm. Đến chiều ngày 24-5 các tuyến đường hầu hết được thông tuyến. Hiện chỉ còn tuyến Quốc lộ 279 đoạn qua xã Hồng Quang (Lâm Bình) vừa sạt lở lớn gần 40m, dự kiến hàng trăm khối đất phải mất khoảng 3 tiếng khắc phục. Ngay tới đây, Sở sẽ đánh giá thiệt hại đối với đường quốc lộ báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị hỗ trợ kinh phí sửa chữa, trả lại hiện trạng ban đầu; các tuyến đường tỉnh sẽ rà soát báo cáo tỉnh để có phương án trả lại hiện trạng.
Khơi thông dòng chảy tại ĐT 189 Tràn Thọ, xã Phù lưu (Hàm Yên).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân công cán bộ về cơ sở nắm bắt tình hình, hỗ trợ người dân các biện pháp bảo đảm an toàn nhà ở, kỹ thuật xử lý sau ngập úng đối với lúa và hoa màu, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi. Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt đã đi kiểm tra điều tiết xả lũ tại thủy điện sông Lô 8B và các địa phương trong tỉnh. Nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra của ngành là hướng dẫn, giúp đỡ người dân bảo vệ cây trồng, vật nuôi, hạn chế tối đa thiệt hại. Đồng thời, tiếp tục ra soát, vận động người dân di dời khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi ở an toàn để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa lũ.
Lãnh đạo các địa phương đã vào cuộc kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ người dân ứng phó với mưa bão. Lãnh đạo UBND huyện Yên Sơn đã đến động viên, hỗ trợ gia đình bị thương ở xã Phúc Ninh, kiểm tra nắm tình hình thiệt hại ở các xã, thị trấn. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương khắc phục hậu quả theo phương châm "4 tại chỗ" ổn định đời sống, sản xuất cho người dân.
Dọn dẹp đảm bảo giao thông đá lắn xuống mặt đường tại Quốc lộ 279 xã Sơn Phú (Na Hang).
Tại xã Tân Tiến, công tác khắc phục sạt lở đất tại các hộ gia đình đang được thực hiện khẩn trương. Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, do mưa lớn, toàn xã có 6 hộ dân bị ảnh hưởng nhà ở do sạt lở đất taluy dương, 5 ha hoa màu bị đổ, hệ thống suối lũ lớn ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Lãnh đạo xã đến kiểm tra trực tiếp và chỉ đạo các thôn nhanh chóng giúp các hộ dân khắc phục sạt lở đất, di chuyển người, đồ đạc, xử lý đất sạt lở cho các gia đình, đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ dân ở cạnh suối, gần nơi có khả năng xảy ra sạt lở đất di chuyển đến nơi an toàn. Đến chiều 24-5 cơ bản các hộ dân bị sạt lở đã ổn định lại cuộc sống, các hộ có nguy cơ mất an toàn ở ven suối, nơi kết cấu đất kém đã di chuyển đến nơi an toàn. Đối với diện tích lúa, cây màu nước rút đến đâu người dân sẽ tiến hành khắc phục đến đó để giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Gia đình anh Nguyễn Văn Luyện, thôn 2, xã Tấn Tiến bị sạt lở hàng trăm khối đất xuống vùi lấp công trình phụ và gần hết phía sau nhà 2 tầng, gây nguy hiểm cho kết cấu ngôi nhà. Ông Luyện cho biết, ngay khi sạt lở xảy ra, cấp ủy, chính quyền xã đã huy động lực lượng vào giúp gia đình ông thu dọn đồ đạc ra khỏi nhà, dọn dẹp đường để đưa máy xúc vào xử lý đất sạt lở để giữ ngôi nhà không bị vùi lấp.
Xã Đồng Quý hỗ trợ 2 triệu đồng cho hộ ông Sầm Văn Chức, thôn Đồng Nội bị thiệt hại do mưa lũ.
Từ đêm 22 đến ngày 24-5, lượng mưa tại huyện Sơn Dương rất to làm cho lũ kéo dài đã ảnh hưởng nặng đến tài sản, hoa màu của người dân. Theo báo cáo của huyện, đến thời điểm này huyện có 14 nhà dân bị hư hại khoảng 30% do sạt lở; 548 con gia súc, gia cầm bị chết; hơn 900 ha lúa, hoa màu bị ngập và vùi lấp.
Căn nhà đất của ông Sầm Văn Chức ở thôn Đồng Nội, xã Đồng Quý (Sơn Dương) nằm ngay dưới chân đồi. Trận mưa ngày 23-5 đã làm mái taluy dương phía sau sạt vào nhà, rất may thời điểm sạt lở không có người trong nhà. Ngay lập tức gia đình đình được lực lượng công an, dân quân tự vệ và người dân trong thôn hỗ trợ di dời toàn bộ người và tài sản đến nơi an toàn ngay trong đêm. Hiện xã Đồng Quý đã trích từ nguồn dự phòng của xã hỗ trợ hộ ông Sầm Văn Chức 2 triệu đồng.
Ngay khi mưa lũ xảy ra lãnh đạo UBND huyện Sơn Dương đã trực tiếp xuống các xã bị thiệt hại nặng, chỉ đạo chính quyền địa phương kịp thời khắc phục hậu quả, trọng tâm là bảo đảm tính mạng cho người dân, khẩn trương di dời người dân tại vùng nguy hiểm gần sông, suối các điểm có nguy cơ sạt lở đã được dự báo. Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, vì mưa vẫn còn tiếp diễn nên huyện chỉ đạo các xã có các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao khẩn trương di dời, tránh trú đến nơi an toàn tạm thời, kiên quyết không để người dân ở lại các vùng có nguy cơ cao. Các xã khẩn trương rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thường xảy ra ngập úng, triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở sẵn sàng các phương án ứng phó. Đối với diện tích hoa màu tại các xã hạ huyện đã đến thời kỳ thu hoạch, ngay khi nước rút, thời tiết khô ráo cho thu hoạt ngay với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thiệt hại tại huyện Sơn Dương.
Các xã chủ động rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại đối với tài sản, diện tích cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại; tổ chức huy động lực lượng 4 tại chỗ khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các công trình giao thông, thủy lợi, nhất là các công trình đang thi công để bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Các địa phương bố trí lực lượng thường trực 24/24 để tiếp nhận và xử lý mọi tình huống có thể xảy ra; khi có thiên tai, chủ động sử dụng ngân sách địa phương dự phòng cấp xã để khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định đời sống, sản xuất và đề xuất kịp thời các nội dung vượt thẩm quyền giải quyết.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm cao của tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương, đến thời điểm này người dân ở vùng ngập lụt, bị ảnh hưởng đã ổn định được cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết