Người dân xã Vinh Quang ( Chiêm Hoá) sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Agribank nuôi trâu nhốt chuồng.
Hợp tác xã nông nghiệp Yên Vân, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhờ tiếp cận được gói tín dụng phát triển kinh tế hợp tác xã của Agribank Tuyên Quang. Anh Phạm Văn Mạnh, Giám đốc hợp tác xã Yên Vân chia sẻ, năm 2021 dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã bị thu hẹp rất nhiều, nguồn vốn đầu tư gần như cạn kiệt. Rất may trong thời điểm khó khăn nhất, hợp tác xã đã tiếp cận được 2,6 tỷ đồng từ Agribank. Toàn bộ nguồn vốn đã được hợp tác xã tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, tái đàn gia súc. Anh Mạnh khẳng định, hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã đã dần ổn định trở lại, hợp tác xã đã kết nối với các bạn hàng ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Cũng nhờ nguồn vốn của Agribank, gia đình bà Đỗ Thị Vinh, thôn Tứ Thông, xã Hợp Thành (Sơn Dương) đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế vươn lên làm giàu. Bà Vinh chia sẻ, năm 2019 bà vay 100 triệu đồng của Agribank Sơn Dương để đầu tư chăn nuôi gà thịt, chăn nuôi thuận lợi, có vốn tích lũy bà chuyển dần sang nuôi lợn và trồng cây lâm nghiệp. Hiện quy mô đàn lợn của gia đình bà Vinh luôn dao động từ 150-160 con, mỗi năm trừ chi phí thu lãi gần 300 triệu đồng.
Khẳng định vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank tiên phong, chủ lực triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách, 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, tín dụng Agribank phủ kín đến 100% số xã trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Agribank Tuyên Quang kiểm tra mới hình kinh tế của khách hàng tại xã Tân Long ( Yên Sơn).
Theo ông Trần Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến (Sơn Dương), dư nợ của Agribank đầu tư trong dân để phát triển kinh tế khoảng 40 tỷ đồng, chưa kể các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, phúc lợi xã hội. Đây là tổ chức tín dụng có số dư nợ lớn nhất trên địa bàn xã.
Tạo thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và sử dụng dịch vụ, Agribank không ngừng đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến mô hình, phương thức cho vay, đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội LHPN, các tổ chức chính trị - xã hội khác thành lập 1.405 tổ vay vốn với 32.767 thành viên thực hiện cho vay vốn phát triển sản xuất. Agribank cũng triển khai phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, với mục tiêu gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các cá nhân, gia đình cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại trong nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh khẳng định, Agribank cam kết sẽ tiếp tục chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay nông nghiệp, nông thôn, góp phần nhất định vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn.
Gửi phản hồi
In bài viết