Lâm Bình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ xuân

- Để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá, huyện Lâm Bình đã khuyến khích người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn. Đây cũng là điều kiện để các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên, lao động...

Trước đây, vụ xuân luôn là vụ trồng lạc của gia đình ông Quan Văn Trường, thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn, nhưng từ năm 2022 gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi 1.100m2 ruộng sang trồng dưa chuột. Ông Trường cho biết, dưa chuột sau thu hoạch sẽ được gia đình đóng vào túi 10kg và vận chuyển ra Quốc lộ 279, đơn vị thu mua sẽ đến thu mua hàng ngày theo giá thị trường. Vụ dưa đầu tiên gia đình thu  32 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi 25 triệu đồng. Nếu so với cây lạc, trồng dưa chuột cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2 lần, mà thời vụ dưa chuột chỉ trong khoảng 35- 40 ngày.

Dựa vào điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, khoảng 2 năm gần đây người dân xã Phúc Sơn đã mạnh dạn liên kết đưa một số cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng. Anh Ma Văn Toản, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Sơn cho biết, trên cơ sở học hỏi các mô hình phát triển kinh tế tại các xã của huyện Chiêm Hoá, nhận thấy mô hình liên kết phát triển kinh tế từ trồng dưa chuột cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2022 xã Phúc Sơn đã mời đơn vị thu mua là HTX tại tỉnh Vĩnh Phúc lên xã khảo sát về điều kiện tự nhiên, chất đất và tiến hành trồng thử 2 ha dưa chuột.

Hộ ông Quan Văn Trường, thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) chăm sóc cây dưa chuột vụ xuân.

Vụ đầu tiên cho năng suất cao, do vậy vụ xuân năm 2023 đã có 216 hộ đăng ký tham gia trồng dưa chuột liên kết với tổng 15,7 ha. Hiện toàn bộ diện tích dưa của xã đang phát triển tốt, một số diện tích đang chuẩn bị ra hoa, đậu quả. Theo anh Toản, Hội Nông dân xã đứng ra ký hợp đồng sản xuất dưa chuột với HTX Nông nghiệp Hướng Đạo (Vĩnh Phúc), trong đó HTX cam kết hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu mua toàn bộ sản phẩm quả dưa chuột sau thu hoạch theo giá thị trường và không thấp hơn 3.000 đồng/kg. Vụ xuân này xã Phúc Sơn không chỉ liên kết trồng cây dưa chuột mà các hộ dân còn liên kết trồng 4 ha ớt và một số diện tích đất ruộng chuyển đổi sang trồng dưa lê, rau…

Ông Ma Công Sơ, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nà Giàng, xã Minh Quang cho biết, nhiều năm trồng thâm canh cây lạc vụ xuân nên xuất hiện nhiều sâu bệnh, năng suất giảm. Để nâng cao hiệu quả sản xuất vụ xuân người dân trong thôn đã tìm hiểu và liên kết với HTX chuyên thu mua dưa chuột tại huyện Sơn Dương trồng 3 ha dưa chuột. Hiện dưa đang phát triển tốt và sẽ cho quả trong khoảng 10 ngày tới. Nếu vụ dưa này đạt hiệu quả kinh tế cao, vụ tới sẽ nhân rộng trên toàn thôn.

Vụ xuân này huyện Lâm Bình có khoảng 30 ha chuyển đổi cơ cây trồng sang các cây trồng có năng suất, chất lượng cao như: Dưa chuột, dưa lê, cà chua, ớt… Các xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng như: Minh Quang, Phúc Sơn, Bình An. Ông Quan Văn Phùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, những năm gần đây người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa với các loại cây trồng có năng suất chất lượng cao, cùng với đó người dân chủ động liên kết tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do không duy trì được diện tích đã chuyển đổi do diện tích chuyển đổi chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung dẫn đến sản lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; nguồn nhân lực, lao động có trình độ cao, có tay nghề trong nông nghiệp trên địa bàn còn hạn chế.

Thực tế sản xuất cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh kế cao hơn trên cùng đơn vị diện tích. Cụ thể, trên đất canh tác 2 vụ lúa/năm cho thu nhập trung bình từ 50 - 60 triệu đồng/ha/năm, khi chuyển đổi sang trồng cây hàng năm (cây rau màu, dưa chuột, dưa lê....) cho thu nhập từ 90 - 150 triệu đồng/ha/năm đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Qua đó, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hoá của người dân, phục vụ mục tiêu nâng cao giá trị và phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững tại địa phương.

    Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục