Tuy nhiên, luôn có các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, bóp méo sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và chất lượng đời sống nhân dân là minh chứng có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất.
Ngay từ khi mới ra đời cho đến nay, Chủ nghĩa Mác-Lênin luôn luôn bị các thế lực thù địch chống phá quyết liệt. Đặc biệt là sau khi mô hình Chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ thì có không ít người cho rằng CNXH đã cáo chung, Đảng Cộng sản đã hết vai trò lịch sử, rằng nước ta kiên định đi lên CNXH là sai lầm, là đi vào vết xe đổ. Chúng còn cố tình xuyên tạc CNXH mà Mác nêu ra chỉ là một CNXH không tưởng, không bao giờ thực hiện được, rồi khuyến nghị, khuyên Đảng ta phải đi theo con đường khác, con đường theo mô hình “dân chủ”, thực hiện “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”. Nhưng đây thực chất là những luận điệu phi lịch sử, phản động và phản khoa học.
Ảnh minh họa: TTXVN
Chúng tìm mọi cách bịa đặt, xuyên tạc trắng trợn lịch sử và hiện tại, phủ nhận những giá trị tốt đẹp của CNXH đang hiện hữu ở Việt Nam. Mưu đồ trước mắt và lâu dài không thay đổi của các thế lực thù địch, phản động là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ CNXH. Thật đáng buồn là trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH, thậm chí có người còn phụ họa với những luận điệu của các thế lực thù địch, công kích, bài bác CNXH, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản.
Một trong những nội dung thường xuyên được các thế lực thù địch phản động xuyên tạc, bóp méo đó là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ cho rằng không có cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; rồi kinh tế thị trường là của riêng của chủ nghĩa tư bản; họ còn cao giọng rằng kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau, gán ghép xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường là chủ quan, duy ý chí và không có cơ sở khoa học.
Mới đây, một bài viết trên kênh VOA tiếng Việt đã bình luận rằng: Việc lựa chọn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là bóp nghẹt kinh tế tư nhân, là không có tự do cạnh tranh! Nhiều phần tử xấu cũng xuyên tạc về mô hình mà Việt Nam lựa chọn để phát triển, cho rằng đây là một khái niệm mơ hồ, không có trong thực tế, nhất là thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các thế lực thù địch đã bình luận rằng: "Kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa khác nhau như nước với lửa", rồi "không có nền kinh tế thị trường nào lại có thể kết hợp cùng xã hội chủ nghĩa". Đây là một sự gán ghép khiên cưỡng, kìm hãm thể chế thị trường và kìm hãm cải cách...
Tuy nhiên, những thành quả phát triển kinh tế trong 35 năm qua của một đất nước đã phải trải qua 3 thập kỷ bị chiến tranh tàn phá và gần 1 thế kỷ bị thực dân đô hộ đã là những minh chứng thuyết phục nhất để bác lại những nhận định bóp méo trên. Các chuyên gia cũng khẳng định: Đưa ra quan niệm về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá sáng tạo lý luận rất cơ bản của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.
Thực tiễn 35 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân. Nghị quyết số 10, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Và mới đây, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách Nhà nước và thu hút 85% lực lượng lao động. Những thay đổi trong chủ trương, chính sách đã tạo ra những thành tựu to lớn trong sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta.
Kinh tế tư nhân phát triển đã đóng góp rất quan trọng và hiệu quả vào chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân thể hiện trách nhiệm cộng đồng, xã hội rất lớn, đi tiên phong trong công tác phòng, chống dịch Covid-19... Chỉ trong ngày đầu tiên Chính phủ phát động ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19, các doanh nghiệp tư nhân như: Công ty Golf Long Thành ủng hộ 500 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup 480 tỷ đồng; Tập đoàn Sun Group đã ủng hộ tiền và hiện vật hơn 10 tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam tổng trị giá hơn 700 tỷ đồng, tập đoàn vừa trao tặng thiết bị y tế cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tổng trị giá 80 tỷ đồng.
Ông Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt-Nhật, khẳng định: “Quan niệm về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một bước phát triển mới về tư duy, một đột phá lý luận rất sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến năm 2045, khi Việt Nam trở thành một nước phát triển có thu nhập cao thì mô hình này không chỉ là của riêng Việt Nam nữa mà đối với cả thế giới nó sẽ trở thành mô hình rất có sức thuyết phục”.
Việt Nam lựa chọn đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập quốc tế vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Con đường và cách đi đó thể hiện hiệu quả trên thực tiễn được quốc tế thừa nhận, đánh giá cao. Ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam khẳng định: “Tham gia đa phương là tất yếu đối với Việt Nam. Ở đó Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều mô hình lãnh đạo tốt, học kinh nghiệm về cách đàm phán các nguyên tắc cơ bản, Việt Nam cũng có thể cam kết sâu hơn vào việc triển khai những nguyên tắc ở cấp độ toàn cầu. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam càng tham gia nhiều vào các tổ chức đa phương, Việt Nam càng được hưởng lợi từ đó”.
Những “thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử” của công cuộc đổi mới 35 năm qua đã minh chứng tính đúng đắn của đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Tăng trưởng trung bình luôn đạt mức 7% mỗi năm; quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 324,7 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 và tiếp tục giảm xuống 2,75% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều. Tuổi thọ trung bình của người dân liên tục được nâng lên từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Năm 2019, chỉ số phát triển con người của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Tổng kết 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử này không chỉ là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta mà còn là sự khẳng định con đường đi lên CNXH ở nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”. Cũng tại Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đồng thời đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH với nguyên tắc nhất quán và xuyên suốt được đặt lên hàng đầu và bao trùm lên mọi chủ trương, chính sách đó là tất cả vì lợi ích của nhân dân”.
Kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên quan điểm thực tiễn, khoa học và phát triển, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo ra những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống ".
QUÁCH ĐÌNH HỢI
Gửi phản hồi
In bài viết