Phương pháp kế thừa tri thức nhân loại của Các Mác - Giá trị lịch sử và thực tiễn sinh động ở Việt Nam

- Phương pháp kế thừa tri thức nhân loại là đặc sắc của Chủ nghĩa Mác; nhờ phương pháp đó, Chủ nghĩa Mác đã không ngừng đổi mới, phát triển bằng cách tiếp thu có chọn lọc, có phê phán tất cả sản phẩm trí tuệ loài người đã sáng tạo ra.

Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng ta, phương pháp kế thừa tri thức nhân loại của Mác nói riêng, Chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung mãi mãi là kim chỉ nam cho hành động của cách mạng, đã, đang và sẽ tiếp tục đem lại những thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài 1: Phương pháp kế thừa tri thức nhân loại - Nét đặc sắc của Chủ nghĩa Mác-Lênin

Nghiên cứu toàn diện và sâu sắc đồng thời tiếp thu có phê phán, chọn lọc toàn bộ tri thức nhân loại đã sáng tạo ra nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng là đặc điểm nổi bật trong phương pháp kế thừa tri thức nhân loại của Mác.

Trước Mác, các nhà tư tưởng hoặc là kế thừa một cách rập khuôn, giáo điều hoặc là phủ định sạch trơn, do vậy lịch sử tư tưởng nhân loại trước Mác đều có những hạn chế nhất định. Mác và Ăng-ghen đã vượt lên tất cả những hạn chế của lịch sử tư tưởng trước đó bằng cách kế thừa toàn bộ tinh hoa tri thức nhân loại, đồng thời phê phán, phủ định những hạn chế của những tư tưởng đó và sáng tạo ra chủ nghĩa mới mang bản chất khoa học và cách mạng, đó là Chủ nghĩa Mác.

Ảnh minh họa: dangcongsan.vn  

Trước Mác, Hê-ghen và Phoi-ơ-bắc đại diện cho hai trường phái triết học đối lập nhau: Hê-ghen là đại biểu cho trường phái duy tâm nhưng “hạt nhân hợp lý” trong triết học của ông là phương pháp biện chứng cách mạng (phép biện chứng); Phoi-ơ-bắc đại diện cho trường phái duy vật nhưng hạn chế trong triết học của ông là phương pháp siêu hình (phép siêu hình). Mác đứng trên lập trường duy vật cách mạng của Phoi-ơ-bắc nhưng phê phán phép siêu hình của ông ta; Mác cũng phủ định lập trường duy tâm của Hê-ghen nhưng tiếp thu “hạt nhân hợp lý” trong triết học của ông là phép biện chứng cách mạng. Nhờ đó, triết học Mác có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng: Chủ nghĩa duy vật là chủ nghĩa duy vật biện chứng còn phép biện chứng là phép biện chứng duy vật, nó hoàn toàn khác về chất so với chủ nghĩa duy tâm biện chứng của Hê-ghen và chủ nghĩa duy vật siêu hình của Phoi-ơ-bắc. Hơn nữa, trước Mác, các nhà triết học chủ yếu là giải thích thế giới, triết học Mác không chỉ giải thích thế giới mà sứ mệnh cao cả hơn là cải tạo thế giới.  

Học thuyết về kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học cũng tương tự như vậy. Mác đã kế thừa có phê phán những tư tưởng kinh tế chính trị học cổ điển Anh và tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp... Trên cơ sở đó, ông đã tìm ra quy luật giá trị thặng dư và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Trong diễn văn tại Đại hội III toàn Nga của Đoàn Thanh niên Cộng sản Nga diễn ra ngày 2-10-1920, Lênin đã truyền thụ phương pháp kế thừa tri thức nhân loại của Mác cho thế hệ trẻ và mong muốn thế hệ trẻ sẽ là người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang đó. Trong khuôn khổ bài này, tôi xin nêu hai biểu hiện đặc sắc trong phương pháp kế thừa tri thức nhân loại của Mác:

Một là, Mác đã nghiên cứu toàn diện và sâu sắc toàn bộ tri thức nhân loại đã sáng tạo ra. Lênin khẳng định: “Tất cả những cái mà xã hội loài người đã sáng tạo ra, Mác đã nghiền ngẫm lại một cách có phê phán, không hề bỏ sót một điểm nào”. Muốn trở thành người cộng sản, nhất là đối với thanh niên, thế hệ trẻ thì phải không ngừng học tập, nghiên cứu để có tri thức toàn diện, phong phú và sâu sắc. Lênin nhấn mạnh: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”.

Theo chỉ dẫn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nghiên cứu, đã kế thừa toàn bộ tri thức nhân loại sáng tạo ra, trên cơ sở đó lựa chọn con đường phát triển đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đó là con đường cách mạng vô sản nhằm giải phóng dân tộc và tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), bỏ qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản. Sự lựa chọn đó đã dứt khoát từ năm 1930 và kiên định thực hiện, kể cả khi hệ thống CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, đặt CNXH trước sự phê phán gay gắt chưa từng thấy, từ nhiều hướng. Trong muôn vàn khó khăn đó, tại Đại hội VII, Đảng ta đã quyết nghị và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh 1991): Khẳng định ý chí sắt đá, không gì lay chuyển nổi mục tiêu CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn, toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm theo đuổi đến cùng con đường dẫn tới mục tiêu ấy. Nhân dân ta, dưới ngọn cờ của Đảng, phát huy cao độ truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, đã chiến đấu hy sinh ròng rã mấy chục năm trời, hoàn thành về cơ bản những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đã chuyển sang thực hiện những nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên CNXH, không có lý gì nay lại rẽ sang con đường khác ngược với mục tiêu đã lựa chọn.

Hai là, trên cơ sở phê phán những khuyết điểm, hạn chế, Mác đã tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa tri thức nhân loại. Đây là đặc sắc trong phương pháp kế thừa tri thức nhân loại của Mác. Lênin nhấn mạnh: “Tất cả những cái mà xã hội loài người đã sáng tạo ra, Mác đã nghiền ngẫm lại, đã phân tích, phê phán và đã căn cứ phong trào công nhân để kiểm tra lại”. Thật vậy, Mác đã phê phán những hạn chế, khuyết điểm mà tri thức nhân loại đã sáng tạo ra, nhất là những tiền đề lý luận trực tiếp lúc bấy giờ là triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh và CNXH không tưởng Pháp để xây dựng nên học thuyết mới hoàn chỉnh với ba bộ phận cấu thành gồm triết học, kinh tế chính trị học và CNXH khoa học.

Con đường tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động cho phương pháp kế thừa tri thức nhân loại. Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối nhưng không tán thành con đường cứu nước của họ, bởi phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại. Người chọn con đường khác để tìm ra và đi theo Chủ nghĩa Mác, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo cách mạng giành độc lập dân tộc, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên CNXH.      

Con đường đi lên CNXH ở nước ta bỏ qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản là sáng tạo đặc sắc của Việt Nam. Bỏ qua ở đây là bỏ qua quan hệ sản xuất bóc lột tư bản chủ nghĩa, bỏ qua kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, bỏ qua những thói hư, tật xấu của xã hội tư bản. Còn tiếp thu những thành tựu phát triển của lực lượng sản xuất, của khoa học và công nghệ, tiếp thu văn minh mà nhân loại đạt được trong giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản. Đồng chí Nguyễn Đức Kiên-Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Mỗi một dân tộc họ chọn một con đường khác nhau và chúng ta lựa chọn con đường xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng CNXH. Ở đây nó sáng tạo ở chỗ chúng ta tận dụng được tất cả những thành tựu của trí tuệ con người để chúng ta đạt được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bỏ qua chủ nghĩa tư bản, bỏ qua những vấn đề bất cập để tiến thẳng lên CNXH thì nó chính là ở khía cạnh ấy và khi người đứng đầu(1) mà tuyên bố như thế thì nó giúp cho người điều hành trực tiếp có động lực và có niềm tin để họ có thể đi tắt, đón đầu”.

(còn nữa)

QUÁCH ĐÌNH HỢI

Theo Báo Quân đội nhân dân online

Tin cùng dòng sự kiện