Chấn hưng văn hóa Việt Nam - yêu cầu được khẳng định từ thực tiễn

Văn hóa có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Văn hóa được đề cao, môi trường văn hóa lành mạnh thì xã hội ổn định, phát triển và ngược lại, khi văn hóa có biểu hiện xuống cấp, gây ảnh hưởng, tác động thiếu tích cực đến môi trường xã hội, đời sống xã hội; đặc biệt khi đất nước đứng trước những dấu mốc quan trọng, cần những động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình phát triển - tất yếu phải tiến hành chấn hưng văn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc tại Nhà Quốc hội, ngày 24-11-2021 _Nguồn: vietnamnet.vn

Xét về bản chất ngôn ngữ học, chấn hưng là làm cho trở thành hưng thịnh, thịnh vượng(1). Chấn hưng văn hóa là làm cho các giá trị văn hóa tốt đẹp của quốc gia - dân tộc được đề cao và phát huy mạnh mẽ hơn. Như vậy, về bản chất, yêu cầu chấn hưng văn hóa hiện nay là tạo ra tác động làm cho các giá trị văn hóa được phát huy, phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung để nâng tầm đất nước, đưa đất nước lên một vị thế mới.

Khái quát các mặt tích cực và hạn chế; những yêu cầu của thời kỳ phát triển mới vì sự hưng thịnh của một nền văn hóa; đón trước thời cơ và trên cơ sở nhận diện các thách thức đối với văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, có thể khẳng định chấn hưng văn hóa ở nước ta hiện nay là quan trọng và cấp thiết.

Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(2), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Ngay từ tiêu đề, Tổng Bí thư đã khẳng định “Quyết tâm chấn hưng”, đồng thời trực diện đưa ra định hướng đường lối phát triển văn hóa đất nước trong bối cảnh hiện nay là “xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Quyết tâm và định hướng này của Tổng Bí thư chính là dấu mốc quan trọng đối với quá trình phát triển nền văn hóa Việt Nam; khẳng định thời điểm văn hóa Việt Nam cần được chấn hưng để tạo nền tảng nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về văn hóa trong mối quan hệ với phát triển; tạo động lực quan trọng cho phát triển bền vững, thông qua khắc phục các hạn chế, tồn tại, phát triển hài hòa, đồng bộ giữa văn hóa với kinh tế, xã hội, với xây dựng đời sống hạnh phúc cho toàn thể nhân dân.

Nhìn lại các cuộc chấn hưng văn hóa trong lịch sử

Lịch sử thế giới ghi nhận thời kỳ Phục hưng(3) đã mang đến những giá trị to lớn cho châu Âu. Sự khởi nguồn của thời kỳ Phục hưng có nhiều tranh cãi, nhưng cơ bản cho rằng Phục hưng bắt đầu từ Firenze (I-ta-li-a), nơi có truyền thống trọng nghệ thuật.

Phục hưng là phong trào văn hóa tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến trí thức và nghệ sỹ châu Âu. Trong cuộc cách mạng tư tưởng, văn hóa, xã hội, khoa học, triết học,... thời kỳ đó, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong thay đổi cách suy nghĩ và hành động của con người, các học giả sử dụng phương pháp nhân văn trong nghiên cứu về thế giới xung quanh, về các hiện tượng khoa học, trong nhìn nhận về hiện thực đời sống, trong cảm xúc nghệ thuật. Việc đề cao, coi trọng các giá trị nhân văn, như tự do, công bằng, đạo đức,... chính là cơ sở thúc đẩy phát triển, xây dựng nền tảng để nhiều ngành, lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, là cơ sở để khả năng sáng tạo của con người được khai thác tối đa, đưa đến những thành tựu to lớn, từ phát triển các lý thuyết mới trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, toán học, sinh học, giáo dục đến sự ra đời các tác phẩm văn học, nghệ thuật vô giá. Có thể kể đến những thành tựu, như sáng chế bộ đếm số, bảng tính đặt tiền đề cho ngành khoa học máy tính; thành tựu của thuật số học mang đến sự phát triển mạnh mẽ cho ngành in; sáng chế kính viễn vọng và thuyết trái đất quay quanh mặt trời của Galileo Galilei tạo ra bước ngoặt với những hiểu biết mới về vật lý; sáng chế động cơ hơi nước đặt nền móng cho sự bùng nổ của các cuộc cách mạng công nghiệp; các tác phẩm nghệ thuật, như Mona Lisa, The Last summer,... của Leonardo da Vinci, The school Athens, The Sistine Madonna,... của Rafael, Moonlight Sonata, Symphony No.5, Symphony No.9 của Beethoven, Piano Concerto No.21, The Marriage of Figaro,... của Mozart, Brandenburg Concertos, Mass in B Minor,... của Johann Sebastian Bach,... trở thành các di sản vô giá cho hậu thế.

Có thể thấy, những thành tựu của thời kỳ Phục hưng là kết quả sự nỗ lực của các trí thức và nghệ sỹ; cho thấy văn hóa có tầm ảnh hưởng lớn lao đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học,... Văn hóa thời kỳ Phục hưng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội châu Âu thời kỳ đó, mà còn là nền tảng, là động lực thúc đẩy sự phát triển, thậm chí định hình một số giá trị cốt lõi của châu Âu hiện đại sau này.

Nhìn lại lịch sử đất nước, không ít cuộc chấn hưng văn hóa đã được kêu gọi và thực hiện. Đó là cuộc chấn hưng văn hóa cách đây hơn 100 năm - cuộc Duy Tân văn hóa do nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh (1872 - 1926) phát động năm 1906. Phong trào diễn ra trong 2 năm và đã tạo nên một dấu ấn quan trọng trong lịch sử. Phong trào chủ trương khôi phục đất nước bằng Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh(4). Thời điểm đó, các yếu tố thúc đẩy cuộc Duy Tân văn hóa chính là những thay đổi về nền tảng kinh tế và cơ cấu xã hội(5), văn hóa Việt Nam trên mọi phương diện, khía cạnh. Đặc biệt, văn hóa tư tưởng, văn hóa đạo đức, văn hóa lối sống... đều đứng trước khủng hoảng. Những giá trị văn hóa truyền thống của nền văn hóa Nho giáo, của chế độ phong kiến, của nền kinh tế nông nghiệp vốn đã ăn sâu vào đời sống xã hội, vào tâm thức người dân bị tác động, ảnh hưởng bởi chính sách nô dịch văn hóa. Chế độ thực dân thực thi chính sách “ngu dân”, khoét sâu tâm lý “an phận thủ thường”, “biến quần chúng thành những đám đông tự ti, khiếp nhược trước sức mạnh của văn minh đại Pháp, mất tin tưởng vào khả năng và tiền đồ của dân tộc, cắt đứt với mọi truyền thống tốt đẹp, phục vụ trung thành cho quyền lợi của đế quốc”(6), dẫn đến một xu hướng văn hóa biến đổi, lai căng... Những biến đổi nhanh chóng và ngày càng sâu sắc trong đời sống xã hội, trong các quan hệ xã hội, trong nhận thức về các giá trị văn hóa đã tạo ra những áp lực về một cuộc cách tân văn hóa. Thời điểm đó, văn hóa Việt Nam ở vào tình thế phải lựa chọn con đường phát triển.

Năm 1946, chỉ một năm sau khi nước ta giành được độc lập, đất nước đang trong thời kỳ khó khăn, nhưng đứng trước yêu cầu về xây dựng một nền văn hóa mới vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức. Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng”(7), và nhấn mạnh văn hóa phải lấy sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh. Hội nghị cũng kế thừa nhiệm vụ được đề ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Hai năm trước khi giành được độc lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 (gọi tắt là Đề cương). Đây được xem là cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và sau khi thành lập nước năm 1945, tinh thần của bản Đề cương được phổ biến rộng rãi. Đề cương đã đánh giá sơ lược các giai đoạn trong lịch sử văn hóa Việt Nam, những “NGUY CƠ CỦA VĂN HÓA VIỆT NAM DƯỚI ÁCH PHÁT XÍT NHẬT - PHÁP”(8); nêu rõ tính chất văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ “về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản”(9). Đề cương cũng chỉ rõ ba nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn này là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa(10). Đó cũng chính là bối cảnh cho thấy tính cấp thiết của Hội nghị văn hóa toàn quốc với những định hướng sâu sắc và cụ thể về đường lối phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Chấn hưng văn hóa Việt Nam - yêu cầu được khẳng định từ thực tiễn

Một là, từ những tác động khách quan. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khoa học - công nghệ thúc đẩy nền kinh tế tri thức phát triển, mạng xã hội xóa nhòa ranh giới địa lý, ranh giới giữa các nền văn hóa trên không gian mạng. Sự giao lưu, tiếp biến văn hóa cũng diễn ra mạnh mẽ khiến các quốc gia gần nhau hơn cả trên không gian mạng và trong cuộc sống thực, đồng thời cũng tạo ra xung đột giữa các nền văn hóa, tạo môi trường cho hiện tượng “xâm lăng” văn hóa. “Xâm lăng” văn hóa vừa diễn ra tự nhiên theo quy luật của các nền văn hóa phát triển lấn át, chiếm thị trường của các nền văn hóa ít phát triển hơn, vừa có chủ đích của các chủ thể trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, văn hóa. Nền văn hóa Việt Nam vốn mang bản chất của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa với tính nhân dân rộng khắp và tính dân tộc sâu sắc đã và đang “đối mặt” với những xu hướng văn hóa đa dạng từ các nền văn hóa khác trên thế giới; bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc đã và đang đứng trước những thách thức của các xu hướng mới trong thời kỳ hiện đại... Trong quá trình đó, một số nét văn hóa truyền thống bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp với đời sống xã hội hiện nay, và một số cái mới, cái tiến bộ lại chưa định hình một cách rõ nét.

Hai là, hoạt động lãnh đạo, quản lý nhà nước về văn hóa cũng còn bộc lộ một số hạn chế, như văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực của sự phát triển bền vững đất nước”. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn. Các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo, thông tin đại chúng, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, lý luận và phê bình văn học, nghệ thuật, văn hóa đối ngoại... tuy phát triển về quy mô, phạm vi, số lượng, nhưng chất lượng chưa cao, nhiều vấn đề mới nảy sinh chưa được giải quyết kịp thời. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao..., nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới(11)...

Ba là, nhân tố con người có những biểu hiện xuống cấp về văn hóa, đạo đức. Yếu tố con người - vốn là trọng tâm, là nhân tố quan trọng nhất cho phát triển cũng đang cho thấy những biểu hiện thiếu tích cực, cần có những giải pháp hữu hiệu để phát huy vai trò trong quá trình phát triển. Các cuộc chỉnh đốn Đảng trong 3 nhiệm kỳ gần đây của Đảng(12) đã chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, đó là hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, là tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống trong xã hội... Những biểu hiện của tình trạng này có xuất phát điểm từ những biểu hiện của nhận thức chưa đúng đắn về các giá trị đích thực của văn hóa trong bối cảnh mới; từ đó có những thái độ hoài nghi, hành động phản cảm và sự thiếu định hướng đúng đắn kịp thời về văn hóa. Một bộ phận chủ thể văn hóa là cá nhân chưa phân biệt được các giá trị văn hóa đích thực, “nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là “vô văn hóa”, “phản văn hóa”)(13). Hiện tượng này thể hiện từ cách ăn mặc, giao tiếp, ứng xử từ trong gia đình đến ngoài xã hội; là nguồn căn của lối sống ích kỷ, thực dụng, tham ô, tham nhũng; là nguyên nhân của hiện tượng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.

Bốn là, từ yêu cầu phát triển của bối cảnh mới. Bối cảnh mới đặt ra các yêu cầu:

Trước hết, phải phân biệt được các giá trị văn hóa và phản văn hóa, xác định được một định hướng đúng đắn, phù hợp cho sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam, yêu cầu này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ khi chỉ ra “xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”(14). Tức là phân biệt rõ các giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc để chủ động, tích cực vừa gìn giữ, phát huy, vừa phân biệt rõ đâu là các biểu hiện  văn hóa không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, phân biệt rõ đâu là các phản giá trị văn hóa. Nhận diện rõ để chủ động tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa phù hợp của nhân loại trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.

Thứ hai, những giá trị mới (cả về tinh thần và vật chất) mà văn hóa mang lại trong bối cảnh toàn cầu hóa, nền kinh tế tri thức, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó là những giá trị của sức mạnh nội sinh tạo nên “sức mạnh mềm” quốc gia - dân tộc, là những giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa, của thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa,... đặt ra yêu cầu phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về phát triển văn hóa trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, trong mục tiêu tổng thể vì sự phát triển bền vững, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, từ đó có hành động kịp thời, quyết liệt để chấn hưng văn hóa, làm cho các giá trị văn hóa tốt đẹp của quốc gia - dân tộc được đề cao và phát huy mạnh mẽ hơn, làm cho văn hóa hưng thịnh là yêu cầu tất yếu.

Có thể khẳng định, đây là thời điểm không thể muộn hơn để định hướng con đường phát triển cho văn hóa - đó không chỉ là sự phù hợp với truyền thống văn hóa, là tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, mà còn phải đáp ứng các yêu cầu phát triển của thời đại mới, xứng đáng với tầm vóc, vị thế dân tộc. Quá trình chấn hưng văn hóa phải đồng bộ với chủ trương phát triển các ngành, lĩnh vực khác, phải song hành với thúc đẩy phát triển mới đạt mục tiêu đề ra để hướng tới một nền văn hóa hưng thịnh, góp phần vào sự phát triển toàn diện đất nước.

Bài viết “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ đặt ra yêu cầu về một cuộc chấn hưng văn hóa, mà còn đưa ra những định hướng quan trọng cho một cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc - đất nước(15) trong thời điểm hiện nay.

Xin chữ ngày xuân - nét đẹp văn hoá truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Một số vấn đề đặt ra và giải pháp thời gian tới

Từ yêu cầu phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về nội hàm văn hóa, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa trong tình hình mới hiện nay để thực hiện chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, cần làm rõ một số vấn đề cốt lõi:

Về mối quan hệ giữa văn hóa và dân tộc: Quan điểm xây dựng nền văn hóa mới với ba tính chất: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa; lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở từ Đề cương về văn hóa Việt Nam cần được tiếp tục kế thừa, phát triển, vận dụng phù hợp với tình hình hiện nay.

Văn hóa và Dân tộc luôn là hai mệnh đề song hành tồn tại trong suốt quá trình phát triển của đất nước. Những yếu kém, khuyết điểm về văn hóa, con người luôn là dấu hiệu cảnh báo hậu quả nguy hại và những phát triển của văn hóa, con người luôn là dấu hiệu của tương lai tốt đẹp đối với quá trình phát triển của đất nước, dân tộc, cho thấy tầm ảnh hưởng sâu sắc và to lớn của văn hóa đối với đất nước. Do đó, nhiệm vụ xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được khẳng định từ Đại hội VIII của Đảng đến nay cần tiếp tục được phát huy, phát triển. Cần phổ biến rộng rãi và nâng cao nhận thức văn hóa còn thì dân tộc còn(16) trong tất cả tầng lớp nhân dân.

Về mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị - kinh tế - xã hội: Kế tục đường lối phát triển văn hóa được đề ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943: quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị: nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng nên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc)(17), mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa)(18); kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, trong những nhiệm kỳ đại hội gần đây, Đảng ta luôn đề cao, coi văn hóa là một trong các trụ cột phát triển bền vững.

Trong thời gian gần đây, việc xây dựng văn hóa (đạo đức), con người được coi trọng, đặc biệt là trong Đảng, trong hệ thống chính trị. Văn hóa và con người văn hóa là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các cấp, các ngành. Văn hóa chính trị, văn hóa công vụ, văn hóa công sở, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân... thường xuyên được đề cập, đề cao, coi trọng. Đạo đức, lối sống trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong đánh giá cán bộ, trong tiêu chí sử dụng cán bộ. Có thể thấy, văn hóa đã dần thấm đẫm vào từng lĩnh vực đời sống xã hội và thực hiện chức năng điều tiết xã hội.

Nhấn mạnh văn hóa trong bối cảnh mới còn bao hàm cả khía cạnh các giá trị tinh thần và giá trị vật chất. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, động lực phát triển, mà một số ngành công nghiệp văn hóa còn thực sự trở thành các ngành kinh tế mang lại lợi nhuận, giá trị kinh tế không nhỏ, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước; phải “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”(19), hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Do vậy, văn hóa cần được nhận thức toàn diện, thấu đáo, được đề cao, được tạo điều kiện thuận lợi để triển khai trong mối quan hệ tổng thể hài hòa với các lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Về mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam: Với vai trò vừa là chủ thể vừa là trung tâm, văn hóa và con người là hai thành tố quan trọng trong đời sống xã hội. Phát triển văn hóa, phát triển con người trở thành chủ trương xuyên suốt và nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong mọi thời kỳ. Ngay từ năm 1998, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã khẳng định “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI xác định “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4-6-2020, của Bộ Chính trị khóa XII khẳng định “tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng...”(20). Mục tiêu này cần được kiên trì và kiên định trong bất cứ hoàn cảnh nào; là một mục tiêu thành phần không tách rời trong tổng thể mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Để hiện thực hóa các mục tiêu, thực hiện chấn hưng văn hóa trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung vào một số trọng tâm:

Chấn hưng văn hóa phải được khai mở từ trong nhận thức. Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, khắc phục tình trạng “Chưa nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về đường lối văn hóa của Đảng, nhất là trong thời kỳ mới hiện nay”(21). Nền văn hóa chúng ta đang chủ trương là nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thể hiện ở kết hợp hài hòa sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và chắt lọc, duy trì, phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Tinh thần, khát vọng ấy cần được truyền tải thấm đẫm vào từng cá nhân, từng tập thể; cần được chuyển hóa thành tư duy chiến lược, thành hành động thực tiễn, đưa văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra, thành động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác. Chấn hưng văn hóa chính là từ những nền tảng tinh thần và hành động thực tế đó và phải được thể hiện trong các lĩnh vực đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội.

Tóm lại, nâng cao nhận thức, đưa các yêu cầu cơ bản (tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển thời kỳ mới) của văn hóa Việt Nam hiện đại trở thành tinh thần cốt lõi của các chính sách văn hóa, của các nhiệm vụ phát triển văn hóa.

Chấn hưng văn hóa phải được thể hiện trong các quy định pháp luật, các quy tắc ứng xử xã hội. Phải kịp thời thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người thành các chính sách, pháp luật cụ thể, khả thi. Từ các quy định pháp luật trong hoạt động kinh tế, xã hội đến các quy tắc ứng xử trong từng cơ quan, tổ chức, quy tắc ứng xử nơi công cộng... Các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan hành chính phải có những quy định, quy chế hoạt động đáp ứng yêu cầu nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân. Các doanh nhân phải có văn hóa kinh doanh, các doanh nghiệp phải tạo dựng được văn hóa doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục phải tạo dựng được văn hóa học đường, đạo đức nhà giáo. Các cơ sở y tế phải tạo dựng được đạo đức ngành y...

Tóm lại, các quy định pháp luật, các quy tắc ứng xử xã hội phải lấy văn hóa làm nền tảng.

Chấn hưng văn hóa phải được cụ thể hóa trong từng chính sách phát triển văn hóa, con người. Kế thừa chính sách văn hóa thể hiện trong các hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 xác đ?nh: ịnh: Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại (xem khoản 1, Điều 60); Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (xem khoản 2, Điều 60); Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân (xem khoản 3, Điều 60), Đại hội XIII của Đảng khẳng định phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Trao truyền các giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Đặc biệt, đối với các chính sách văn hóa cụ thể, như chính sách bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chính sách đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở, chính sách khuyến khích sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, chính sách đầu tư phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chính sách hội nhập văn hóa quốc tế,... phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản, đó là tôn trọng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng và khác biệt của văn hóa các dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng trong thụ hưởng văn hóa, bảo đảm tính liên kết giữa chính sách văn hóa với các chính sách khác, bảo đảm tính phù hợp với tình hình đất nước, quy luật phát triển bền vững và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.

Tóm lại, các vấn đề cốt yếu trong phát triển văn hóa, con người phải được nhận thức đúng và được quan tâm, được đầu tư thích đáng.

Chấn hưng văn hóa phải được thể hiện trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình ban hành và thực thi chính sách kinh tế phải vừa tạo cảm hứng, bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm nhân văn, vừa ràng buộc trách nhiệm đối với các chủ thể, không để tư tưởng “duy kinh tế” lấn át. Chính sách kinh tế trong văn hóa phải chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phải có cơ chế khơi dậy, phát huy tiềm năng to lớn của các giá trị văn hóa để khai thác, chuyển hóa thành các giá trị kinh tế, đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải đi liền với hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Hiện nay, đời sống văn hóa của người dân không chỉ đơn thuần là đời sống vật chất và đời sống tinh thần đầy đủ, mà còn được hiểu đó là một cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc “không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”(22), được sống trong môi trường xã hội lành mạnh. Và để xây tạo được môi trường lành mạnh đó, phải bao hàm các chính sách đúng đắn để xây tạo một môi trường giáo dục, môi trường y tế toàn dân, toàn diện; môi trường kinh tế xanh; môi trường sinh thái trong lành, vì con người, vì sự phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Tóm lại, phải lấy văn hóa làm điểm tựa cho các chính sách kinh tế - xã hội.

Chấn hưng văn hóa phải được thể hiện trong chính sách đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước. Chủ động gìn giữ và phát huy những giá trị chuẩn mực, điển hình của gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn giá trị truyền thống với giá trị thời đại; hiểu biết và tôn trọng giá trị văn hóa của các quốc gia khác,... làm cơ sở quan trọng kết hợp với tăng cường hoạt động giao lưu văn hóa để truyền bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài với tinh thần mang bản sắc văn hóa Việt Nam tham góp vào sự đa dạng, phong phú của văn hóa thế giới.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác ngoại giao nói chung và ngoại giao văn hóa nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng, triết lý văn hóa khoan dung, đặc biệt triết lý ngoại giao “cây tre Việt Nam”(23) vừa mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện cốt cách, khí phách của một dân tộc bản lĩnh, can trường, kiên định, vừa mang tính mềm mại, uyển chuyển từ trong lịch sử của cha ông ta, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 14-12-2021. Đây cũng là định hướng đường lối ngoại giao quan trọng cần được phát huy, phát triển một cách linh hoạt, sáng tạo để ngoại giao Việt Nam góp phần vào sự phát triển, nâng cao vị thế, gia tăng tiềm lực, sức mạnh cho đất nước.

Tóm lại, phải lấy văn hóa làm tư tưởng xuyên suốt các chính sách đối ngoại, ngoại giao./.

TS NGUYỄN THỊ MAI ANH

Tạp chí Cộng sản

------------------------------

(1) Hoàng Phê (Chủ biên): Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2002, tr. 143
(2) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022
(3) Có nhiều tài liệu đề cập đến các mốc thời gian của thời kỳ Phục hưng, nhưng về cơ bản đều lấy thời kỳ từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII
(4) Khai dân trí: Là bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục và thói xa hoa...; Chấn dân khí: Làm cho mọi người thức tỉnh tinh thần tự cường, hiểu được quyền lợi của mình, dám tố cáo sự hà hiếp, bóc lột của quan lại và sự nhũng lạm của cường hào...; Hậu dân sinh: Khuyến khích dân học nghề nghiệp, khai hoang làm vườn, lập hội buôn và sản xuất hàng nội hóa...
(5) Khi thực dân Pháp thực hiện kiện toàn chính quyền thực dân, hàng loạt trung tâm công nghiệp hình thành ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Vinh, Đà Nẵng...; các đồn điền cao su, hạt tiêu... ở khắp ba kỳ Bắc, Trung, Nam; giao thông được xây dựng cả đường bộ, đường sắt, đường thủy; một số ngành, nghề mới xuất hiện, như bưu điện, ngân hàng... Nền kinh tế Việt Nam hình thành một phương thức sản xuất chưa bao giờ có (sản xuất công nghiệp). Xã hội Việt Nam hình thành giai cấp tư sản và giai cấp công nhân với những quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội hoàn toàn mới mẻ
(6) Đặng Thị Hương Liên: “Chính sách văn hóa của thực dân Pháp ở Việt Nam giai đoạn 1858 - 1945”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật điện tử, ngày 11-12-2018, http://vanhoanghethuat.vn/chinh-sach-van-hoa-cua-thuc-dan-phap-o-viet-nam-giai-doan-1858-1945.htm
(7) Ngày 24-11-1946: “Bác Hồ nói gì về văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất?”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 22-11-2021, https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ngay-nay-nam-xua/ngay-24-11-1946-bac-ho-noi-gi-ve-van-hoa-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc-lan-thu-nhat-677875
(8), (9) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 317
(10) “Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập)”, “Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng)” và “Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ)” (Xem: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 319)
(11) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Sđd, tr. 167
(12) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, ngày 16-1-2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, ngày 30-10-2016, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
(13), (14) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Sđd, tr. 167, 168
(15) Xem toàn văn bài viết “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022
(16) Tinh thần “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn” trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Sđd, tr. 157
(17), (18) Xem: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 316
(19), (20), (21) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Sđd, tr. 172, 169, 168

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tin cùng dòng sự kiện