Chuyển đổi số báo chí: Cần thay đổi tư duy và cách làm

Ngày 30-11, tại Thái Bình, Báo Nhân Dân, Tỉnh ủy Thái Bình, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn”.

Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo nhằm mục đích tạo ra diễn đàn để các nhà quản lý ngành báo chí, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí cập nhật thêm những nội dung mới trong vấn đề lý luận chung về chuyển đổi số báo chí; phân tích, đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với báo chí, xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Việt Nam thời gian tới.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải; cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo quản lý lĩnh vực báo chí, xuất bản; các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí; lãnh đạo các cơ quan báo chí, đơn vị xuất bản trong cả nước.

Cần mạnh dạn chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ tác động nhiều tới việc vận hành, phát triển của các cơ quan báo chí. Trước những thách thức và cơ hội này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của chiến lược là “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng...

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhận định: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại để phục vụ độc giả tốt nhất, nhanh nhất.

Chuyển đổi số không đơn giản là đầu tư thiết bị công nghệ, phần mềm mà phải chính là thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến cán bộ, phóng viên, nhân viên; là đổi mới toàn bộ quy trình sản xuất nội dung, quy trình kinh doanh, quy trình vận hành tòa soạn. Chuyển đổi số phải bảo đảm chất lượng báo chí ngày càng cao, xây dựng đội ngũ độc giả trung thành.

Các cơ quan báo chí phải mạnh dạn triển khai hoạt động chuyển đổi số; không ngừng sáng tạo, vừa làm, vừa điều chỉnh thay vì chờ đợi; tăng cường công tác đào tạo, đổi mới hình thức đào tạo; xây dựng kho dữ liệu dùng chung, công cụ đo lường, thu thập dữ liệu độc giả... Như vậy, chuyển đổi số mới có thể thành công, đạt hiệu quả”.

Khẳng định chuyển đối số không chỉ là vấn đề sống còn, giúp quy trình vận hành được tối ưu hóa và thông minh hơn, mà còn tăng cường khả năng tiếp cận độc giả, hướng đến nâng cao trải nghiệm của người dân và công chúng, trong phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS. TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật đánh giá, thời gian qua các cơ quan báo chí, xuất bản đã có sự thay đổi tư duy, dành thời gian, nguồn lực để chuẩn bị nghiêm túc, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, chủ động nắm bắt, ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động của mình. Báo chí trong nước đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhận diện những thời cơ, thách thức trong chuyển đổi số mà các cơ quan báo chí đang đối diện. Tại không ít cơ quan báo chí, vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ và toàn diện về lợi ích, tầm quan trọng và cách thức chuyển đổi số của đội ngũ lãnh đạo, quản lý cơ báo chí, xuất bản với tâm lý ngại thay đổi, không dám đột phá. Bên cạnh đó, nguồn lực cho chuyển đổi số vẫn còn yếu. Nhiều cơ quan báo chí, xuất bản chưa đủ vững về tài chính để mua sắm trang thiết bị. Phần lớn các tòa soạn, nhà xuất bản hiện chưa tự chủ được về công nghệ, hoặc thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư công nghệ, hoặc lệ thuộc vào công nghệ của đối tác…

Về vấn đề này, PGS. TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản trăn trở, để thực hiện chuyển đổi số thì cũng cần phải có tư duy số, và cơ chế quản lý, hoạt động rõ ràng. Chẳng hạn như khi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí, khi xảy ra sai sót, vi phạm bản quyền thì việc chịu trách nhiệm sẽ được quy định như thế nào.

Để chuyển đổi số đi vào thực chất

Tại hội thảo, nhiều giải pháp để hoạt động chuyển đổi số báo chí, xuất bản, lý luận và thực tiễn đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho rằng, các cơ quan báo chí, xuất bản, các cơ sở đào tạo ngành cần thường xuyên đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, về cách thức chuyển đổi số. Từ đó, các cơ quan quản lý cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu đối với lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong công tác chuyển đổi số báo chí, xuất bản.

Đối với các cơ sở đào tạo báo chí - xuất bản, cần nâng cao chất lượng thực hành, đào tạo nghề, bồi dưỡng toàn diện về phẩm chất, kỹ năng cho học viên, đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới.

Nhấn mạnh vấn đề nhân lực, con người đưa đến thành công của hoạt động chuyển đổi số, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, chuyển đổi số không phải là dự án mà là một hành trình. Tuy nhiên, đây là một hành trình không đơn giản, chắc chắn gặp phải nhiều rào cản, thách thức.

Ở góc độ cơ quan báo chí địa phương tham góp tại hội nghị, Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh Nguyễn Công Thành cho rằng, để công cuộc chuyển đổi số được ứng dụng thành công, các cơ quan báo chí cần nghiên cứu, cân nhắc phương thức, lộ trình, mức độ áp dụng cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp là cơ quan báo Đảng; tạo dựng mô hình phù hợp với điều kiện tài chính; đào tạo, quan tâm đến đội ngũ nhân lực nhất là lực lượng trẻ.

Thông tin về hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết, các cơ quan báo chí thành phố đều tập trung hướng tới xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, mục tiêu hướng tới xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ.

Phó Trưởng ban Thường trực ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí Hà Nội như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí, đội ngũ phóng viên, biên tập viên; xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của thành phố Hà Nội; thành phố tạo điều kiện để các cơ quan báo chí Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp…

“Chúng tôi kiến nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chuyển đổi số; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số”, đồng chí Phạm Thanh Học kiến nghị.

Theo Hanoimoi

Tin cùng dòng sự kiện