Chuyện kể về dòng sông

Sông Lô trong sử sách

Trong sách “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi chép: “Lô là tên sông lớn phát nguyên tự Tam Giang chảy đến Kiền Lộ hợp với sông Thao, sông Đà” (Dư địa chí, Nguyễn Trãi toàn tập, trang 229, NXB KHXH, 1976). Thời nhà Minh cai trị nước ta, “sông Lô  được gọi là các sông: Bình Nguyên (khi sông Lô chảy qua Hà Giang), sông Tuyên Quang (là khúc sông chảy qua Tuyên Quang), sông Tuyên (là khúc sông chảy vào sông Hồng qua Vĩnh Phúc). Ngoài ra, sông Lô còn có tên khác là Thanh Giang. Đến thời Tự Đức, năm thứ ba, sông Lô được xếp vào hàng sông lớn”. (Dư địa chí, Nguyễn Trãi toàn tập, trang 607, NXB KHXH, 1976).

Còn sách “Đại Nam nhất thống chí” (ĐNNTC) của triều Nguyễn lại chép: “Sông Lô ở cách huyện Vĩnh Tuy 49 dặm về phía Tây Bắc, phát nguyên từ phía đông phủ Khai Hóa nước Thanh chảy vào địa hạt Tuyên Quang qua địa phận các châu huyện Vĩnh Tuy, Vị Xuyên, Chiêm Hóa, Hàm Yên, có nước sông Yên Long và sông Gâm hợp vào rồi chảy qua phía Đông tỉnh thành gồm 74 dặm, có 173 thác nước, nước chảy như tên bắn, đường thủy rất là hiểm trở; hạ lưu hợp với sông Chảy rồi đổ vào ngã ba sông Bạch Hạc tỉnh Sơn Tây” (ĐNNTC, tập 4, trang 349, NXB Thuận Hóa, 1992). Mặc dù còn có những điểm chưa thật thống nhất trong cách xác định nơi khởi phát của sông Lô cũng như tên gọi, nhưng qua hai cuốn sách trên, có thể thấy, ngay từ các triều đại phong kiến Việt Nam, các sách địa chí đã rất chú ý đến sông Lô, một trong những con sông lớn của nước ta.

Ảnh: Quang Hòa

Thượng nguồn sông Lô từ Hà Giang về đến thành phố Tuyên Quang hiện nay, như ĐNNTC đã chép, có tới “173 thác nước, nước chảy như tên bắn, đường thủy rất là hiểm trở”. Trong mục Phụ lục của sách “Dư địa chí” do Nguyễn Thiên Túng viết có chép: “Ở Tuyên Quang có bốn đá thác gọi là đá Trùng viên phu phụ (Thác vợ chồng) và đá Tiên thiềm mẫu tử (Cóc mẹ cóc con); có hai chỗ nước réo Chảm thủy gọi là Hí tượng cảng và Tầu mã cảng. Đá đứng chéo nhau, đường sông sâu hiểm, sóng nổi cuồn cuộn, tiếng nước chảy réo nghe vang xa đến hơn nửa dặm, bè chở qua đây nếu chèo không khéo thì bị mắc vào trong hang đá. Khi Tĩnh Vương (Trịnh Sâm) đi dẹp miền tây, sai lính bắn bốn hòn đá ấy đi, đá đều đổ xuống sông. Vài ngày sau, đá Tiên thiềm lại nối đuôi nhau, đá Trùng viên lại đội nhau như cũ. Lính sợ lắm, đem việc ấy nói với Tĩnh Vương. Tĩnh Vương sai giết bò làm lễ những đá ấy” (Dư địa chí, sách đã dẫn, trang 229, NXB KHXH, 1976). Từ thành phố Tuyên Quang ngày nay về xuôi sông Lô, đi lại thuận lợi hơn nhiều, đường thủy có thể về đến Hà Nội. Thời nhà Nguyễn “Bản triều năm Minh Mệnh thứ 17 đúc cửu đỉnh, khắc hình tượng (sông Lô) vào Anh Đỉnh” (ĐNNTC, tập 4, trang 340, NXB Thuận Hóa, 1992).

Sông Lô còn lưu giữ những trầm tích lịch sử. Năm 1920, học giả H. Mansuy (Pháp) đã công bố phát hiện một địa điểm tiền sử bên bờ tả ngạn sông Lô, đó là địa điểm Bình Ca (thuộc xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương). H. Mansuy cho biết, tại đây, đã tìm được một số di vật thời kỳ đồ đá mới, trong đó có một vật được Man suy đoán là cái đèn, một vòng bằng ngà, ba rìu đá mài toàn thân, ba mũi giáo bằng phiến thạch hình lá, có gân ở giữa cùng một số xương trâu bò. (Trình Năng Chung (chủ biên), Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tuyên Quang, Tiền sử và sơ sử Tuyên Quang, trang 41, NXB KHXH, 2009).

Trong đợt khảo sát ở Hàm Yên (vào tháng 5-2004), Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tuyên Quang đã phát hiện 19 công cụ trên khu vực gò Gốc Kheo (thôn Đôn Bầu, xã Yên Phú), nguyên đây là bậc thềm sông cổ, tạo thành gò lớn, nằm ở bờ trái sông Lô, cao hơn mặt nước sông khoảng 200 m. Bước đầu, các nhà khoa học xếp những công cụ này vào văn hóa Sơn Vi thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá cũ, cách nay từ 1.800 đến 12.000 năm. (Trình Năng Chung (chủ biên), Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tuyên Quang, Tiền sử và sơ sử Tuyên Quang, trang 65, NXB KHXH, 2009).

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), sông Lô trở nên oai hùng với những chiến thắng trên dòng sông Lô thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang. Bản “Trường ca sông Lô” của nhạc sỹ Văn Cao và nhiều bài hát khác đã ca ngợi chiến công của quân và dân sông Lô anh hùng. Lực lượng pháo binh “chân đồng vai sắt” đã ra đời từ đó.

Là cư dân nông nghiệp ruộng nước, người Việt có phong tục thờ Mẫu, đó là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Mẫu Thoải (Thoải phủ) cai quản miền sông nước. Bên dòng sông Lô lịch sử cũng có nhiều đền thờ Mẫu như: Đền Thác Cái (ở huyện hàm Yên), đền Thượng, đền Hạ, đền Đôi Cô (thành phố Tuyên Quang), đền Ba Khuôn (ở bến Bình Ca). Các đền này đều được xây dựng gần bến sông với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Tín ngưỡng Tam tòa Thánh Mẫu cũng được diễn ra vào lễ hội  tháng Hai (âm lịch) hàng năm như lễ hội Đền Hạ được tổ chức ở giữa ba đền là đền Thượng, đền Hạ và đền Ỷ La. Hàng năm, vào mùa xuân, người dân Tuyên Quang và khách thập phương đến lễ đền rất đông.

Phó Đáy - Dòng sông lịch sử

Sông Phó Đáy không mang dấu tích của những chiến công lừng lẫy như sông Bạch Đằng gắn với với tên tuổi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bằng trận chiến đánh bại quân Nguyên - Mông xâm lược; sông Hậu Giang gắn với tên tuổi Anh hùng áo vải Quang Trung bằng chiến thắng Rạch Gầm - Soài Mút đánh tan 20 vạn quân Xiêm hay sông Lô với những chiến thắng Bình Ca, Khe Lau cùng tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh bại cuộc tấn công chiến lược  Thu - Đông năm 1947 của quân Pháp. Dòng sông Phó Đáy gắn với lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên dòng sông này có nhiều di tích của Người hai thời kỳ cách mạng Tháng Tám và  Kháng chiến 9 năm: Ngày 21 tháng 5 năm 1945, Bác qua sông Phó Đáy về Kim Long, đặt “Tổng hành dinh” lãnh đạo cách mạng Tháng Tám. 

Những ngày đầu  kháng chiến Bác làm việc ở Làng Sảo, xã Hợp Thành. Sau đó Bác làm việc  ở  Khuôn Đào xã Trung Yên, Khuổi Tấu, Bản Chương xã Hùng Lợi. Riêng Tân Trào  Bác có 8 lần làm việc tại  ba địa điểm:  2 lần ở Lũng Tẩu, 3 lần ở Khấu Lấu - Vực Hồ, 3 lần hang Bòng. Nhiều ngày tháng Bác làm việc ở  Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ đặt tại  thôn Lập Binh, xã Bình Yên. Những địa điểm này đều nằm sát bờ sông Phó Đáy. Trên dòng sông  có di tích của Tổng Bí thư Trường Chinh ở Kim Quan,  của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người đứng đầu Ban Thường trực Quốc hội và Trung ương Mặt trận Liên Việt ở Chi Liền xã Trung Yên; của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở xóm Thia, ở Lập Binh. Và di tích trụ sở của Phân khu ủy Nguyễn Huệ ở Ao Búc, xã Trung Yên - Phân khu ủy đã lãnh đạo khởi nghĩa Thanh La thành công. Trong kháng chiến, bộ Ngoại giao, nha Công an, Ngân hàng quốc gia và nhiều bộ, ngành đóng ở Minh Thanh, bên dòng suối Lê, con suối hợp lưu với sông Phó Đáy. Bên dòng sông  Phó Đáy còn ghi dấu chiến công đánh Nhật ở đèo Chắn trên đường Thanh La vào Tân Trào.

Thượng nguồn sông Phó Đáy chảy qua 9 xã ATK: Trung Minh, Hùng Lợi, Trung Sơn,  Kim Quan, Trung Yên, Minh Thanh, Tân Trào, Bình Yên, Hợp Thành. Từng ấy dữ liệu, từng ấy di tích Phó Đáy xứng danh là dòng sông An toàn Khu, dòng sông di tích.  Ở đoạn trung lưu, từ Tú Thịnh trở xuôi, đôi bờ dòng sông Phó Đáy có những di tích thời cổ đại, trung đại. Đã phát hiện Làng cổ, tương ứng với thời đại Đồ đá mới tại Bãi Soi Tú Thịnh. Cũng ở Tú Thịnh tìm thấy nền chùa Lang Đạo, ngôi  chùa có từ thời Trần, từng nổi tiếng đương thời nên có câu “Chùa Lang Đạo, gạo Thái Nguyên” còn truyền đến ngày nay. Hợp Hòa, Thiện Kế, Ninh Lai, Sơn Nam là vùng tồn tại  Cự thạch - đồ đá cỡ lớn với những cột đá là dấu vết của những công trình kiến trúc tín ngưỡng đền, miếu, đình đài… Chiếc trống đồng nặng hơn 30 kg phát hiện ở thôn Văn Sòng  xã Thiện Kế là hiện vật tiêu biểu của thời đại Đồ đồng, tương ứng với nhà nước Văn Lang của các vua Hùng Vương. Dải núi đá 5 ngọn ở  Thiện Kế là một thắng cảnh có thể sánh với Ngũ Hành Sơn ở Quang Nam. Chùa Thiện Kế là ngôi chùa cổ, xây dựng trong hang, phong cảnh đẹp tựa chùa Hương. 

Sông Phó Đáy mang trên mình giá trị lịch sử  từ cổ đại đến hiện đại. Đó hẳn là tiềm năng lớn cho du lịch. Hiện tại, dọc bờ hữu ngạn có quốc lộ 2C, nối với đường Hồ Chí Minh xuyên Việt, tả ngạn có đường từ  thị trấn Sơn Dương men triền tây chân Tam Đảo qua Lập Thạch đi thành phố Vĩnh Yên. Để hình thành tua du lịch, trước hết nên có dự án chỉnh trị con sông, gạt bỏ những bãi bồi, khơi thông dòng chảy để thuyền, mảng có thể lưu thông. Nên chăng lập dự án xanh hóa dòng sông bằng việc trồng cây bản địa hai bờ sông thông suốt trên địa bàn hai huyện Yên Sơn, Sơn Dương tạo thành vành đai xanh rộng lớn. Đôi bờ, nên xây dựng làng văn hóa dân tộc Cao Lan ở Đại Phú, làng văn hóa dân tộc Sán Dìu ở Ninh Lai, làng văn hóa dân tộc Dao ngành Quần Chẹt ở Kháng Nhật, ngành Ô Gang, ngành Coóc Mùn ở Trung Yên. Ở đó du khách trải nghiệm, thưởng thức sản phẩm du lịch về văn hóa vật thể, nghề thủ công thêu dệt trang phục, ẩm thực vùng miền; văn hóa phi vật thể ca hát, nhạc cụ, vũ  điệu, lễ hội, phong tục thờ cúng, cưới hỏi, tập quán sản xuất…  Theo tài liệu lịch sử, trong kháng chiến đã có tổ chức thi chèo mảng trên sông Phó Đáy. Bởi thế, chuyển đổi An toàn khu từ thời chiến  sang thời bình, phát triển du lịch với cách làm thông minh đạt hiệu quả cao.

Phù Ninh - Đặng Trần Quân

Tin cùng dòng sự kiện