Chuyện nhỏ trên cao nguyên đá

- Vào một ngày đầu tháng Ba năm 1978, tôi được Tổng Biên tập gọi lên phòng làm việc. Ông bảo, cậu trẻ, viết về nông nghiệp vừa rồi ở vùng Sơn Dương, Yên Sơn, Bắc Quang được đấy (ông vốn là người kiệm lời khen cán bộ cấp dưới), giờ lên phía bắc nhé, về chuẩn bị tem gạo, giấy đi đường, tư trang... mai đi “nằm vùng” 4 huyện vùng cao phía Bắc (lúc bấy giờ chưa gọi là cao nguyên đá Đồng Văn). Ông dặn thêm, tiền hết, báo tài vụ cho tạm ứng (nói điều này vì ông hiểu, chúng tôi khi đó lương tháng chỉ có 46 đồng, thời kỳ bao cấp).

Đồng chí Nguyễn Việt Thanh
Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang

Hôm sau, tôi ra bến xe Hà Giang mua vé đi thẳng Mèo Vạc, huyện xa nhất trong 4 huyện vùng cao núi đá, dự tính từ Mèo Vạc rồi “rút dần” về Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ. Đường xá lên 4 huyện thời kỳ đó khó, khổ có lẽ vào loại nhất của đường Việt Nam - con đường có tên “đường Hạnh phúc”, được mở từ những năm 1959 - 1965, đèo dốc vừa dài, lại dựng đứng, một bên là vực sâu thẳm, cua tay áo, mặt đường toàn đá tước lổn nhổn. Xe đến huyện Yên Minh là tối, đành tìm chỗ ngủ lại, sáng hôm sau đi tiếp, đến khoảng 4 giờ chiều thì đến Mèo Vạc...

Lần đầu tiên lên vùng cao núi đá, cũng là lần đầu tiên có một chuyến đi công tác như thế, tuy mệt, vừa lo, nghĩ về công việc sẽ làm, vừa bị choáng ngợp trước cảnh đẹp kỳ vĩ của núi đá tai mèo trùng điệp, trong tôi có một cảm xúc khó tả...

Tôi ấp ủ đợt này phải viết được cái gì đó về nông nghiệp trên cao nguyên “đá chồng lên đá”. Nông nghiệp lúc bấy giờ ở 4 huyện vùng cao núi đá “át chủ bài” chỉ là cây ngô, lúa có ở huyện Yên Minh, Quản Bạ nhưng diện tích không nhiều. Tìm hiểu, thu thập thông tin tư liệu, quan sát tập quán canh tác trên đá của đồng bào Mông... tôi quyết định viết “Cây ngô Mèo Vạc” (khi đặt bút tôi lấy tít “Ngô trên non cao”, sau thấy viết về cây ngô ở cả 4 huyện thì sợ lan man, nên chọn chỉ viết về cây ngô ở Mèo Vạc).

Bài viết đăng trên báo Hà Tuyên ngay khi vụ ngô ở Mèo Vạc chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Bài báo được mọi người ở Huyện ủy Mèo Vạc đón đọc và dành cho tôi tình cảm thân thiết như người của huyện vậy, chả thế mà cứ lúc nào rảnh việc, Bí thư Huyện ủy Sùng Đại Dùng, người dân tộc Mông, lại gọi tôi sang phòng nói chuyện về quê hương Mèo Vạc, về con người chân chất, thật thà, ngay thẳng của dân tộc ông.

Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang Nguyễn Việt Thanh (đứng thứ 3 từ phải sang) với các lãnh đạo các báo, tạp chí tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2002. 

Về Tòa soạn, sau đợt công tác khá dài, tôi gặp nhà báo Nguyễn Tiến Lực, Trưởng Phân xã TTXVN thường trú tại Hà Tuyên lúc bấy giờ. Ông bảo đã đọc “Cây ngô Mèo Vạc” của tôi và khuyên tôi nên gửi cho báo Nhân Dân. Tôi ngại, vì Nhân Dân là tờ báo lớn của Đảng, tôi là phóng viên trẻ, mới vào nghề (năm đó tôi mới 23 tuổi, chưa đầy 3 năm tuổi nghề), làm sao dám “mơ” có bài đăng ở báo đó được. Đọc được băn khoăn của tôi, ông khuyến khích: Trong bài “Cây ngô Mèo Vạc”, có những chi tiết rất độc đáo, như mô tả về sự cần cù của người Mông vùng cao núi đá, cùng cái cách trồng ngô trên hốc đá chẳng giống ai.

Cày trên đất dốc đã khó, đây lại là cày đất đá tai mèo lởm chởm, miếng đất chỉ là mấy thước, ấy vậy mà người Mông ở đây vẫn cứ cày, bừa thuần thục; rồi xem cái cách đúc lưỡi cày, lưỡi cuốc làm sao khi cày, cuốc vấp đá không bị gãy, không sứt mẻ, chế tác cái cày sao cho thích hợp với việc cày nương dốc đá; gùi từng nắm đất bỏ vào hốc đá để tra hạt ngô, hạt đậu... tất tật đều rất “tính cách” người Mông. Nghe lời nhà báo Nguyễn Tiến Lực, tôi “liều” gửi bài cho báo Nhân Dân, cũng là để thử sức mình. Ít ngày sau “Cây ngô Mèo Vạc” được đăng trên báo Nhân Dân. Tôi mừng lắm...

Bốn sáu năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần được trở lại cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có Mèo Vạc một thời tôi gắn bó, đã để lại trong tôi những dấu ấn không bao giờ quên trong cuộc đời đầu làm báo của mình. Và đến bây giờ tôi vẫn nhớ câu nói của Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Sùng Đại Dùng: Người Mông mình “sống trên đá, chết vùi trên đá”. Ý ông muốn nói về sự khắc nghiệt của thiên nhiên, về sự cần cù, lam lũ, chân chất, hồn hậu của người dân quê ông, dù khốn khó mấy cũng bám đất, giữ làng, giữ bản nơi biên cương của Tổ quốc.                                           

Nguyễn Việt Thanh

Tin cùng dòng sự kiện