Mỗi địa phương một cách làm
Xác định “dân vận khéo” là yếu tố quyết định thành công trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp đã luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền nhằm khơi dậy sức mạnh toàn dân để thực hiện nhiệm vụ này.
Qua quá trình rà soát, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) có 26 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cần xóa trong năm nay. Để tổ chức triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, cấp ủy, chính quyền xã cùng lãnh đạo thôn đã tổ chức các cuộc họp tuyên truyền, lắng nghe ý kiến Nhân dân, trực tiếp cùng người dân tháo gỡ vướng mắc.
Đồng chí Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai cho biết: Một trong những khó khăn lớn đó là nhiều hộ gia đình không có nguồn lực đối ứng để làm nhà, một số hộ gia đình khác dù đồng thuận với chương trình nhưng còn chần chừ vì quan niệm không muốn làm nhà đầu năm nên tiến độ làm nhà bị chậm lại. Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát xã Hoàng Khai đã tổ chức tuyên truyền đến người dân đây là chủ trương lớn của Đảng, đưa người uy tín tham gia vào quá trình vận động với phương châm “làm nhà sớm thì sớm có nhà mới để ở”.
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Chiêm Hóa.
Đồng thời, xã huy động lực lượng gồm các tổ chức đoàn thể của xã, thôn tham gia hỗ trợ ngày công, giúp đỡ các gia đình tháo dỡ nhà ở cũ, xây dựng lán ở tạm, chuẩn bị mặt bằng để xây dựng nhà mới, quyết tâm xóa nhà tạm trong năm nay. Đến nay xã đã có 16 căn nhà đang trong giai đoạn khởi công, xây dựng và hoàn thiện.
Năm 2025, huyện Chiêm Hóa có kế hoạch thực hiện xóa 1.906 nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có 1.303 nhà làm mới, 603 nhà sửa chữa với tổng kinh phí cần để thực hiện là trên 96,27 tỷ đồng. Các địa phương đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện chủ trương, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết trong toàn dân.
Theo đồng chí Triệu Đức Long, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, để công tác dân vận xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt được hiệu quả, Ban Dân vận Huyện ủy đã chỉ đạo thành viên khối dân vận xã, thị trấn khơi dậy tinh thần, nâng cao ý thức của hộ nghèo xây dựng nhà ở. Đồng thời huy động sức mạnh cộng đồng khu dân cư hỗ trợ hộ nghèo làm nhà mới.
Trung Hà là xã đặc biệt khó khăn của Chiêm Hóa. Năm 2025, xã phấn đấu xóa 60 hộ nhà tạm, nhà dột nát trong đó có 20 hộ làm mới, 40 hộ sửa chữa. Chủ tịch UBND xã Seo Văn Sử chia sẻ: Khó khăn nhất trong quá trình làm nhà đó là nhiều hộ không có tiền đối ứng, vẫn còn nặng phong tục tuổi đẹp làm nhà.
Quá trình vận động, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát xã đã vận động người dân lựa chọn ngày lành, tháng tốt để làm lễ khởi công trước để khi có tiền sẵn sàng triển khai xây dựng ngay. Xã cũng tổ chức giao lưu văn nghệ phát động ủng hộ xây dựng nông thôn mới với số tiền vận động ủng hộ được trên 450 triệu đồng. Một phần kinh phí từ nguồn ủng hộ sẽ được trích để hỗ trợ những hộ gia đình quá khó khăn, không có điều kiện đối ứng.
Tạo sự đồng thuận
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng cách linh hoạt các phương án nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Xã Lang Quán (Yên Sơn) là một trong những “điểm sáng” trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát. Qua quá trình rà soát, toàn xã có 133 hộ cần xóa nhà ở tạm, nhà dột nát. Đến nay, xã đã hoàn thành 66 nhà, còn 67 nhà đang trong quá trình khởi công và hoàn thiện. Lang Quán cũng là xã duy nhất của tỉnh đến thời điểm này đã hoàn thành cấp kinh phí cho các hộ được hỗ trợ.
Lực lượng Dân quân tự vệ xã Hoàng Khai (Yên Sơn) giúp người dân tháo dỡ nhà tạm, nhà dột nát.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Lang Quán chia sẻ: Để đạt được kết quả đó, xã đã lên kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương. Bên cạnh nguồn vốn được hỗ trợ, xã đã huy động toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân cùng chung tay giúp đỡ ngày công lao động, cơ sở vật chất, vật liệu… để giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn xóa nhà tạm. Đặc biệt, Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể xã tập trung tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần giúp đỡ người nghèo, người yếu thế có điều kiện vươn lên.
Đến ngày 14-2-2025, toàn tỉnh có 1.967 hộ nhà tạm, nhà dột nát đang trong quá trình khởi công, xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tiến độ làm nhà cũng có chuyển biến tích cực, tăng từ 19,81% lên 28,4%, tăng gần 9%. Công tác triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 06/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã được Tỉnh ủy, UBND, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao. Cùng với đó, việc đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm, nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân cũng như cộng đồng trong việc tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng được tăng cường.
Chiến dịch cao điểm cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát của Thủ tướng Chính phủ là việc khó đòi hỏi nguồn tài chính và nhân lực rất lớn. Tại Tuyên Quang, để đạt được mục tiêu ấy, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát đã và đang được triển khai sâu rộng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Tin tưởng rằng, khi “ý Đảng” hợp với “lòng dân”, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được mục tiêu đề ra, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết