Sự thật được hiểu là điều phản ánh đúng hiện thực khách quan. Sự thật có tính vĩnh cửu, tồn tại trong mọi sự vật, hiện tượng xảy ra trong tự nhiên và trong đời sống xã hội con người. Đối với công tác lãnh đạo, quản lý, sự thật giúp cho công tác đánh giá, xây dựng chính sách, quy hoạch, dự án, đề án… được chính xác; giúp cho việc thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả, mục đích đề ra. Tôn trọng sự thật trong lãnh đạo, quản lý và trung thực là yêu cầu mà bất cứ cán bộ, đảng viên nào cũng phải đặt lên đầu.
Thực tế cho thấy, đã từng có đề án, dự án bị “chết yểu”, gây lãng phí, nhưng trước đó không hề có ý kiến phản đối hoặc phản biện trong nội bộ. Việc này dẫn đến lãng phí nguồn lực, thất thoát tài chính. Điều đáng nói là, trước khi tiến hành thực hiện dự án, đề án… dù có cá nhân đã dự cảm và có cơ sở để khẳng định đề án, dự án sẽ không mang lại hiệu quả, gây lãng phí, song lại không có ý kiến phản đối hoặc nếu có phản đối thì cũng chỉ mang tính lấy lệ, thiếu quyết liệt. Nguyên nhân của hiện tượng này bắt nguồn từ việc lo ngại lợi ích cá nhân bị ảnh hưởng, ngại phê bình, đấu tranh, không đủ dũng cảm nói lên sự thật.
Gần đây (ngày 15-12), Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Hà Giang) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can; bắt tạm giam Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) Cao Mạnh Thắng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự. Kết quả điều tra của cơ quan chức năng đã xác định: Khoảng tháng 6-2021, với cương vị là Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Mê, Cao Mạnh Thắng đã đưa thông tin không đúng sự thật về khai thác mỏ đá tại thôn Nà Viền, xã Giáp Trung, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang cho bà Phạm Thị Long ở thành phố Hà Giang rồi lừa đảo chiếm đoạt của bà Long hơn 2,3 tỷ đồng.
Đây là một vụ việc đơn lẻ trong không ít vụ việc mang biểu hiện không tôn trọng sự thật, không trung thực của cán bộ, đảng viên biến chất đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian qua. Điều này cũng cho thấy, lợi ích đã khiến một số cán bộ, đảng viên nói sai sự thật để tư lợi, bất chấp tất cả. Đây cũng chính là một trong những biểu hiện yếu kém mà Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã chỉ rõ. Kết luận khẳng định, một số cán bộ, đảng viên “… chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân”.
Để “vượt qua lợi ích”, “vượt qua sợ hãi”, dũng cảm nói lên sự thật, dám phản biện… đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức trong sáng, nhưng quan trọng hơn cả là phải có phẩm chất trung thực. Muốn có được phẩm chất trung thực thì yếu tố quan trọng và cấp thiết là các bí thư, cấp ủy, chi bộ phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; duy trì sinh hoạt Đảng đúng quy định và nguyên tắc. Cần thực hành nền nếp tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác phân công nhiệm vụ cho đảng viên để phát huy tinh thần trách nhiệm, tránh hiện tượng đùn đẩy hoặc thờ ơ vô cảm trước mọi việc. Một trong những vấn đề cần làm tốt nữa đó là, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào các vấn đề, công việc nổi cộm. Các cấp ủy, chi bộ cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó chú trọng công tác giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, phê phán những thói hư, tật xấu, biểu dương những tấm gương tiêu biểu về đạo đức, lối sống, những hành động dũng cảm trong cuộc đấu tranh chống những thói hư, tật xấu, hành vi tham nhũng, tiêu cực...
Bản thân mỗi cán bộ chủ trì cần xây dựng tác phong làm việc dân chủ, tôn trọng và lắng nghe góp ý của đồng nghiệp; tôn trọng sự thật và lắng nghe sự thật để xử lý công việc được hiệu quả. Tránh sử dụng cán bộ có biểu hiện gia trưởng, dùng lời nói đe nẹt làm “vũ khí” trấn áp tinh thần cấp dưới.
Ngoài những giải pháp trên, để có những cán bộ dám nói lên sự thật, dám phản biện thì cần đẩy mạnh vai trò nêu gương trong công tác của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là sự gương mẫu của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy, hầu hết các vụ việc tham nhũng xảy ra ở các cơ quan, đơn vị đều do người đứng đầu thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu sự bao quát, kiểm tra, thậm chí còn bao che, đồng lõa với biểu hiện tham nhũng. Bởi vậy, khi xảy ra vụ việc không phát hiện được kịp thời, có trường hợp cán bộ vi phạm vẫn được cất nhắc, đề bạt ở vị trí cao hơn. Điều này đã khiến cho phẩm chất trung thực không được đề cao, thậm chí còn nảy sinh những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng xấu đến nội bộ tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết